(Xây dựng) - Chiều 15/12, tại trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng gói thầu xây lắp 1XL- HB thi công xây lắp công trình thủy điện Hòa Bình mở rộng.
Quang cảnh Lễ ký kết. |
Theo Quyết định 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 và Quyết định 4717/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ngày 2/1/2017 về việc phê duyệt bổ sung quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đà. Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư thuộc danh mục nguồn điện đưa tổ máy 1 vận hành vào năm 2021 và tổ máy 2 vận hành vào năm 2022. Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 4/2018.
Ngày 27/9/2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phê duyệt đầu tư dự án tại Quyết định số 383/QĐ-EVN với tổng mức đầu tư 9.220,831 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật vào tháng 4/2020; khởi công công trình chính vào quý IV/2020; phát điện tổ máy 1 vào quý III/2023; phát điện tổ máy 2 vào quý IV/2023.
Mục tiêu đầu tư nhằm tăng cường công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của Nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện hữu để phát điện. Nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia, góp phần giảm chi phí hệ thống điện quốc gia. Đồng thời, giảm bớt cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó, kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng và sửa chữa.
Dự án có công suất lắp máy 2 tổ x 240 MW, sản lượng điện khoảng 488,3 triệu kWh/năm. Điểm thuận lợi là dự án được kế thừa hạ tầng hiện hữu của Nhà máy thủy điện Hòa Bình, bao gồm: Hồ chứa, đập dâng và đập tràn. Các hạng mục xây dựng mới tuyến năng lượng gồm: Kênh dẫn vào cửa lấy nước, cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước, nhà máy, kênh xả hạ lưu và hệ thống đấu nối. Theo chủ trương đầu tư, các thiết bị chính của nhà máy đều được sử dụng công nghệ hiện đại: Hai tuabin kiểu Francis lắp máy 480 MW; hai máy phát điện đồng bộ công suất 240 MW; hai máy biến áp 3 pha công suất 267 MVA; trạm phân phối kiểu kín-GIS, sơ đồ tứ giác, đấu nối với hệ thống điện quốc gia thông qua đường dây transit vào đường dây 500kV Hòa Bình - Nho Quan.
Dự án thuộc loại công trình công nghiệp điện, nhóm A, được tính toán, thiết kế và kiểm tra tương ứng cấp đặc biệt. Thiết kế sơ bộ giữ nguyên hạng mục công trình thủy điện Hòa Bình hiện hữu, nghiên cứu thiết kế xây dựng tuyến năng lượng mới, bao gồm các hạng mục chính như: Cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước và nhà máy thủy điện kiểu hở, kênh xả sau nhà máy xả nước trả lại sông Đà; trạm phân phối của nhà máy và hệ thống đấu nối dự án với hệ thống điện quốc gia. Các vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư không nhiều phức tạp. Tổng diện tích sử dụng xây dựng dự án khoảng 150 ha. Mặt bằng dự án ít làm ảnh hưởng đến các hộ dân, có 28 hộ dân/143 nhân khẩu bị ảnh hưởng, trong đó có 6 hộ/25 nhân khẩu phải di chuyển để tái định cư. Theo tính toán dự án ít có tác động đến môi trường so với các dự án thủy điện khác. Kết quả tính toán thủy năng khi mở rộng quy mô công suất Nhà máy thủy điện Hòa Bình không làm ảnh hưởng đến các nhà máy thủy điện bậc thang trên sông Đà phía thượng lưu. Sau khi đi vào vận hành sẽ nâng cao năng lực cấp nước cho hạ du thêm khoảng 600 m3/s.
Theo thông tin từ EVN, Ban Quản lý dự án Điện 1 là đơn vị được EVN giao quản lý, điều hành dự án. Ngay sau khi có quyết định của Hội đồng thành viên EVN, Ban quản lý dự án Điện 1 đã tổ chức lựa chọn nhà thầu để thi công các hạng mục phục vụ khởi công và sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu các gói thầu chính của dự án. Đồng thời, gấp rút thành lập Ban điều hành dự án, ổn định văn phòng thường trực của Ban tại công trường, tập trung đôn đốc đơn vị tư vấn hoàn thiện thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công. Cùng với đó, Ban quản lý dự án Điện 1 đã ký hợp đồng với Trung tâm Phát triển quỹ đất Hòa Bình thực hiện thống kê, lập phương án đền bù và tổ chức thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng các tổ chức, cá nhân.
Công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng có tổng diện tích sử dụng đất 99,62ha, trong đó, diện tích chiếm dụng vĩnh viễn 30,32ha; diện tích chiếm dụng tạm thời 69,3ha. Có 20 hộ với 92 nhân khẩu bị ảnh hưởng, trong đó 3 hộ phải di dời (chưa bao gồm đường Lê Đại Hành). Cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng gồm: đường Hòa Bình khoảng 600m, hệ thống ống nước Nhà máy nước Hòa Bình khoảng 600m, hệ thống cáp quang của đơn vị quân đội và VNPT Hòa Bình, cảng Ba Cấp, xưởng sửa chữa và đóng mới tàu thuyền, khu Lilama 10; trạm lọc sạch của Công ty Thủy điện Hòa Bình và một số công trình khác. Dự kiến bố trí bãi thải khu vực Quỳnh Lâm khoảng 13ha; bãi thải khu vực dốc Cun khoảng 32ha.
Các nhà thầu khẳng định quyết tâm hoàn thành dự án đúng tiến độ. |
Đây là gói thầu lớn nhất có yêu cầu kỹ thuật phức tạp, có tầm đặc biệt quan trọng. EVN đã đề xuất phần xây lắp cần phải được thực hiện trong một gói. Sau khi có các ý kiến góp ý của các chuyên gia và tổ chức đấu thầu công khai qua mạng đấu thầu Quốc gia. Hồ sơ mời thầu gói 1XL- HB đã được đăng tải rộng rãi trên mạng đấu thầu Quốc gia. Liên doanh nhà thầu Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn - Công ty lắp máy Lilama 10 - Công ty Xây dựng 47 đã trúng thầu gói thầu 1XL- HB. Giá hợp đồng là 3.071 tỷ đồng, thời gian thực hiện là 44 tháng.
Ông Đinh Quang Thành - Chủ tịch Tập đoàn EVN cũng mong muốn các đơn vị được lựa chọn triển khai gói thầu 1XL- HB sẽ tập trung nhân lực và trang thiết bị để hoàn thành công trình với chất lượng và tiến độ cao nhất.
Thay mặt các nhà thầu được lựa chọn, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc - Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng giám đốc Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn khẳng định: “Được tham gia thi công công trình thủy điện Hòa Bình mở rộng là niềm vinh dự cho các nhà thầu. Đặc biệt đối với những người lính bộ đội Trường Sơn, cách đây 40 năm đã cùng với hơn 4 vạn công nhân ngành Xây dựng và chuyên gia Liên Xô trực tiếp xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Tuy nhiên, Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn - đứng đầu liên danh nhà thầu cũng xác định, đây là nhiệm vụ lớn lao và hết sức nặng nề. Bởi đây là dự án lớn, khối lượng công việc nhiều, yêu cầu tiến độ khẩn trương. Trong đó nhiều hạng mục đòi hỏi kỹ thuật và công nghệ cao. Vừa thi công bảo đảm tiến độ, vừa phải bảo đảm an toàn cho thủy điện đang khai thác và các công trình lân cận. Mặc dù vậy với kinh nghiệm đã từng thi công các dự án thủy điện lớn của Quốc gia như: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Buôn kuốp, Buôn tua Sar, Srêpôk 3… Các hồ chứa nước thủy lợi lớn như: Tả trạch, Ngàn Trươi, Eah’leo, Cánh Tạng… Với kinh nghiệm và năng lực đã có nhất định Tổng Công ty sẽ hoàn thành hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư”.
Lê Mỹ
Theo