(Xây dựng) – UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành Kế hoạch 268/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Xây dựng Lạng Sơn trở thành tỉnh biên giới có kinh tế phát triển, xã hội ổn định. |
Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 19/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1371/QĐ-TTg ngày 13/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng các nhiệm vụ cụ thể, mốc thời gian, lộ trình cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện các đề án, chương trình, dự án.
Phân công trách nhiệm cụ thể đối với các cấp, các ngành, từng cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. Thường xuyên rà soát, đánh giá việc thực hiện Quy hoạch tỉnh. Xem xét điều chỉnh, bổ sung hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt được mục tiêu phát triển đã đề ra.
Các mục tiêu phát triển chung sẽ xây dựng Lạng Sơn trở thành tỉnh biên giới có kinh tế phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái được bảo đảm, là một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Lạng Sơn có quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người trong nhóm 05 tỉnh dẫn đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp, dịch vụ, du lịch trở thành động lực tăng trưởng chính, ngành nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất nông-lâm sản hàng hóa, ứng dụng công nghệ, hiệu quả cao.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của nhân dân không ngừng được cải thiện. Hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hệ thống đô thị hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao và thực hiện chuyển đổi số hiệu quả trên cả bốn trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và cửa khẩu số. Bảo vệ môi trường, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học, góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Đến năm 2050, Lạng Sơn có nền kinh tế hiện đại, năng động, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống số. Quan hệ hợp tác toàn diện với các địa phương của Trung Quốc và các địa phương trong vùng, các tỉnh lân cận; Lạng Sơn trở thành vùng đất xanh hấp dẫn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực.
Đặc biệt là năng lượng sạch, nông nghiệp, công nghiệp và du lịch, Lạng Sơn đóng vai trò quan trọng trong việc xác định thương hiệu quốc gia của nông sản Việt Nam và là cầu nối góp phần đưa các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam đến với khu vực và thế giới. Là địa phương có hệ thống cửa khẩu đường bộ, đường sắt phát triển hàng đầu Việt Nam, điểm trung chuyển trên bộ quan trọng hàng đầu trong kết nối với Trung Quốc, các nước ASEAN và các nước trên thế giới.
Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nhất là dịch vụ thương mại, du lịch, logistics và vận tải chiếm tỷ trọng lớn. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, gìn giữ, phát huy hiệu quả, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. An sinh xã hội của người dân được bảo đảm; trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới, chủ quyền quốc gia được giữ vững.
Cũng theo Kế hoạch, các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, về kinh tế sẽ tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư phục vụ sản xuất kinh doanh, đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 8 - 9%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2030 chuyển dịch theo hướng tích cực, hiệu quả.
Về kết cấu hạ tầng, hoàn thiện và cơ bản hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông xã và thôn, bản; toàn dân được sử dụng điện lưới, cơ bản được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn. Tỷ lệ đô thị hóa được từng bước đẩy mạnh phát triển ra các khu vực có điều kiện phát triển đô thị.
Về xã hội, tiếp tục duy trì tốc tăng dân số trung bình hợp lý. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 02 - 03%/năm, đến năm 2030 cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2030 đạt khoảng 76%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học, bậc học đến năm 2030 đạt khoảng 55-59%. Khoảng 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó khoảng 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có ít nhất 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn khoảng 70%.
Về bảo vệ môi trường, sẽ tập trung trồng mới, khoanh nuôi bảo vệ rừng, đảm bảo mục tiêu nâng tỷ lệ độ che phủ rừng từ nay đến năm 2030 tăng khoảng 3%. Các chất thải rắn sinh hoạt đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Các chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi được thu gom, tái sử dụng, tái chế làm phân hữu cơ, biogas và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; bao bì đựng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật dùng trong nông nghiệp được thu gom, lưu giữ và xử lý theo đúng quy định. Duy trì quản lý và vận hành các trạm quan trắc môi trường tự động trên địa bàn tỉnh.
Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh. Xây dựng lực lượng quân đội, công an chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Xây dựng khu vực biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Phượng Nguyễn
Theo