Thứ hai 12/08/2024 06:36 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Làm gì để hạn chế rủi ro do mưa lũ, sạt lở đất?

09:59 | 11/08/2024

Trong 22 loại hình thiên tai thì mưa lũ, sạt lở đất là loại hình thiên tai phổ biến nhưng rất khó lường, gây thiệt hại nặng nề nhất về người và tài sản, do vậy chúng ta phải hết sức chú ý triển khai các giải pháp phòng ngừa các rủi ro có thể xảy ra.

Làm gì để hạn chế rủi ro do mưa lũ, sạt lở đất?
Ông Văn Phú Chính, chuyên gia cảnh báo, phòng chống thiên tai - Ảnh: VGP/Nhật Anh

Đây là chia sẻ của chuyên gia phòng chống thiên tai, ông Văn Phú Chính, nguyên Cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai (nay là Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khi nói về tình hình mưa lũ, sạt lở đất trong những năm gần đây.

Lũ quét, sạt lở đất ngày càng khốc liệt

Theo ông Văn Phú Chính, những năm gần đây, chúng ta chứng kiến tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, dị thường xảy ra nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong 22 loại hình thiên tai thì mưa lũ, sạt lở đất là loại hình thiên tai phổ biến nhưng rất khó lường và khi xảy ra thì gây thiệt hại nặng nề nhất.

Qua số liệu phân tích cho thấy lượng mưa, cường độ mưa ngày càng lớn, gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở miền núi, ngập lụt nghiêm trọng ở các thành phố.

Ở khu vực thành phố, mưa cũng gây ngập lụt nghiêm trọng. Đơn cử như trận mưa vào ngày 14/10/2022 ở TP. Đà Nẵng với lượng mưa đo được ở khu vực Suối Đá là gần 800 mm trong một ngày. Trận mưa này trong tính toán thủy văn có tần suất mấy trăm năm mới xảy ra một lần. Mặc dù hiện nay chúng ta phát triển mạnh hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn, radar, hệ thống đo mưa, góp phần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo nhưng để dự báo chính xác mưa ngắn hạn là rất khó.

Còn ở vùng núi các tỉnh miền Trung và phía bắc trong những năm qua chúng ta đã chứng kiến những trận lũ quét, sạt lở đất ngày càng khốc liệt, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của đồng bào.

Làm gì để hạn chế rủi ro do mưa lũ, sạt lở đất?
Phần lớn các trận lũ quét xảy ra ở khu vực miền núi hẻo lánh, dân cư thưa thớt. Có những trận lũ quét xảy ra có sức tàn phá lớn mang tính hủy diệt - Ảnh: VGP/Nhật Anh

Lũ quét ở miền núi là khó dự báo. Lũ quét, sạt lở đất liên quan đến nhiều yêu tố như thảm thực vật, rừng bị suy giảm, điều kiện địa chất, khi các điều kiện này gặp mưa lớn, dài ngày có độ bão hòa nhất định gây ra sạt lở đất.

Bên cạnh đó, các con suối ở núi cao thượng nguồn có các cây gỗ bị ngã đỗ, đất đá tích tụ trong thời gian dài đã hình thành những hồ chứa nước tự nhiên, khi mưa lớn sẽ vỡ hồ chứa này tạo thành lũ quét hủy diệt gây tổn thương rất lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân sống ở các thung lũng sông, suối, triền núi.

Còn sạt lở đất thì khó kiểm soát và thường xảy ra bất ngờ. Có thể đến một chu kỳ mưa với cường độ lớn, đất đai rệu rã, thảm thực vật suy giảm sẽ hình thành lũ quét. Có những vùng lâu nay không bị sạt lở núi nhưng gần đây lại xảy ra, rất khó lường, khó kiểm soát.

Phần lớn các trận lũ quét xảy ra ở khu vực miền núi hẻo lánh, dân cư thưa thớt. Có những trận lũ quét xảy ra có sức tàn phá lớn mang tính hủy diệt gây tổn thương rất lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân, đặc biệt là những hộ dân sống ở các thung lũng sông khi có lũ quét tràn qua.

Cần hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro

Về giải pháp, ông Văn Phú Chính cho rằng để phòng chống các loại hình thiên tai mưa lũ, sạt lở đất là một vấn đề khó bởi địa hình các khu vực này rất rộng với đồi núi có độ dốc cao, không thể xây dựng đủ các công trình để ứng phó. Vì vậy, với loại hình thiên tai này thì giải pháp hạn chế rủi ro và giảm nhẹ thiệt hại là cách tốt nhất đối với điều kiện của nước ta hiện nay.

"Theo đó, ở vùng đồi núi chúng ta phải khoanh vùng, xác định nơi nào có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất. Ngành địa chất, các địa phương phải xác định trọng tâm trên địa bàn 1 tỉnh, chỗ nào nguy cơ cao thì phải theo dõi, cảnh báo cho người dân, đồng thời triển khai sắp xếp, bố trí dân cư ở nơi an toàn.

Còn ở khu vực đồng bằng, qua đợt ngập, phải xác định chỗ nào là chỗ xung yếu bị ngập, xác định vùng có nguy cơ cao để xây dựng phương án phòng chống, cảnh cáo cho người dân", chuyên gia trao đổi.

Làm gì để hạn chế rủi ro do mưa lũ, sạt lở đất?
Chuyên gia khuyến nghị các địa phương cần phát huy vai trò của lực lượng xung kích PCTT ở địa phương nhằm phát hiện, cảnh báo và ứng phó kịp thời với mưa lũ, sạt lở đất - Ảnh: VGP/Nhật Anh

Từ đánh giá trên, ông Văn Phú Chính khuyến nghị giải pháp hạn chế rủi ro, không làm trầm trọng thêm những rủi ro và kiểm soát được những rủi ro.

Cụ thể, trong một môi trường thường xuyên bị tác động của thiên tai thì cần nhận định được rủi ro và kiểm soát bằng cách tăng cường công tác dự báo, cảnh báo.

Đồng thời không làm trầm trọng thêm những nguy cơ thiên tai, tức là tùy vào thực trạng cụ thể của từng địa phương mà phải giải quyết được các vấn đề như không gian cho nước, hành lang thoát lũ của các con sông để không làm trầm trọng hơn những rủi ro khi thiên tai xảy ra.

Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, cảnh báo để người dân chủ động ứng phó, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng trong công tác phòng chống lũ quét, sạt lở núi.

Đối với cơ quan chức năng cần sẵn sàng lực lượng, phương án cứu hộ, cứu nạn; phát triển lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cơ sở để phát hiện và ứng phó kịp thời các tình huống nhằm hạn chế các thiệt hại do lũ, sạt lở đất và các loại hình thiên tai khác.

Theo Nhật Anh/Baochinhphu.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load