(Xây dựng) – Ngày 26/04, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế: Kinh nghiệm 35 năm đổi mới”.
Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (trong ảnh) và ông Dennis Quennet - Giám đốc Chương trình cải cách vĩ mô/tăng trưởng xanh của GIZ đồng chủ trì Hội thảo. |
Quá trình chuyển đổi còn chậm so với yêu cầu
Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, qua thực tiễn đánh giá quá trình triển khai thực hiện một số chủ trương, chính sách liên quan đến đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế cho thấy những kết quả đạt được thể hiện rất rõ. Kinh tế vĩ mô cơ bản đã ổn định; tăng trưởng kinh tế đạt được những kết quả quan trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức khá, mô hình tăng trưởng từng bước được chuyển đổi theo hướng kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu; chất lượng tăng trưởng dần cải thiện dù còn ở mức độ khiêm tốn.
Năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện, cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực hơn. Cơ cấu các ngành, lĩnh vực có sự chuyển dịch theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của một số ngành, lĩnh vực Việt Nam có lợi thế trong tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Các vấn đề trọng tâm về cơ cấu lại nền kinh tế gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng được tập trung thực hiện và đạt được một số kết quả bước đầu. Cơ cấu lại ngân sách Nhà nước và khu vực công đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, việc chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Mô hình tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào gồm vốn, lao động và tài nguyên. Sự đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế còn hạn chế, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực ở cùng giai đoạn phát triển. Sự tăng năng suất lao động thời gian qua chủ yếu vẫn do tăng cường vốn đầu tư và sử dụng lao động chi phí thấp. Vốn vẫn chủ yếu dựa vào hoạt động kinh tế thông dụng lao động. Năng suất lao động còn thấp và chênh lệch giữa năng suất lao động của Việt Nam với các nước còn tiếp tục gia tăng.
Các vấn đề về cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm mặc dù được triển khai thực chất hơn nhưng chưa hoàn thành nhiều mục tiêu đề ra theo kế hoạch. Hiệu quả đầu tư công chưa cao và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nhất là vốn ODA. Tiến trình thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm so với kế hoạch đề ra, chủ yếu tập trung vào việc sắp xếp thu gọn số lượng, chất lượng quản trị doanh nghiệp chưa được cải thiện. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp.
Tiến độ xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng còn gặp nhiều khó khăn. Quá trình cơ cấu lại ngân sách nhà nước và đơn vị sự nghiệp công vẫn còn nhiều hạn chế. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành, lĩnh vực còn chậm. Khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn chưa lớn mạnh, chưa đáp ứng được vai trò quan trọng của nền kinh tế. Thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được hoàn thiện.
Hơn 200 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế đã tham dự Hội thảo theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. |
Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng trong giai đoạn mới
Thay mặt Ban tổ chức Hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận 3 nội dung chủ yếu: Thứ nhất là nhận diện, phân tích làm rõ kết quả đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và kinh nghiệm qua 35 năm đổi mới của Việt Nam; tập trung làm rõ những vấn đề nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ hai là đánh giá đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với ba đột phá chiến lược đã nêu trong Nghị quyết và yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế với các trọng tâm ưu tiên để hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia; cơ cấu lại ngành, lĩnh vực.
Thứ ba là thảo luận về bối cảnh, điều kiện mới của Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030 để nhận diện rõ các bối cảnh tác động đến quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam; đề xuất các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp lớn.
Cũng tại Hội thảo, các diễn giả đã trình bày một số tham luận đáng chú ý. TS. Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn trình bày tham luận “Kinh nghiệm 35 năm đổi mới và đề xuất chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025”. GS.TS. Trần Thọ Đạt - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân có tham luận “Thực trạng Việt Nam dưới góc độ nền kinh tế thịnh vượng, xã hội hài hoà và tương lai bền vững: Khuyến nghị kinh tế số”.
PGS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trình bày tham luận về “Đổi mới mô hình tăng trưởng - Từ góc độ động lực phát triển kinh tế”. TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranhcó bài tham luận “Mô hình tăng trưởng/phát triển và Việt Nam: Xu hướng - Lựa chọn”.
Trong khi đó, TS. Jonathan Pincus - Cố vấn kinh tế cấp cao của UNDP cho rằng, để thu hẹp được khoảng cách giữa Việt Nam với các quốc gia phát triển, bên cạnh việc duy trì tỷ lệ xuất khẩu so với GDP cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác, Việt Nam cần giải quyết vấn đề nhập khẩu nhiều sản phẩm đầu vào chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu.
Tại phiên thảo luận bàn tròn, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về một số nội dung nhưlàm rõ thêm về thực trạng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và những kinh nghiệm qua 35 năm đổi mới; tư duy và cách tiếp cận mới về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam phù hợp với bối cảnh và điều kiện mới của giai đoạn đến năm 2025, 2030; đề xuất mô hình phát triển/tăng trưởng, các ưu tiên chiến lược trong cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.
Dịch Phong - Ảnh: BTC cung cấp
Theo