Thứ bảy 23/11/2024 16:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Liên kết, tạo đà phát triển bền vững giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ

11:28 | 12/10/2024

(Xây dựng) – Ngày 11/10, tại thành phố Quy Nhơn, UBND các tỉnh Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi và Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ và triển khai kế hoạch thực hiện giai đoạn 2024-2025.

Liên kết, tạo đà phát triển bền vững giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị.

Trong thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ đã chủ động ban hành kế hoạch triển khai chương trình; trong đó phân công cụ thể đầu mối trao đổi thông tin, phối hợp với các Sở, ngành liên quan của Thành phố Hồ Chí Minh nhằm triển khai có hiệu quả các nội dung hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ đã được ký kết.

Theo đó, trong năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ đã thực hiện 10/10 nội dung hợp tác cấp vùng và 10/11 nội dung hợp tác song phương với các lĩnh vực như: Xúc tiến thương mại và đầu tư; du lịch, nông nghiệp, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, giao thông vận tải, giáo dục, đào tạo; y tế… Điều này đã tạo môi trường và động lực cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng chủ động liên kết, hợp tác giao thương.

Liên kết, tạo đà phát triển bền vững giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải phát biểu.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh cùng với 06 tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023 – 2025, qua đó triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tại các địa phương phát triển trên nhiều phương diện như: Lĩnh vực công thương, du lịch, nông nghiệp, lao động - thương binh và xã hội, khoa học và công nghệ, giáo dục, truyền thông, y tế và xúc tiến thương mại đầu tư và đóng góp nhất định cho sự phát triển chung của cả nước.

Tuy có nhiều thuận lợi, song Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng chỉ ra những khó khăn tồn tại, điểm nghẽn trói buộc tiềm năng và ảnh hưởng đến quá trình phát triển của vùng như: Hạn chế về quy mô thị trường và lưu thông hàng hóa, các ngành kinh tế chủ lực tại các khu kinh tế, khu công nghiệp của các địa phương có sự trùng lặp nên bị phân tán nguồn lực đầu tư (cả Nhà nước lẫn tư nhân); thiếu cơ chế liên kết phát triển vùng có hiệu quả, doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tuy có cải thiện nhưng vẫn chưa cao; tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả…

“Giai đoạn năm 2024 - 2025 là giai đoạn quan trọng, có ý nghĩa quyết định hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng và toàn bộ Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ vì vậy rất cần sự hỗ trợ của những đầu tàu kinh tế của cả nước, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho hay.

Liên kết, tạo đà phát triển bền vững giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ
Lãnh đạo tỉnh Bình Định trao biểu trưng đăng cai tổ chức Hội nghị năm 2025 cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi.

Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm phối hợp, hỗ trợ các tỉnh Duyên hải Trung bộ một số nội dung nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác, liên kết như tiếp tục tăng cường trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ; Quan tâm giới thiệu các doanh nghiệp lớn của Thành phố Hồ Chí Minh tham gia đầu tư tại các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ; nghiên cứu, tổ chức các hội nghị xúc tiến chuyên đề, đẩy mạnh quảng bá, thu hút doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp của vùng như: Khu kinh tế Nhơn Hội, Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định; Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi); Khu kinh tế Nam Phú Yên; Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa); Khu công nghiệp Du Long, Khu công nghiệp Phước Nam (Ninh Thuận), Khu công nghiệp Hàm Kiệm I, Khu công nghiệp Hàm Kiệm II (Bình Thuận); Thúc đẩy, tăng cường các chuyến bay đến và đi giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương trong vùng, nhằm tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư, khách du lịch, nhân dân di chuyển thuận lợi, từ đó mở ra các cơ hội hợp tác, phát triển, đầu tư mới…

Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả các chuyên gia của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ đã có nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ, đề xuất của doanh nghiệp đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ. Các ý kiến là những khuyến nghị rất khả thi để các địa phương có thêm cơ sở đúc kết, bổ sung vào các chủ trương, định hướng hợp tác phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương nói riêng và cả vùng nói chung trong thời gian tới.

Liên kết, tạo đà phát triển bền vững giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ
Quang cảnh Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố Hồ Chí Minh luôn nhận thức sâu sắc sự phát triển của Thành phố luôn có sự đồng hành, hỗ trợ, hợp tác về nhiều mặt của các địa phương vùng Duyên hải Trung bộ cũng như các vùng kinh tế khác. Thông qua hợp tác, liên kết vùng, Thành phố đã thụ hưởng nhiều kết quả, mở ra các không gian phát triển mới với nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo, thử nghiệm các mô hình mới trên nhiều lĩnh vực phù hợp với lợi thế, đặc thù của từng địa phương.

“Với lợi thế tập trung các nguồn lực phát triển, cả nhân lực, vật lực, cả tại chỗ và bên ngoài của mình, Thành phố Hồ Chí Minh cam kết luôn hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói chung và hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của các địa phương vùng Duyên hải Trung bộ nói riêng”, ông Hải khẳng định.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả việc triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị lãnh đạo các địa phương tiếp tục quan tâm, đồng lòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của địa phương tăng cường phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị của Thành phố Hồ Chí Minh tập trung triển khai thực hiện tốt chương trình hợp tác giai đoạn 2024 - 2025 với 11 sự kiện cấp vùng và 11 nội dung hợp tác song phương. Tập trung vào các lĩnh vực thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; Hỗ trợ kết nối cung - cầu tiêu thụ hàng hóa giữa các địa phương, đẩy mạnh xuất khẩu; Liên kết phát triển lĩnh vực du lịch; Hỗ trợ phát triển lĩnh vực y tế và phát triển lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

“Thành phố Hồ Chí Minh tin tưởng với những kết quả bước đầu tốt đẹp sau 01 năm triển khai thỏa thuận hợp tác; đến cuối năm 2025 khi tiến hành tổng kết, đánh giá sẽ có những sản phẩm mang dấu ấn kết quả của sự hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh với từng địa phương, đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương nói riêng và của cả vùng nói chung”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải kỳ vọng.

Thu Loan

Theo

Cùng chuyên mục
  • Tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup ký kết biên bản hợp tác toàn diện về chuyển đổi xanh

    (Xây dựng) - Sáng 23/11, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện về chuyển đổi xanh với Tập đoàn Vingroup, trong khuôn khổ Hội nghị “Chuyển đổi xanh - nhận thức và hành động vì một tương lai Vĩnh Phúc phát triển bền vững”.

  • Sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp

    Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được xây dựng nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp.

  • Quảng Trị: 163 tỷ đồng đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu vực trung tâm cửa khẩu quốc tế La Lay

    (Xây dựng) – UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh Dự án san nền và hạ tầng kỹ thuật tại khu vực trung tâm cửa khẩu quốc tế La Lay giai đoạn 2.

  • Bình Định: Tăng cường công tác giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm

    (Xây dựng) – Tính đến trung tuần tháng 11/2024, tỉnh Bình Định giải ngân vốn đầu tư công hơn 6,2 nghìn tỷ đồng, đạt 79,52% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 69,95% kế hoạch vốn so với kế hoạch HĐND tỉnh giao, tỷ lệ giải ngân đạt 69,95% kế hoạch vốn và cao hơn mức bình quân cả nước 47,43%.

  • An Giang: Cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư

    (Xây dựng) – UBND tỉnh An Giang thông tin, Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang sẽ tổ chức tại Khách sạn Rex, Thành phố Hồ Chí Minh, vào sáng 26/11/2024. Đây là sự kiện quan trọng nhằm giới thiệu về tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của tỉnh An Giang, danh mục các dự án thu hút đầu tư theo định hướng Quy hoạch tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế tìm hiểu về cơ chế, chính sách ưu đãi và môi trường đầu tư của tỉnh An Giang.

  • Bình Định - Điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ Thái Lan

    (Xây dựng) - Với vị trí chiến lược, tài nguyên phong phú, chính sách ưu đãi, cùng môi trường đầu tư minh bạch và sự tương đồng với văn hóa, phù hợp với nhu cầu đầu tư, kinh doanh, Bình Định sẽ là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ Thái Lan. Sự kết hợp giữa tiềm năng, thế mạnh của Bình Định và nguồn lực, kinh nghiệm của các nhà đầu tư Thái Lan sẽ tạo nên nền tảng vững chắc cho một hành trình phát triển đầy cơ hội và thành công của hai bên trong tương lai.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load