(Xây dựng) - Có thể nói, chưa bao giờ nền kinh tế toàn cầu lại có những biến động theo chiều hướng tiêu cực như hiện nay. Theo thống kê, kinh tế Việt Nam trong tháng 2 và hai tháng đầu năm 2020, hầu hết các chỉ tiêu đều giảm so với cùng kỳ năm trước; chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ngân hàng SeA Bank triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị tác động của dịch Covid-19 với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,8%/năm. |
Theo các chuyên gia kinh tế, nỗi lo về nguyên liệu và thị trường đang là hai lực cản lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Nhiều doanh nghiệp cho biết, số lượng nguyên vật liệu dự trữ trong kho chỉ đủ vận hành máy móc sản xuất trong vòng 1 tháng tới, họ có thể phá sản nếu dịch bệnh kéo dài trên 6 tháng, do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương cho người lao động, chi trả tiền lãi vay ngân hàng, chi phí thuê mặt bằng cho hoạt động sản xuất kinh doanh cùng các chi phí khác.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành Du lịch không thể ứng phó kịp khi đồng loạt các doanh nghiệp du lịch không có khách hàng, nhiều điểm du lịch nổi tiếng hút khách ở Việt Nam như: Đà nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hội An, Hạ Long… đều đồng loạt vắng khách cả khách trong nước và nước ngoài. Nếu dịch bệnh kéo dài sẽ tiếp tục gây tổn thất cho ngành Du lịch, cũng như khó khăn cho tất cả các công ty du lịch ở Việt Nam.
Về lĩnh vực giáo dục, các cơ sở giáo dục, đặc biệt giáo dục ngoài công lập, không có học sinh đến trường. Các trường công lập cũng đồng loạt cho học sinh nghỉ học vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, nhất là những cấp học như mầm non, tiểu học.
Ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, nông sản không thể xuất khẩu sang các thị trường lớn bị tồn đọng. Hàng loạt các biện pháp được đưa ra để giải cứu nông sản Việt như: Dưa hấu, thanh long, sầu riêng, khoai lang… như giảm giá sản phẩm, đưa vào tiêu thụ trong các siêu thị lớn, sản xuất các mặt hàng tận dụng những nguồn nguyên liệu này (bánh mì, bánh tráng, pizza thanh long; bún dưa hấu).
Dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng có bước phát triển chậm lại. Trước tình hình này, Chính phủ, các cơ quan, ban ngành và địa phương đã tức thời ban hành nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, vực dậy các hoạt động sản xuất, kinh doanh và giao thương… đúng với tinh thần “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp” vượt gian khó, bước qua đại dịch.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngân hàng Nhà nước, nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đã triển khai các chương trình “Chia sẻ cùng doanh nghiệp”, các gói tín dụng quy mô lớn để khuyến khích vay và thúc đẩy dư nợ cho vay. Các gói tín dụng tập trung nhiều nhất vào các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn do dịch bệnh như: Du lịch, vận tải, kho bãi, nông nghiệp, xuất khẩu... Cùng với đó, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng doanh nghiệp bằng cách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay…
Ngày 16/3, ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 418/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng. Theo đó, nhà điều hành đã quyết định giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, ngân hàng Nhà nước giảm một bước mạnh (0,5%/năm) ở các loại lãi suất chính, cũng như toàn diện ở các kênh hỗ trợ.
Trong cuộc vận động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19, 12 ngân hàng bao gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank, MB, Techcombank, HDBank, VPBank, Sacombank, MSB, VIB, ACB mỗi đơn vị 10 tỷ đồng; 3 ngân hàng là SeABank, Bắc Á và TP Bank cùng công ty tài chính Fe Credit mỗi đơn vị ủng hộ 5 tỷ đồng. Riêng HDBank, từ ngay sau khi Thống đốc ngân hàng Nhà nước ban hành Văn bản số 541/NHNN-TD về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngân hàng đã tích cực triển khai những chính sách ưu đãi thiết thực dành cho khách hàng, hỗ trợ vượt qua những ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ngành Ngân hàng cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp như giảm một loạt lãi suất điều hành, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế, qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có thêm các nguồn lực để giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị thiệt hại do Covid-19.
Đồng thời, ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành các văn bản, chỉ đạo trong toàn ngành tăng cường các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ; chỉ đạo Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) và Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) tiếp tục triển khai thực hiện chương trình giảm phí dịch vụ lần 2 trong năm 2020. Đây là cơ sở để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm phí dịch vụ cho khách hàng.
Như vậy, cả nước đang cùng chung tay, có những biện pháp hữu hiệu, nhanh chóng và kịp thời để có thể đưa doanh nghiệp Việt Nam khỏi nguy cơ điêu đứng khi dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Sự vào cuộc của các ngân hàng thời điểm này là một hướng đi đúng đắn “cứu” cả ngành kinh tế khi lâm vào dịch bệnh, hơn cả là những chính sách đúng đắn của Chính phủ, sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành và địa phương.
Mộc Miên
Theo