Chủ nhật 08/12/2024 12:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa đem lại được sự thịnh vượng

22:38 | 14/12/2020

(Xây dựng) - Chiều 14/12, tại Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ Công bố Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020. Đây là công trình nghiên cứu hợp tác bởi VCCI và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) sau hơn 1 năm thực hiện.

kinh te dong bang song cuu long van chua dem lai duoc su thinh vuong
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI phát biểu buổi lễ.

Phát triển chưa xứng tầm

Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long lần đầu tiên được thực hiện bởi nhóm các chuyên gia kinh tế, chính sách hàng đầu Việt Nam dưới sự chủ trì, điều phối của VCCI và chịu trách nhiệm chuyên môn của FSPPM. Đây là báo cáo nghiên cứu trên phạm vi vùng kinh tế đầu tiên trong cả nước và Đồng bằng sông Cửu Long được chọn như là một sự điển hình về tính liên kết, sự nhất quán để hướng đến hình thành một thiết chế vùng kinh tế trong tương lai.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong thập niên qua, Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước những thách thức lớn từ bên ngoài của biến đổi khí hậu như hạn mặn, sạt lở, ngập lụt và ô nhiễm môi trường gia tăng... đến các vấn đề bên trong như chất lượng tăng trưởng giảm sút, lực lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, cấu trúc kinh tế chưa thực sự ổn định, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, năng suất lao động thấp, tình trạng di dân gia tăng… là những ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội mà Đồng bằng sông Cửu Long đang và sẽ phải đối mặt. Trong khi đó quan điểm khi nhìn nhận về Đồng bằng sông Cửu Long luôn gắn liền với những cụm từ trù phú, lợi thế tài nguyên, thiên nhiên ưu đãi, nguồn lao động dồi dào… nhưng thực tế quá trình phát triển trong hơn 2 thập niên qua cho thấy không là như thế. Bên cạnh đó hạ tầng cơ sở mặc dù được đầu tư nhưng còn quá nhiều điểm nghẽn, nhất là giao thông kết nối. Thiếu quy hoạch đồng bộ và Logistics yếu kém dẫn đến sự gia tăng chi phí trong các khâu của chuỗi giá trị sản xuất, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và kinh tế toàn vùng.

Về mặt xã hội, chất lượng giáo dục không theo kịp các vùng miền khác, tỷ lệ bỏ học cao và trình độ học vấn của người dân khá thấp. Lợi thế của các tỉnh Tây Nam bộ là địa hình, thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu ôn hòa… nay đã không còn nữa do tác động từ thiên tai và con người. Những thế mạnh khác trước đây đã tạo được qua nỗ lực cải cách, cải thiện trong công tác điều hành kinh tế địa phương nay cũng đang mất dần so với các vùng kinh tế khác. Những thách thức và hạn chế trên đang đẩy vùng Đồng bằng này vào tình thế hết sức nan giải và rất cần một nghiên cứu chuyên sâu và toàn diện. Nhóm nghiên cứu cho rằng không thể để một vùng kinh tế với nhiều tiềm năng và đóng góp lớn như Đồng bằng sông Cửu Long cứ mãi manh mún và thiếu động lực phát triển như hiện nay.

Đối mặt với nhiều thách thức

Kết quả nghiên cứu cho thấy, kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung đều chịu sự ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu, nhất là dịch Covid-19. Riêng đối với Đồng bằng sông Cửu Long, do hoạt động công nghiệp chưa phát triển, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao, du lịch chủ yếu phục vụ khách trong nước nên tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là nhẹ nhàng hơn so với các trung tâm công nghiệp, thương mại, và du lịch của cả nước. Tuy vậy, trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp và có thể kéo dài, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có thể phải đối diện một số hệ lụy tiêu cực, xuất phát từ vai trò đặc thù cũng như cấu trúc nội tại của vùng. Vai trò đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia, việc ngừng xuất khẩu gạo có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào. Chính sách này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến giá thu mua nông sản và sinh kế của người dân Đồng bằng sông Cửu Long.

kinh te dong bang song cuu long van chua dem lai duoc su thinh vuong
Cá tra mặt hàng xuất khẩu thủy sản chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm gần đây gặp nhiều khó khăn.

Về chuỗi cung ứng, xuất khẩu hàng hóa sẽ tiếp tục bị gián đoạn. Chi phí logistics vốn đã bị giá là cao sẽ tăng thêm do phát sinh chi phí liên quan đến an toàn phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra làn sóng hồi hương của người Đồng bằng sông Cửu Long đang lao động ở Đông Nam bộ hay người đi lao động nước ngoài có thể trở thành gánh nặng của vùng. Cùng với dịch bệnh, tình trạng hạn hán kéo dài, xâm lấn mặn ngày càng nghiêm trọng làm môi trường kinh tế - xã hội trở nên bấp bênh, gánh nặng về tâm lý và kinh tế đối với cả doanh nghiệp, người dân và chính quyền trong vùng ngày càng lớn.

Một vấn đề rút ra từ nghiên cứu là vai trò kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm dần so với các vùng khác trong cả nước. Nghiên cứu cho thấy đóng góp của Đồng bằng sông Cửu Long vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong ba thập kỷ qua giảm mạnh. Nếu so với Thành phố Hồ Chí Minh thì vào năm 1990, GDP của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ bằng 2/3 so với Đồng bằng sông Cửu Long thì hai thập niên sau, tỷ lệ này đã hoàn toàn đảo ngược và duy trì cho đến ngày hôm nay. Góc nhìn khác, tăng trưởng GDP của Đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ là do Đồng bằng sông Cửu Long được giao sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, vì vậy phải tập trung vào nông nghiệp và sản xuất lúa gạo, và kết quả là chậm chuyển dịch sang các ngành có năng suất cao hơn.

Di dân là câu chuyện nhức nhối của Đồng bằng sông Cửu Long. Tình trạng di cư của người dân đồng bằng về Thành phố Hồ Chí Minh và miền Đông Nam bộ đáng báo động. Kết quả là so với các vùng khác trong cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ nhập cư thấp nhất, tỷ lệ xuất cư cao nhất, và do đó là vùng duy nhất có tỷ lệ tăng dân số là 0,0% trong giai đoạn 2009 – 2019.

Cơ cấu kinh tế của Vùng là vấn đề cần quan tâm. Thập niên 2010 – 2019 chứng kiến sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế mạnh mẽ ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tỷ trọng khu vực I đã giảm từ 39,6% trong năm 2010 xuống chỉ còn 28,3% trong năm 2019, nhanh hơn hẳn tốc độ dịch chuyển cơ cấu trong hai thập niên trước đó. Tương tự như vậy, cơ cấu công nghiệp – xây dựng và thương mại – dịch vụ cũng đang thay đổi mạnh mẽ, hội tụ ngày càng gần hơn so với cơ cấu kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, dư địa chuyển đổi cơ cấu không phải là vô hạn. Với đặc điểm tự nhiên vốn có, không thể và không nên yêu cầu Đồng bằng sông Cửu Long có cơ cấu kinh tế tương tự như cả nước.

Báo cáo cũng nhận thấy thành tích nổi bật của Đồng bằng sông Cửu Long trong hai thập niên trở lại đây đó là kết quả giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Chính phủ ở Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm từ mức rất cao là 36,9% vào năm 1998 xuống chỉ còn 12,6% vào năm 2010 và 5,2% vào năm 2016, và tỷ lệ này tiếp tục giảm trong giai đoạn 2016-2019. Tỷ lệ nghèo của Đồng bằng sông Cửu Long luôn thấp hơn so với mức trung bình của cả nước chứng tỏ lợi ích của tăng trưởng được chia sẻ rộng rãi, và người nghèo cũng đã được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế chung của toàn vùng.

Nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững

Năng suất lao động là câu chuyện chính trong nghiên cứu đánh giá về năng lực cạnh tranh và ban biên soạn đã chỉ ra năng suất lao động của Đồng bằng sông Cửu Long được xác định là khá thấp. Những nguyên nhân trực tiếp như năng suất công nghiệp phụ thuộc vào đầu tư của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đây chính là một điểm yếu cố hữu của Đồng bằng sông Cửu Long. Hoạt động sản xuất công nghiệp quan trọng nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long là chế biến thủy hải sản, thế nhưng tốc độ tăng trưởng của hoạt động này lại khiêm tốn và nhiều yếu tố khác khiến công nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long khó phát triển. Các hoạt động sản xuất công nghiệp còn lại khá trầm lắng, nếu có tăng trưởng thì chủ yếu tập trung vào các hoạt động chế tạo – chế biến thâm dụng lao động với giá trị thấp. Đồng thời ngành công nghiệp đang bị cản trở bởi nút thắt nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối với Đông Nam bộ.

Một lưu ý khác được đưa ra từ nghiên cứu, đó là Đồng bằng sông Cửu Long hiện là “vùng trũng” về đô thị hóa ở Việt Nam. Dân số vùng Đồng bằng sông Cửu Long gần như không đổi so với trước đó 10 năm. Số lượng di cư rời khỏi Đồng bằng sông Cửu Long trong thập niên vừa qua là gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số của một số tỉnh trong Vùng và tương đương với số tăng dân số tự nhiên của cả Vùng. Tỷ lệ đô thị hóa của cả Vùng trong 10 năm chỉ tăng nhẹ từ 22,8% lên 25,1%, trong khi cả nước tăng từ 29,6% lên 34,4%. Kết quả là khoảng cách về dân số đô thị của Đồng bằng sông Cửu Long so với cả nước đang ngày một giãn ra.

Nội dung chính của Báo cáo kinh tế là phân tích năng lực cạnh tranh, trong đó tập trung nghiên cứu năng lực cạnh tranh dựa trên đo lường bằng năng suất và được phân tích ở cấp độ địa phương và các cụm ngành. Kết quả cho thấy năng lực cạnh tranh theo các cụm ngành Đồng bằng sông Cửu Long đang trải qua một loạt những biến cố lớn nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của mình. Có 04 nhóm biến cố được đưa ra gồm: Biến cố liên quan tới đất, nước và môi trường; nhân khẩu học, số lượng và chất lượng lao động; kinh tế và khoa học – công nghệ.

Những kết luận rút ra từ nghiên cứu này là hơn ba thập kỷ qua, mô hình kinh tế truyền thống tập trung vào sản xuất nông nghiệp thay vì kinh tế nông nghiệp, số lượng thay vì chất lượng, manh mún hơn là tích tụ ruộng đất, phân mảnh thay vì liên kết thành chuỗi cung ứng... Mặc dù Đồng bằng sông Cửu Long đã thành công trong việc thoát đói, giảm nghèo, nhưng vùng đất này vẫn chưa đem lại được sự thịnh vượng cho phần lớn người dân của mình. Từ những kết luận và tìm ra nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, báo cáo nghiên cứu đưa ra những khuyến nghị mang tính tổng kết, đặc biệt gợi ý mô hình phát triển mới cho kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long với 15 luận điểm được thiết lập mang đến cho độc giả những góc nhìn mới để định hình lại câu chuyện phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long.

kinh te dong bang song cuu long van chua dem lai duoc su thinh vuong
Lúa gạo hoàn thành vai trò đảm bảo an ninh lương thực quốc gia nhưng chưa mang lại thịnh vượng cho nông dân.

Các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong các lĩnh vực thể chế, chính sách, kinh tế, xã hội, quy hoạch, môi trường, giao thông… đã được mời cùng thực hiện báo cáo nghiên cứu đầy tâm huyết và đã đúc kết thành tựu trong một thập niên qua và nêu bật những hạn chế trong quá trình phát triển, đồng thời phác họa những cơ hội và thách thức đang và sẽ diễn ra đối với Đồng bằng sông Cửu Long. Sau 1 năm hoạch định, Ban biên soạn được hình thành và chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững” được lựa chọn để làm tâm điểm và động lực phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Báo cáo được kỳ vọng là tài liệu hữu ích giúp chính quyền và các cơ quan quản lý địa phương sử dụng trong điều hành, hoạch định chính sách. Đồng thời tham vấn cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ xây dựng định hướng phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load