(Xây dựng) - Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết thực tế, phù hợp với chủ trương xã hội hóa, góp phần giảm áp lực ngân sách Nhà nước nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải xây dựng phương án giá dịch vụ thoát nước. Bởi giá dịch vụ thoát nước có tác dụng khuyến khích ý thức sử dụng nước tiết kiệm trong nhân dân, tạo nguồn đầu tư cho hoạt động thoát nước và bảo vệ môi trường sống.
Phí môi trường được áp dụng với mức rất thấp. |
Thực hiện Nghị định 80/2014/NĐ-CP
Việc thực hiện Nghị định 80/2014/NĐ-CP có liên quan đến Giá dịch vụ thoát nước tại các địa phương chia thành hai nhóm.
Nhóm 1: Các tỉnh thành vẫn áp dụng duy nhất phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo Nghị định 53/2020/NĐ-CP cho tất cả các hộ thoát nước/ hộ xả nước thải (Hà Nội và TP.HCM đang nằm trong nhóm này). Phí môi trường được áp dụng với mức rất thấp, chỉ bằng 10% giá nước sạch. Về con số tuyệt đối, mức phí này chỉ dao động khoảng 500 - 600 đ/m3 nước sạch, tương ứng với nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường này nhìn chung là quá thấp. Như vậy nguồn kinh phí cho duy tu, duy trì, vận hành, khai thác hệ thống thoát nước tại các đô thị cơ bản vẫn từ nguồn ngân sách Nhà nước là chính.
Nhóm 2: Các tỉnh thành áp dụng song song cả phí môi trường đối với nước thải và giá dịch vụ thoát nước, trong đó phí môi trường áp dụng đối với hộ xả thải trực tiếp ra môi trường (các hộ sinh sống tại các khu vực ngoại thành nơi đây chưa có hệ thống thoát nước) và giá dịch vụ thoát nước áp dụng cho các hộ xả thải vào hệ thống thoát nước tập trung (các hộ sinh sống tại các khu vực nội đô đã có hệ thống thoát nước).
Để thực hiện thu tiền sử dụng dịch vụ thoát nước, theo thống kê, cho đến nay đã có khoảng trên 20 tỉnh thành (Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Định, Bình Dương, Khánh Hòa, Ninh Bình, Hải Dương, Nghệ An, Bắc Ninh, An Giang, Kiên Giang…) ban hành giá dịch vụ thoát nước và tổ chức thực hiện (cũng có địa phương ban hành giá dịch vụ thoát nước song chưa tổ chức thực hiện do có một số điều kiện khách quan). Mức giá dịch vụ thoát nước các đô thị đang áp dụng cho hộ gia đình thông thường cao hơn mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và dao động khoảng 1.000 - 2.600 đ/m3 (có thể tham khảo giá dịch vụ thoát nước ở đang áp dụng ở một số đô thị bảng dưới đây). Giá dịch vụ thoát nước được tính đúng, tính đủ thường cao hơn phí môi trường nhưng mới thực hiện nên có xây dựng lộ trình điều chỉnh mức thu hàng năm vì vậy mức thu vẫn thấp hơn so với giá đã tính đúng, tính đủ các chi phí và như vậy ngân sách địa phương vẫn phải bù cho chênh lệch này.
Triển khai giá dịch vụ thoát nước tại một số địa phương
Tại TP.HCM, Sở Xây dựng đang trình UBND Thành phố xem xét giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn. Theo tôi, bây giờ mới nghiên cứu, xem xét trình là quá chậm so với quy định của Nghị định 80/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên có thể do phương pháp, hình thức, bước đi, cách làm và thời điểm hiện tại… nên đang có nhiều ý kiến còn khác nhau.
Tại Hà Nội, ngày 24/12/2019 Ủy ban MTTQVN TP Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo “Đề án giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn Hà Nội”, do Sở Xây dựng chủ trì, xây dựng đề cương, kế hoạch và phương án xây dựng. Đề án được xây dựng căn cứ vào tổng kinh phí đấu thầu, đặt hàng trong 5 năm (từ 2014 - 2018) về duy trì hệ thống thoát nước, xử lý nước thải và kinh phí đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải và thoát nước của thành phố. Theo đó, mức giá dịch vụ thoát nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố trung bình trong 5 năm (2014 - 2018) là 13.465 đ/m3. Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát lấy ý kiến của các đối tượng xả thải về dự thảo phương án giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải, liên Sở Xây dựng - Tài chính thống nhất đề xuất của Đề án về phương án thu giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải đối với đối tượng xả thải nước thải sinh hoạt.
Cụ thể, năm 2019 mức thu 20% đối với đối tượng nước phục vụ sinh hoạt có mức tiêu thụ nước hằng tháng dưới 30 m3; 30% đối với đối tượng hộ dân có mức tiêu thụ hằng tháng trên 30 m3, cơ quan sự nghiệp, công cộng, đơn vị sản xuất kinh doanh. Lộ trình giá dịch vụ thoát nước/giá bán nước sạch mỗi năm tăng 5% từ năm 2020 - 2023; địa bàn thực hiện gồm 12 quận và 9 phường thuộc thị xã Sơn Tây.
Đa số các ý kiến cho rằng việc xây dựng phương án giá dịch vụ thoát nước là cần thiết, xuất phát từ nhu cầu cấp thiết thực tế, phù hợp với chủ trương xã hội hóa, góp phần giảm áp lực ngân sách Nhà nước. Giá dịch vụ thoát nước có tác dụng khuyến khích ý thức sử dụng nước tiết kiệm trong nhân dân, tạo nguồn lực đầu tư cho hoạt động thoát nước và bảo vệ môi trường sống của Thủ đô. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng mức thu đề xuất này còn cao, cần tính toán lại mức thu và lộ trình thu để bảo đảm với khả năng chi trả của từng khu vực, đối tượng người dân...
Trong 12 năm qua (2005 - 2017) Tổ chức Hợp tác phát triển của Đức (GIZ) bằng Dự án hỗ trợ kỹ thuật thông qua Chương trình quản lý thoát nước tại các tỉnh lỵ Việt Nam đã hỗ trợ cho các tỉnh thuộc chương trình xây dựng Giá dịch vụ thoát nước (Sóc Trăng, Bắc Ninh, Hải Dương, Sơn La, Nghệ An, Bình Định….) và từ năm 2017 đến nay phối hợp cùng với Cục Kinh tế liên bang Thụy sĩ (SECO) thông qua Chương trình thoát nước và chống ngập úng đô thị ĐBSCL ứng phó với Biến đổi khí hậu tiếp tục hỗ trợ các tỉnh vùng này xây dựng Giá dịch vụ thoát nước (2018 - 2020 cho 3 tỉnh An Giang, Kiên Giang và Cà Mau và từ 2021 - 2025 cho các tỉnh còn lại). Việc hỗ trợ này đã góp phần nâng cao năng lực của địa phương trong việc thực hiện các quy định của Chính phủ, huy động sự tham gia của cộng đồng góp ý kiến xây dựng giá dịch vụ đồng thời thực hiện trách nhiệm giám sát kiểm tra các hoạt động thoát nước trên địa bàn hiệu quả hơn.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến
Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng
Theo