(Xây dựng) - Việc tổ chức lễ động thổ, khởi công và khánh thành các công trình xây dựng là một nội dung được Chính phủ quan tâm trong việc thi hành các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội để đảm bảo tuân thủ theo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Sớm ban hành quy định việc tổ chức lễ động thổ, khởi công, khánh thành công trình xây dựng đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí (Ảnh: Internet). |
Tình hình triển khai trên cả nước
Hiện nay, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính thường xuyên của các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và nhân dân. Trong lĩnh vực xây dựng, việc tổ chức các lễ động thổ, khởi công, khánh thành công trình xây dựng cũng được thực hiện đảm bảo tiết kiệm trên tinh thần đó.
Từ năm 2006, quy định tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công và lễ khánh thành công trình xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 226/2006/QĐ-TTg nhằm khắc phục tình trạng tổ chức các buổi lễ tràn lan gây thất thoát, lãng phí và trong một số trường hợp chưa đủ điều kiện khởi công xây dựng công trình theo quy định nhưng vẫn tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công.
Trên tinh thần đó, Chính phủ đã có những Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đó, có mục tiêu cụ thể cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương.
Thời gian qua, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có quy định cụ thể về lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành công trình xây phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng địa phương, vì vậy các buổi lễ được diễn ra một cách tiết kiệm và hiệu quả (như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ...).
Sau gần 15 năm, Thủ tướng Chính phủ đã bãi bỏ Quyết định số 226/2006/QĐ-TTg ngày 10/10/2006 về việc quy định tổ chức chức lễ động thổ, lễ khởi công và lễ khánh thành công trình xây dựng tại khoản 13 Điều 1 Quyết định số 05/2019/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 và từ đó đến nay chưa có văn bản nào thay thế.
Cần thiết phải ban hành quy định mới
Theo Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng), Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 đã giao Thủ tướng Chính phủ quy định việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành đối với công trình quan trọng quốc gia, công trình có giá trị lớn, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương (tại Khoản 2 Điều 41).
Mặt khác, tại Mục II.1 Chương trình tổng kết của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 166/QĐ-TTg ngày 23/01/2020 của Thủ tướng Chính Phủ có nội dung “...Tiếp tục thực hiện cắt 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội của địa phương...”.
Với các cơ sở trên, việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công và khánh thành các công trình xây dựng là một nội dung được Chính phủ quan tâm khi triển khai Luật thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chưa có văn bản quy định mới nào hướng dẫn về việc thực hiện các buổi lễ trên. Vì vậy, việc sớm ban hành quy định về tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công và khánh thành công trình xây dựng là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, tránh tạo khoảng trống pháp lý trong triển khai thực tế (từ năm 2019 đến nay) và đảm bảo các quy định pháp luật của Nhà nước.
Thời gian qua, Bộ Xây dựng đang trong quá trình dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định mới về nội dung này để phù hợp với giai đoạn hiện nay. Về cơ bản, việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công và khánh thành công trình xây dựng đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước, công trình quan trọng quốc gia theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư công và công trình có giá trị lớn, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương.
Việc khởi công, khánh thành công trình được thực hiện sau khi hoàn thành một số thủ tục theo quy định của Luật Xây dựng. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức các buổi lễ đối với công trình quan trọng quốc gia; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ cho phép tổ chức các buổi lễ đối với dự án do mình quyết định đầu tư; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép tổ chức buổi lễ đối với các công trình còn lại. Trong dự thảo, cũng quy định về cách thức tổ chức các buổi lễ để bảo đảm thực hành tiết kiệm chống lãng phí; không gây mất trật tự an ninh xã hội và các yêu cầu khác.
Chi phí tổ chức lễ động thổ, khởi công, khánh thành công trình xây dựng căn cứ theo dự toán đã được phê duyệt (Ảnh: Internet). |
Bộ Xây dựng cho rằng, chi phí tổ chức từng buổi lễ sẽ căn cứ theo dự toán đã được phê duyệt. Dự toán chi phí tổ chức buổi lễ được lập phù hợp với nội dung và quy mô của công trình, thực hiện theo định mức, tiêu chuẩn, chế độ hiện hành của Nhà nước. Nội dung chi phí gồm các công việc: chuẩn bị mặt bằng, trang trí, hệ thống âm thanh, ánh sáng, in ấn tài liệu, giấy mời, công tác phục vụ (nước uống, bảo vệ an ninh trật tự) và các chi phí cần thiết khác.
Việc ban hành quy định mới về tổ chức các buổi lễ động thổ, khởi công, khánh thành công trình xây dựng phù hợp với giai đoạn mới, tình hình mới sẽ đưa mục tiêu của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và thực chất trong lĩnh vực xây dựng. Từ đó góp phần tăng cường nguồn lực thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong dự thảo đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến, có nội dung đáng chú ý. Đó là chi phí tổ chức từng buổi lễ được tính trong chi phí khác của tổng dự toán xây dựng công trình, tối đa không quá 0,04% giá trị tổng dự toán xây dựng công trình và không quá 100 triệu đồng... Nghiêm cấm chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thanh toán chi phí tổ chức các buổi lễ. |
Hà Khánh - Ánh Dương
Theo