(Xây dựng) - Nhiều năm qua, kể từ khi Luật Đấu thầu ra đời và được áp dụng, nhiều doanh nghiệp đã phát hiện không ít những “khe hở” của luật này. Trên thực tế, tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu còn phổ biến; đặc biệt kết quả đấu thầu lại phụ thuộc vào giá cao, thấp để định đoạt việc thắng thầu cũng gây ra nhiều tranh cãi, nhất là đối với công trình có quy mô lớn, có kỹ thuật phức tạp…
Ngày 21/6/2019, Báo điện tử Xây dựng đã đưa tin về “tiếng kêu” của một doanh nghiệp phản ánh về công tác đấu thầu đối với gói thầu số 12 XD cầu vượt tại nút giao thông Hoàng Quốc Việt – Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên, TP Hà Nội. Nhà thầu này cho rằng trong hồ sơ mời thầu của chủ đầu tư đã đặt ra một số tiêu chí trái với các quy định của Luật Đấu thầu, nhằm loại bỏ nhiều nhà thầu có đủ năng lực, để lựa chọn nhà thầu theo ý muốn. Theo nhà thầu này thì trong hồ sơ mời thầu của chủ đầu tư có một số vấn đề cần được xem lại như sau:
Tại chương 3 mục 2.1:STT4 trang 48 thuộc bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực tài chính và kinh nghiệm của hồ sơ mời thầu (HSMT) có yêu cầu “phải có hợp đồng tương tự hoàn thành trong thời gian 01/01/2014 đến thời điểm đóng thầu”. Nhà thầu này cho rằng: Với quy định này, vô hình chung đã loại bỏ nhiều nhà thầu đã từng thực hiện những hợp đồng tương tự kể từ năm 2013 về trước, vì những loại cầu này không phổ biến mà chỉ được xây dựng tại Hà Nội của một số năm trước năm 2013, quy định này còn trái với khoản b, mục 3, điều 12, chương 2 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành mộ số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Cũng tại SST4 trang 48 thuộc bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực tài chính và kinh nghiệm của HSMT quy định: “Yêu cầu công trình tương tự phải có hạng mục móng cọc khoan nhồi, thi công trong khu vực đô thị cấp 2 trở lên”. Quy định này không phù hợp, dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu vi phạm quy định tại khoản 2, điều 12, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP; nếu để đảm bảo đúng điều kiện cụ thể tại sao không quy định công trình trong đô thị Hà Nội? Mà Hà Nội là công trình cấp đặc biệt.
Tại chương III, mục 2.2 phần a về nhân sự chủ chốt: Nhân sự chủ chốt phải đáp ứng yêu cầu: Đã từng tham gia ít nhất một công trình cầu trong đô thị cấp 2 trở lên có kết cấu dầm thép và có móng cọc khoan nhồi; cán bộ phụ trách khối lượng, thanh quyết toán đã tham gia phụ trách khối lượng, thanh quyết toán ít nhất một công trình cầu trong đô thị cấp 2 trở lên có kết cấu dầm thép, móng cọc khoan nhồi… có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong công tác khối lượng và thanh quyết toán công trình xây dựng, công trình giao thông”. Chúng tôi cho rằng một cán bộ đã có 5 năm trong công tác khối lượng và thanh quyết toán công trình giao thông là đủ, tại sao lại phải thêm vào là đã thanh quyết toán một công trình cầu đô thị cấp 2 trở lên có kết dầm thép, móng cọc khoan nhồi? Đưa vấn đề này vào ai đọc cũng thấy hình như việc này đã được chỉ định.
Ngày 1/6/2019, Cty CP Tập đoàn Thành Long có Văn bản số 368/TN-KĐ gửi Cục Quản lý đấu thầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những thắc mắc đối với việc áp dụng pháp luật đấu thầu với gói thầu số 12 như đã nêu ở trên.
Ngày 4/6/2019, Cục Quản lý đấu thầu Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có Văn bản 529/QLĐT-CS trả lời các vấn đề thắc mắc của nhà thầu nêu trên. Trong văn bản này, Cục Quản lý đấu thầu cũng đã trích dẫn một số điều trong Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 06/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính Phủ. Đồng thời cũng cho rằng các ý kiến mà nhà thầu nêu là đúng, một số quy định đặt ra quá cụ thể trong HSMT như trên là không phù hợp và dẫn đến hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.
Cũng vấn đề này, ngày 11/6/2019 Ban Quản lý dự án đã có Văn bản số 1193/BQLDAGT-KH về việc phúc đáp Văn bản số 529/QLĐT-CS ngày 04/6/2019 gửi Cục Quản lý đấu thầu; trong văn bản này Ban Quản lý cho rằng việc thực hiện đấu thầu của gói thầu số 12 do tư vấn lập đúng quy trình, các yêu cầu trong HSMT là phù hợp với tình hình cụ thể của gói thầu.
Ngày 18/6/2019, Cục Quản lý đấu thầu lại có Văn bản số 572/QLĐT-CS gửi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội. Nội dung văn bản này khác hẳn với nội dung văn bản trước đây mà Cục này giải thích cho Cty CP Tập đoàn Thành Long, mà chỉ trích dẫn những điều luật chung chung.
Sau khi nghiên cứu những văn bản, những ý kiến của nhà thầu, của Ban Quản lý, của Cục Quản lý đấu thầu tác giả bài báo cho rằng:
Cũng cùng một nội dung hỏi, cùng một cơ quan quản lý Nhà nước trả lời, nhưng với nội dung khác nhau và thể hiện “hai bên cùng thắng” vậy Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn có cần phải được nghiên cứu sửa đổi không? Hay cứ để tình trạng như trên tiếp tục tiếp diễn và nhà quản lý hoàn toàn có quyền giải thích theo ý của mình?
Quy định về “giá trúng thầu là giá thấp nhất” liệu có cần quy định thấp trong phạm vi khung cho phép hay không? Đây là bài học của rất nhiều công trình mặc dù khi đấu thầu chọn giá thấp nhất, nhưng khi quyết toán giá trị công trình tăng gấp 1,5 – 2 lần hoặc hơn nữa. Vậy cái giá thấp nhất ban đầu để lựa chọn nhà thầu trúng thầu có còn ý nghĩa nữa không?
Quay lại gói thầu số 12 XD cầu vượt tại nút giao thông Hoàng Quốc Việt – Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên, TP Hà Nội, theo thông tin mới nhất do nhà thầu cung cấp: Mặc dù Cty CP Tập đoàn Thành Long là một Cty đã từng xây dựng một số cầu ở Hà Nội và ở một số nơi khác có quy mô tương tự và lớn hơn công trình này, nhưng bị loại về “tiêu chuẩn năng lực” ngay từ ban đầu. Được biết, căn cứ vào kết quả mở gói đề xuất tài chính của Liên doanh Tổng Cty cơ khí xây dựng Thăng Long và Cty CP nhà số 4 (nhà thầu đủ điều kiện trúng thầu), giá đề xuất là 157.676.412.681 đồng. Đối chiếu với giá chào thầu của Cty CP Tập đoàn Thành Long trong hồ sơ đề xuất tài chính (hiện đang được lưu tại Ban Quản lý dự án) là 111.595.609.947 đồng. Như vậy, giá trúng thầu cao hơn giá đề xuất của Cty CP Tập đoàn Thành Long là 46 tỷ đồng (tỷ lệ chênh lệch gần 30%).
Cũng chỉ vì sự “cần trọng” của Ban Quản lý dự án để lựa chọn ra nhà thầu có đủ năng lực, điều kiện phù hợp với tình hình thực tế, để thi công dự án này mà Nhà nước đã mất đi 46 tỷ đồng ngay từ khâu đấu thầu? Liệu đây là do lỗi của Luật Đấu thầu hay do ý chí của ông Giám đốc Ban Quản lý dự án?
Đây không phải là câu chuyện nhỏ, ông Cục trưởng Cục Đấu thầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là người ra ít nhất 2 văn bản để giải thích về việc lựa chọn nhà thầu trong gói thầu này, sẽ trả lời như thế nào vì sự chênh lệch 46 tỷ đồng, một sự thất thoát không nhỏ so với mức vốn đầu tư?
Ông Giám đốc Ban Quản lý dự án trả lời như thế nào về những vấn đề mà ông đặt ra trong tiêu chí lựa chọn năng lực nhà thầu để “phù hợp với điều kiện thực tế” dẫn đến gói thầu thất thoát 46 tỷ đồng ngay từ ban đầu?
Đây là những tài liệu do nhà thầu cung cấp, nếu đúng như vậy thì các cơ quan bảo vệ pháp luật có cần vào cuộc làm rõ sự thất thoát này, để xem có lợi ích nhóm, tiêu cực trong việc này không? Cũng cần nói thêm những kiến nghị của nhà thầu cũng đã được gửi tới ngoài Ban Quản lý dự án, Cục Quản lý đấu thầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhà thầu này còn gửi tới Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Duy Nguyên
Theo