Thứ hai 13/01/2025 04:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Đô thị

Làng thanh niên lập nghiệp Ia Mơ

08:37 | 07/04/2009

Làng thanh niên lập nghiệp Ia Mơ được xây dựng trên địa bàn xã biên giới Ia Mơ, huyện Chư Prông, có tổng vốn đầu tư hơn 21 tỷ 650 triệu đồng do T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tỉnh đoàn Gia Lai làm chủ đầu tư, có khả năng tiếp nhận 150 hộ với 300 lao động là thanh niên các địa phương trong tỉnh đến lập nghiệp nhằm khai thác tiềm năng đất đai nông, lâm nghiệp góp phần thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh - quốc phòng khu vực biên giới.

Trong suốt chặng đường gần 200 km đến làng, dù đã được các anh ở Tỉnh đoàn Gia Lai giới thiệu về đất và những con người nơi đây nhưng khi đến làng, được chứng kiến những gì đang diễn ra, chúng tôi mới phần nào hình dung hết những thành quả mà những thanh niên nơi đây đã và đang làm được. Từ khi khởi công dự án cho đến nay, với số tiền đầu tư hơn 21 tỷ đồng, đã khai hoang 212 ha đất, trong đó đất để sản xuất ruộng nước 54,4 ha; nhiều công trình như khoan giếng lấy nước; hệ thống đường dây điện kéo từ Ia Súp (Ðác Lắc) về, trạm y tế, nhà văn hóa, trạm bơm kênh chính phục vụ cho sản xuất... đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ðến nay, làng đã tiếp nhận 100 hộ với 127 lao động và 162 nhân khẩu. Khó khăn lớn nhất là nước phục vụ cho sinh hoạt đã được giải quyết: Ngoài ba giếng khoan trị giá hơn nửa tỷ đồng với các bể chứa nước lớn do TƯ Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh đầu tư, để tạo điều kiện cho các gia đình ổn định đời sống lâu dài, và số tiền hỗ trợ ban đầu 2 triệu đồng/hộ, Ban quản lý còn đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng hỗ trợ tiền làm nhà cho thanh niên và  xây dựng cho mỗi hộ một bể nước chứa khoảng 4 m3.

Khởi công từ quý I-2005 dự kiến sẽ hoàn thành vào quý IV-2009, tuy nhiên bằng quyết tâm của các cơ quan liên quan, đến tháng 12-2008 làng chính thức đi vào hoạt động. So với kế hoạch, sớm hơn dự kiến một năm. Ðến làng, ngoài được nghe kể chuyện khai hoang vỡ đất, những khó khăn ban đầu phải vượt qua, chúng tôi còn nghe nhắc nhiều đến đám cưới của đôi bạn trẻ Nguyễn Anh Tuấn và Vũ Thị Hồng Thắm được tổ chức vào những ngày cận Tết vừa qua, như một trong những sự kiện đáng nhớ nhất ở đây. Ðám cưới không hoa tươi cũng chẳng bánh hồng, cổng cưới là hai cây tre uốn thành vòng cung, hội trường biến thành sân khấu, cỗ cưới với những món ăn giản dị thường ngày do thanh niên "tự biên tự diễn". Một đám cưới thiếu đủ thứ nhưng chan chứa niềm vui, hạnh phúc và không chỉ có đôi bạn trẻ mà hầu như với tất cả với ai đến dự cũng cảm nhận được, bởi đây là đám cưới đầu tiên lại vào dịp đón mùa xuân đầu tiên trên vùng đất biên giới này.

Thăm gia đình anh Phạm Văn Hiến (SN 1978) cùng vợ là Nguyễn Thị Hương, một trong những hộ gia đình đầu tiên đến đây lập nghiệp. Trong căn nhà tôn vách gỗ đơn sơ nhưng vững chãi, thoáng mát do Ban quản lý hỗ trợ, anh Hiến kể: "Vợ chồng tôi từ xã Ia Piơr (Chư Prông) vào đây tháng 11-2007, đến nay đã trồng được 3 ha lúa, thu được 10 tấn, quy thành tiền 40 triệu đồng, ngoài ra còn chăn nuôi heo, gà buôn bán dịch vụ nhỏ phục vụ cho các hộ... Dừng một lát, Hiến nói vẻ đầy tự tin: Vùng đất này rồi sẽ lên xanh, hy vọng trong tương lai gần nơi đây sẽ thành một làng thanh niên trù phú... Anh Trương Minh Hải, Giám đốc Ban quản lý dự án, cho biết thêm: Vụ sản xuất đầu tiên trên vùng đất mới, với 40 ha lúa nước đưa vào canh tác cho năng suất bình quân 4 tấn/ha, chúng tôi thu được 160 tấn lúa, không chỉ giúp các hộ giải quyết lương thực tại chỗ, có tích lũy ban đầu mà quan trọng hơn là đã đem lại niềm tin cho các gia đình về tương lai của vùng đất vốn đã bỏ hoang hóa từ lâu.

Một tin vui khác, vừa qua UBND tỉnh và Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam thống nhất giao cho Công ty cao-su Chư Pả khảo sát và lên kế hoạch trồng 1.000 ha cao-su trên vùng đất này. Hiện nay, công ty đã xây dựng hai vườn ươm với khoảng 900 nghìn cây giống và nếu không có gì thay đổi sẽ được xuống giống vào mùa mưa năm nay. Ngoài ra, theo kế hoạch, trong thời gian tới, 1.000 con giống gồm bò, heo, dê.. sẽ được mua để hỗ trợ các hộ, mở ra một triển vọng mới, giúp cho thanh niên ở đây có thêm cơ hội  ổn định cuộc sống lâu dài cũng như phát triển kinh tế theo hướng trang trại...

Hiện tại, đường giao thông từ TP Plây Cu và từ huyện Chư Prông đến làng đã được thông suốt kể cả trong mùa mưa khắc nghiệt của vùng Tây Nguyên. Với những gì đã làm được, cũng như ý nghĩa thiết thực về mặt chính trị, xã hội, quốc phòng - an ninh, dự án Làng thanh niên lập nghiệp Ia Mơ đang được chính quyền tỉnh, huyện rất quan tâm ủng hộ với nhiều hình thức, ưu tiên về nguồn vốn đầu tư, xây dựng các kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cử cán bộ khuyến nông, khuyến lâm về làng hướng dẫn cho thanh niên cách làm ăn... Mới đây, cuộc hành trình mang tên "Nghĩa tình biên giới" với sự góp mặt của các thủ lĩnh thanh niên thuộc 16 huyện, thị xã, thành đoàn trong toàn tỉnh hội tụ về như một lời động viên, khích lệ và sẻ chia của tuổi trẻ cả tỉnh đối với những thanh niên tiên phong đang sống và làm việc ở Làng thanh niên lập nghiệp Ia Mơ.

PHAN HÒA (ND)

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load