Như vậy, đúng là nếu tính về giá trị tuyệt đối, giá trị nhập siêu những tháng gần đây đã có xu hướng giảm, nhưng nếu xét về tỷ lệ, nhập siêu đã sắp cán ngưỡng an toàn của điều hành vĩ mô (20%). Điều này một lần nữa lại đặt ra vấn đề quản lý tốt hơn cân đối xuất - nhập khẩu.
Trao đổi về vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Mại - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá mới đây sẽ phần nào giúp kiềm chế nhập siêu. “Tỷ giá được điều chỉnh khiến giá cả hàng hóa nhập về sẽ cao hơn, khó cạnh tranh hơn, do vậy doanh nghiệp sẽ cân nhắc hơn trong chuyện nhập khẩu hàng hóa. Bằng chứng là trong hai tháng qua, nhập khẩu ô tô đã có xu hướng giảm hơn. Muốn kiềm chế nhập siêu, phải làm sao để hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ”, GS.TSKH Nguyễn Mại nói và cho rằng, ở một nước phải nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu cho sản xuất như Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang hồi phục, nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị đang tăng, thì nhập siêu bao nhiêu không phải là điều quan trọng, mà là cơ cấu nhập siêu thế nào.
Các số liệu thống kê cho thấy, nhập khẩu vẫn đang có xu hướng tăng nhanh. Cũng dễ hiểu, bởi khi thị trường hồi phục, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa là rất lớn. Đó là chưa kể một lượng lớn hàng tiêu dùng, hàng xa xỉ vẫn đang được nhập về. Thậm chí, như Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 2/2010 của Chính phủ, Việt Nam đang nhập khẩu cả chân gà, nội tạng động vật... Chính việc nhập khẩu hàng hóa một cách tràn lan như vậy đã ảnh hưởng rất lớn tới cán cân thương mại của Việt Nam. Sự bất hợp lý là điều đã luôn được cảnh báo.
Bởi vậy, theo TS Lê Đình Ân - Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, để kiềm chế nhập siêu, thì phải vừa thúc đẩy xuất khẩu, vừa hạn chế nhập khẩu. “Nhưng vấn đề là, phải tính toán cơ cấu nhập khẩu để làm sao vẫn phục vụ cho sản xuất trong nước, vừa kiềm chế được nhập siêu”, ông Ân nói.
Theo dự báo của Bộ KH&ĐT, trong quý I/2010, con số nhập siêu sẽ vào khoảng 2,6 tỷ USD, bằng 18,3% kim ngạch xuất khẩu. “Ngay cả khi trong quý I, nhập siêu là 3 tỷ USD, thì cũng không hẳn là đáng ngại. Không đáng ngại so với con số khống chế, song có thể lại đáng lo ngại cho sản xuất trong nước. Trong con số nhập siêu đó, bao nhiêu là dành cho hàng xa xỉ, bao nhiêu là dành cho nguyên phụ liệu sản xuất? Nếu không nhập khẩu, không thể có nguyên liệu để sản xuất”, ông Ân nói và lại quay trở về với việc phân tích cơ cấu hàng nhập khẩu.
“Vấn đề cơ bản nhất vẫn phải là làm sao cơ cấu lại các mặt hàng nhập khẩu, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu. Tiến xa hơn, đó là phải khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu bằng các nguyên liệu sản xuất trong nước. Cần có một cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp như vậy”, ông Ân nhấn mạnh.
Cùng với đó, theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phi thuế quan trong kiềm chế nhập siêu. “Chúng ta đã nhắc đến việc xây dựng các hàng rào phi thuế, nhưng trên thực tế cho tới nay vẫn chưa làm được”, ông Nam nhận định.
Liên quan tới vấn đề này, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã lại một lần nữa chỉ đạo, các bộ, ngành phải nghiên cứu xây dựng các hàng rào phi thuế một cách hợp lý để kiềm chế nhập siêu.
Trên thực tế, kiềm chế nhập siêu là bài toán năm nào cũng được đặt ra, nhưng chưa bao giờ được giải quyết một cách trọn vẹn. Năm nay cũng sẽ không hề đơn giản, bởi ở cả hai đầu của cán cân thương mại đều đang khó khăn.
Ở đầu nhập khẩu, xu hướng nhập khẩu tăng là điều rất dễ thấy. Trong khi đó, ở đầu xuất khẩu, tình hình có lẽ còn khó khăn hơn. Theo các số liệu thống kê, trong hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ - một mức tăng không đáng kể. Trong khi đó, dù vẫn có các dự báo rằng, trong quý II và III/2010, xuất khẩu có khả năng tăng trưởng trở lại, nhưng rõ ràng, đó chỉ là sự tăng trưởng so với "năm đáy" 2009, chứ chưa thể nói tới những con số ở thời điểm trước khủng hoảng. Thị trường thế giới chưa ổn định, nhất là ở những nền kinh tế phát triển. Do vậy, xuất khẩu vẫn còn đứng trước không ít khó khăn. Và các biện pháp lại một lần nữa được nhắc tới là thúc đẩy sản xuất, mở rộng tìm kiếm thị trường mới, mặt hàng xuất khẩu mới…
Có lẽ, cũng cần nhắc lại một điều rằng, không chỉ cần quan tâm tới cơ cấu hàng nhập khẩu, mà ngay cả cơ cấu hàng xuất khẩu cũng có vai trò quan trọng không kém. Lâu nay, chúng ta vẫn nhắc tới một cơ cấu hàng xuất khẩu thiên về hàng gia công, hàng sơ chế, giá trị gia tăng thấp… Bởi vậy, để nâng cao giá trị hàng xuất khẩu, để cải thiện cán cân thương mại, thì cùng lúc, phải giải cả bài toán cơ cấu hàng xuất và hàng nhập khẩu, phải giải cả bài toán chúng ta đã phụ thuộc quá nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu.
Rất nhiều biện pháp để kiềm chế nhập siêu đã được đặt ra. Nhưng rõ ràng, nếu chỉ thực hiện đơn lẻ, mà thiếu tính hệ thống, thiếu sự đồng bộ và thiếu xử lý từ gốc rễ của vấn đề, thì xem ra, còn phải lấn cấn nhiều về chuyện cân đối xuất - nhập khẩu.
Nhật Hạ
Theo baoxaydung.com.vn