Chống dịch thành công và đưa tăng trưởng cuối năm bứt phá, mục tiêu khó nhưng không phải không làm được khi đã nhận diện rõ mục tiêu, thách thức, hướng đi.
GDP quý III âm 6,17%. Việc tăng trưởng trong một quý ghi nhận mức âm có thể gây "sốc" và lo ngại, tuy nhiên số liệu quý III đã thể hiện rõ nét và chân thực ảnh hưởng của Covid-19 đến sự vận hành của nền kinh tế.
Hoạt động sản xuất kinh doanh, chuỗi cung ứng, tiêu dùng gián đoạn, đứt gãy, chi phí tăng cao, nguồn lực nhiều doanh nghiệp ngày càng bào mòn, đời sống người dân, người lao động gặp nhiều khó khăn.
Theo kịch bản tăng trưởng mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, để GDP cả năm đạt 3% thì quý IV phải đạt 7,06% trở lên còn muốn GDP cả năm đạt 3,5% thì quý IV phải tăng trưởng trên 8,84%.
Có thể thấy, nhiệm vụ vực dậy nền kinh tế cuối năm quả thực không đơn giản. Chúng ta không những phải hồi phục kinh tế để đạt tăng trưởng dương, mà còn tăng trưởng ở mức cao. Điều đó cần sự nỗ lực cực kỳ lớn từ Trung ương đến các địa phương, từ khâu chính sách cho đến triển khai.
Doanh nghiệp và người dân cần thấy được sự hành động mạnh mẽ, dứt khoát của các cấp chính quyền chứ không chỉ là quyết tâm trên giấy tờ, trên bàn hội nghị. Mỗi một ngày trôi qua cũng có nghĩa là quỹ thời gian bị co hẹp, bị rút đi một ít, nên không có chỗ cho sự chần chừ, "câu giờ".
Điều đáng mừng là với nỗ lực chung, độ phủ vaccine lên dân số được mở rộng, tình hình dịch bệnh trên cả nước đã dần được khống chế, một số địa phương đang quay trở lại trạng thái "bình thường mới".
Thế nhưng, đằng sau đó là rất nhiều nỗi gian nan. Doanh nghiệp trở lại hoạt động nhưng thiếu vốn, thiếu lao động. Người dân chưa ổn định lại cuộc sống, di tản tránh dịch… Chưa kể là các yêu cầu, mục tiêu kép với doanh nghiệp để vừa chống dịch vừa hoạt động sản xuất kinh doanh. Không giải quyết được thấu đáo điều này thì rất khó để kinh tế vận hành trơn tru trở lại.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp. Các gói này chủ yếu là chính sách tài khóa và tiền tệ như thuế phí, lệ phí, khoanh nợ, giãn hoãn nợ, giảm lãi suất…
Ngoài các gói hỗ trợ nêu trên, còn thực hiện miễn giảm tiền điện nước, cước viễn thông, học phí, chi bảo hiểm thất nghiệp… Tổng quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 lên tới 10,45 tỷ USD, tương đương hơn 2% GDP.
Dù rằng mức này so với nhiều nước trên thế giới vẫn khiêm tốn, song đó là một nỗ lực đáng ghi nhận của cơ quan điều hành. Tôi đồng ý với ý kiến của nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung rằng: "Tại thời điểm này chúng ta phải chi mạnh vào, không là có tội", tuy nhiên, tiền là một chuyện, quan trọng hơn là giải ngân ra sao, hiệu quả thế nào?
Lấy ví dụ về đầu tư công, đây là một trong những động lực rất quan trọng để thúc đẩy kinh tế cuối năm. Nguồn vốn đầu tư công còn lại của năm 2021 khoảng 250.000 tỷ đồng. Theo yêu cầu của Thủ tướng, từ nay đến cuối năm phải thúc đẩy giải ngân đạt tỉ lệ cao nhất có thể. Ông phê bình nghiêm khắc những nơi có tỷ lệ giải ngân dưới 40%.
Song, lưu ý là Thủ tướng nhấn mạnh: giải ngân vốn đầu tư vừa phải đáp ứng bảo đảm tiến độ, vừa nâng cao chất lượng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Tức là không phải thích tiêu thế nào thì tiêu, tiền giải ngân vô tội vạ, trở thành cơ hội để kiếm chác, ăn chia.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét, các chính sách hỗ trợ Việt Nam chủ yếu vẫn nhằm giải quyết khó khăn ngắn hạn về tài chính của doanh nghiệp, tác động cung của nền kinh tế, còn thiếu các giải pháp dài hạn tổng thể nhằm tăng năng lực cạnh tranh, cải thiện sức chống chịu nền kinh tế với các cú sốc trong tương lai. Mà theo người viết, đó là cần một "gói hỗ trợ" về thể chế: chính sách phải rõ, thực thi phải nghiêm.
Cụ thể, chương trình hỗ trợ ngay từ đầu phải rành mạch, hướng đúng mục tiêu. Khi đã triển khai, cơ quan Nhà nước phải tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận, không nên biến các chính sách trở thành điều kiện để xin - cho, không những không đạt hiệu quả, dễ thất thoát mà càng làm cho doanh nghiệp và người dân trở nên mệt mỏi.
Chống dịch thành công và đưa tăng trưởng cuối năm bứt phá, mục tiêu khó nhưng không phải không làm được khi đã nhận diện rõ mục tiêu, thách thức, hướng đi. Quan trọng nhất vẫn là ý chí và sự đồng lòng để vượt qua!
Theo Bích Diệp/Dantri.com.vn