(Xây dựng) - Chiều 15/11, tại Bộ Xây dựng đã diễn ra Hội thảo “Kinh tế đô thị trong quy hoạch, xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam”. Hội thảo do Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng và Đô thị (thuộc Tổng hội Xây dựng) tổ chức, với sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Ban Kinh tế Trung ương.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh; Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp (Ban Kinh tế Trung ương) Nguyễn Đỗ Anh; Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Tống Văn Nga; Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Xây dựng và Đô thị Nguyễn Hồng Hạnh đồng chủ trì Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bùi Hồng Minh cho biết: Đô thị đóng vai trò là trung tâm hạt nhân quan trọng trong sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của các quốc gia. Đô thị hóa là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam đã đạt tỷ lệ khoảng gần 40% với hơn 860 đô thị. Không gian đô thị được mở rộng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn. Chất lượng sống của người dân đô thị từng bước được nâng cao. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao đã đóng góp hơn 70% tổng thu nhập quốc nội (GDP), dự kiến đến năm 2030 khoảng 85%.
Bước đầu đã hình thành các cực tăng trưởng kinh tế, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nông nghiệp chất lượng cao, trung tâm năng lượng xanh… trong cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế, như tỷ lệ đô thị hóa chưa đạt yêu cầu. Phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp.
Quá trình phát triển đô thị chưa gắn kết đồng bộ với quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị. Khả năng phát triển dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người nghèo và lao động di cư tại đô thị còn thấp và nhiều bất cập. Năng lực quản lý đô thị còn yếu và chậm đổi mới…
Thứ trưởng Bùi Hồng Minh chia sẻ: Kinh tế đô thị, có thể được hiểu là tổ hợp các ngành kinh tế phi nông nghiệp, nông nghiệp hiện đại có đặc trưng tập trung cao về địa lý, tiến bộ về công nghệ, chuyên môn hóa hệ thống tổ chức và có hiệu quả kinh doanh cao. Kinh tế đô thị không chỉ có các ngành sản xuất vật chất, kinh doanh mà còn bao gồm các ngành sinh hoạt xã hội như dịch vụ, du lịch, tiền tệ - tài chính, bảo vệ môi trường...
Phát triển kinh tế đô thị là sự tăng trưởng kinh tế ở đô thị gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, bảo đảm công bằng xã hội, trên cơ sở triển khai các chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước và các quy hoạch đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại bất cập tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế đô thị như: Chính sách đất đai, nhà ở, thị trường bất động sàn, quy hoạch... và tác động gián tiếp tác động đến kinh tế đô thị như: quản lý dân cư, thuế, đầu tư, dịch vụ...
“Có thể xem đây là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ đô thị hóa còn thấp, chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển đô thị chưa gắn kết với phát triển kinh tế đô thị” – Thứ trưởng Bùi Hồng Minh nhận định.
Thứ trưởng cho biết: Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 06-NQ/TW đã đề ra các quan điểm, mục tiêu để phát triển đô thị Việt Nam bền vững cùng với hệ thống các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện. Với quan điểm: “Kinh tế đô thị là trụ cột của nền kinh tể quốc dân; phát triển kinh tế đô thị nhanh, hiệu quả và bền vững. Tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế của hệ thống đô thị; chủ động tận dụng các cơ hội và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị sang tăng trường xanh, phát triển nhanh kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, các ngành công nghiệp động lực và các ngành dịch vụ có sức cạnh tranh cao. Chú trọng mở rộng không gian phát triển kinh tế đô thị theo vùng đô thị, phát huy lợi thế kết nối đa chiều; mạnh dạn thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, thử nghiệm các mô hình mới đế tạo đột phá trong phát triển kinh tế đô thị”.
Nghị quyết 06-NQ/TW cũng đặt ra mục tiêu đối với phát triển kinh tế đô thị là: “Kinh tế đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững; năng lực cạnh tranh của các đô thị được nâng cao, chuyển dịch theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh”, từ đó đặt ra nhiệm vụ và giải pháp về phát triển kinh tế khu vực đô thị; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị như nâng cao hiệu quả sử dụng đất cho phát triển kinh tế khu vực đô thị; Khai thác hiệu quả và bền vững các công trình văn hóa, lịch sử, các không gian công cộng trong phát triển kinh tế khu vực đô thị; Phát triển kinh tế dịch vụ, các ngành công nghiệp chế tạo tiên tiến và có tính chiến lược, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế du lịch, thể thao... tại các đô thị đặc biệt và các đô thị lớn.
Tại Hội thảo, các diễn giả tập trung phân tích các nội dung xoay quanh vị trí, vai trò và các giải pháp về phát triển kinh tế đô thị, từ việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế ngành, chính sách công, dịch vụ trong đô thị đến công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, tái thiết đô thị…
Thứ trưởng Bùi Hồng Minh kỳ vọng: Với các nhà khoa học, các chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các trường đại học lớn trong cả nước và quốc tế…, Hội thảo sẽ nhận được nhiều đóng góp tốt, nhiều kiến nghị hay cho công tác quản lý Nhà nước của ngành Xây dựng nói chung, mà trực tiếp là Bộ Xây dựng và các địa phương trong công tác triển khai thực hiện giải pháp thứ 6 của Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị là: “Phát triển kinh tế khu vực đô thị; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị.
Tham luận tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm cho biết: Việt Nam là quốc gia sớm hình thành đô thị so với nhiều nước trong khu vực song tốc độ đô thị hóa chậm, có nhiều biến động do khác quan và chủ quan.
Gần đây, trong xu hướng phát triển đô thị bền vững đã nhấn mạnh vai trò của kinh tế đô thị. Phát triển kinh tế đô thị không chỉ yêu cầu có mạng lưới hợp lý, phù hợp với vùng miền, cân đối giữa các vùng, miền cần chú trọng đến chức năng tổng hợp của đô thị với quy mô dân số hợp lý mà còn lựa chọn lợi thế từng đô thị để phát triển kinh tế đô thị.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Giảng viên cao cấp về quản trị đô thị bền vững (trường Đại học Việt Đức) TS Nguyễn Ngọc Hiếu cho rằng: Quá trình phát triển các đô thị lớn ở Việt Nam luôn gặp phải thách thức về cấu trúc lại các ngành kinh tế trong không gian và hệ sinh thái mới. Thành công trong quá trình tái cấu trúc các ngành dịch vụ và dịch vụ hóa công nghiệp trên không gian mới sẽ giúp các đô thị phát triển bền vững.
Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 06-NQ/TW đã đề ra các quan điểm, mục tiêu để phát triển đô thị Việt Nam bền vững cùng hệ thống các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện với quan điểm “Kinh tế đô thị là trụ cột của nền kinh tế quốc dân: Phát triển kinh tế đô thị nhanh, hiệu quả và bền vững. Tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế của hệ thống đô thị, chủ động tận dụng các cơ hội và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị sang tăng trưởng xanh, phát triển nhanh kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, các ngành công nghiệp động lực và ngành dịch vụ có sức cạnh tranh cao.
Chú trọng mở rộng không gian phát triển kinh tế đô thị theo vùng đô thị, phát huy lợi thế kết nối đa chiều, mạnh dạn thí điểm các cơ cấu, chính sách đặc thù, thử nghiệm các mô hình mới để tạo đột phá trong phát triển đô thị”…
Hạ Ly (Ảnh: Tuấn Đông)
Theo