Thứ năm 12/09/2024 05:19 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Kiều bào Thái Lan kêu gọi kinh phí mở rộng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani

14:41 | 08/08/2024

(Xây dựng) - Udon Thani - địa danh đầu tiên của Thái Lan có một khu di tích lịch sử và nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Noỏng On, thị xã Mương. Nơi đây, gần 100 năm trước Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống và hoạt động cách mạng, trở thành “linh hồn của dân tộc”, tượng đài thiêng liêng trong trái tim kiều bào yêu nước Thái Lan.

Kiều bào Thái Lan kêu gọi kinh phí mở rộng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani

Công trình tâm huyết của tình đoàn kết, hữu nghị và lòng yêu nước, yêu kính Bác sắt son

Tháng 7/1928, khi từ châu Âu về Xiêm (Thái Lan), sau hành trình từ Bangkok, dừng chân một thời gian ngắn ở tỉnh Phichit, Bác Hồ quyết định ở lại và xây dựng phong trào cách mạng ở bản Noỏng Bua, thị xã Mương, tỉnh Udon Thani với các tên gọi khác nhau như ông Thọ, Nam Sơn, Thầu Chín...

Một thời gian ngắn sau đó, Bác chuyển về bản Noỏng Ôn và chủ trương mở rộng tổ chức, củng cố cơ sở quần chúng, để người Xiêm có cảm tình hơn nữa với cách mạng Việt Nam, với người dân Việt Nam, trong đó có kiều bào gốc Việt. Người còn dạy bà con ta tôn trọng phong tục tập quán của người Xiêm, đồng thời duy trì văn hóa Việt, vận động mọi người vừa học chữ Xiêm, vừa viết chữ Việt, nói tiếng Việt.

Cùng với việc xây dựng tổ chức, Bác còn dành nhiều thời gian dịch sách lý luận làm tài liệu tuyên truyền, huấn luyện cho cán bộ Việt Nam đang hoạt động ở đây. Người còn giúp bà con Việt kiều đào giếng nước, vỡ đất làm vườn trồng rau, nuôi gà, lợn, tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống.

Chính vì vậy, Người được bà con người Việt, người Xiêm trong làng, trong xã yêu mến, che chở, giúp đỡ, đùm bọc. Khoảng hơn một năm sau, Bác chuyển đến hoạt động ở vùng khác, nhưng hình ảnh Thầu Chín - Bác Hồ đã in đậm trong tâm trí người dân tỉnh Udon Thani nói chung và kiều bào Việt Nam đến tận hôm nay.

Những năm đầu thập kỷ 20, sau khi trưng cầu ý dân, chính quyền tỉnh Udon Thani và Hội Việt kiều tại tỉnh Udon Thani đã thống nhất ý tưởng xây dựng một công trình có vai trò là một trung tâm giáo dục, nghiên cứu, học tập và du lịch mang tính lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần tăng cường sự hiểu biết về mối quan hệ hữu nghị của nhân dân hai nước Việt Nam - Thái Lan.

Vào ngày này cách đây 13 năm (ngày 31/08/2011), Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Udon Thani (Thái Lan) đã được khánh thành và đưa vào sử dụng.

Kiều bào Thái Lan kêu gọi kinh phí mở rộng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani
Không gian ấm cúng được tái hiện tương đối giống với ngôi nhà nơi Bác Hồ sống và làm việc cách đây gần 1 thế kỷ.

Cần nhấn mạnh rằng, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là do chính quyền địa phương của Thái Lan quyết định thành lập và trực tiếp quản lý, xây dựng. Vì thế, ảnh hưởng của Khu tưởng niệm đã nhanh chóng được lan tỏa trong cộng đồng Việt kiều và nhân dân Thái Lan, thu hút đông đảo bà con tham gia ủng hộ công sức, tinh thần, trí tuệ và vật chất cho công trình.

Năm 2003, Kiều bào đã góp tiền mua mảnh đất đầu tiên khoảng 6000m2 với số tiền lúc bấy giờ là 600 nghìn bath. Khi đó Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan là ông Nguyễn Quốc Khánh cùng ông Tỉnh Trưởng UdonThani đã rất ủng hộ. Tuy nhiên, đây là đất của Thái Lan nên khi mua Hội đã ủy quyền cho chính quyền đứng ra.

Ông Lê Quang Vinh, một nhà thầu xây dựng Việt kiều đứng ra nhận thi công, chẳng những không tính lợi nhuận, lại còn ủng hộ 1 triệu bath (tiền Thái Lan, vào thời điểm đó 30 bath tương đương với 1 USD) bù vào số tiền xây dựng còn thiếu.

Đồng hành với đó, nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong nước, tiêu biểu như Ngân hàng Cổ phần Thương mại Sài Gòn, Công ty Hoàng Anh Gia Lai, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam… đã dành những đóng góp vật chất và hiện vật có giá trị cho công trình.

Điểm đến thiêng liêng của người Việt trên đất Thái

Đến U Don Thani, bạn không khó để gặp và giao tiếp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ với người dân ở đây bởi thành phố lớn nhất vùng Đông Bắc Thái Lan cũng được coi là thủ phủ của 4 đời người Việt tại Thái.

Buổi tối đi dạo trên con phố Vietnam Town - phố người Việt đầu tiên được công nhận trên toàn thế giới - chúng tôi gặp nhóm nam nữ trung niên ngồi thảnh thơi trước hiên nhà nhậu lai rai. Biết chúng tôi từ Việt Nam sang, họ hồ hởi thân mật mời ăn uống và chụp ảnh cùng nhau.

Câu đầu tiên người phụ nữ ngoài 70 tuổi hỏi tôi: “Sang đây đã đi thăm di tích Bác Hồ chưa?”.

May quá, vừa buổi chiều tôi đã được dì Lai - Việt kiều Thái ở Udon lái xe đi thăm di tích nên mạnh dạn gật đầu: “Cháu đã đến rồi ạ!”.

Người phụ nữ cười rất tươi gương mặt hài lòng, đặt tay lên ngực: “Cô sinh ra tại Thái Lan, chưa từng được về Việt Nam đâu, nhưng Bác Hồ ở trong tim này, yêu và thương lắm!”.

Kiều bào Thái Lan kêu gọi kinh phí mở rộng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani
Đường Thầu Chín 2 dài 160m, rộng 4m, thể hiện sự tôn kính và yêu mến của người dân Thái Lan dành cho Bác.

Con đường nối Tỉnh lộ 2263 vào Khu di tích đã được chính quyền địa phương đặt tên Thầu Chín 1 và Thầu Chín 2 (một trong những cái tên người Thái và Việt kiều gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh những ngày Người hoạt động trên đất Thái). Trong đó, đường Thầu Chín 1 dài 5km, rộng 6m, đường Thầu Chín 2 dài 160m, rộng 4m, thể hiện sự tôn kính và yêu mến của người dân Thái Lan dành cho Bác.

Khuôn viên Khu di tích nằm cạnh một ngôi trường trong khu đất rộng bốn bề xanh ngát những hàng cây như một cánh rừng. Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh được chia làm hai phần, gồm Trại Cưa và Khu đa năng.

Trại Cưa, nơi Bác Hồ dừng chân chọn làm nơi ở và hoạt động cách mạng trong những năm 1928-1929, được phục dựng với ngôi nhà chính lợp lá ba gian: Gian giữa là nơi hội họp, học tập; Gian bên trái có kê một bộ bàn ghế gỗ là nơi Bác làm việc, ở trong góc là một chiếc giường ngủ nhỏ; Gian bên phải là một sạp gỗ chạy suốt chiều dọc làm nơi nghỉ ngơi cho anh em đồng chí. Trong khoảng sân rộng dưới bóng cây là giếng nước, nhà kho, nhà bếp, khu sản xuất, chăn nuôi…

Kiều bào Thái Lan kêu gọi kinh phí mở rộng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani
Kiều bào Thái Lan kêu gọi kinh phí mở rộng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani
Những vật dụng đơn sơ được gìn giữ bài trí gần như nguyên vẹn. Gian bếp ngăn nắp như còn ấm hơi Người. Giếng nước vẫn trong xanh ăm ắp.

Khu nhà đa năng hai tầng nhìn bề thế, trang trọng nhưng vẫn toát lên vẻ bình dị như cuộc đời của Người. Ở tầng một, gian chính đặt bàn thờ Bác Hồ với pho tượng đồng Bác theo phong cách truyền thống. Phía sau là hội trường và phòng tiếp khách, nơi các cán bộ Khu di tích kể lại với du khách về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có khoảng thời gian Người hoạt động cách mạng tại Thái Lan.

Tiếp đó là các gian trưng bày giới thiệu khu di tích, những hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của Bác, về phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, trong đó có bà con người Việt ở Thái Lan, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Quý nhất là những bút tích của Bác, lời chào mừng bà con Việt kiều ở Thái Lan về nước chuyến đầu tiên, ngày 10/1/1960…

Người ta thống kê kể từ khi có Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, lượng khách đến thăm quan du lịch và biết đến Udon Thani tăng mạnh. Mỗi năm ước đạt khoảng hơn 2 vạn lượt người. Vào dịp nghỉ lễ lớn 30/4, Quốc khánh 2/9… lượng khách tăng vọt.

Kiều bào Thái Lan kêu gọi kinh phí mở rộng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani
Kiều bào Thái Lan kêu gọi kinh phí mở rộng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani

Ban quản lý do những Việt kiều Thái trực, đón tiếp nhiệt tình chu đáo, trang trọng và không thu bất cứ khoản phí nào. Khi chúng tôi đến, anh hướng dẫn tên Văn Viết Thành - thế hệ người Việt thứ 3 tại Thái Lan - tận tình hướng dẫn nghi lễ dâng hương, chụp ảnh lưu niệm và tham quan rồi xin phép ăn xong bữa trưa.

Di tích có đặt hòm tiền công đức tùy tâm. Tuy nhiên, con số đó không đáng kể, không đủ chi phí. Được biết, trung bình mỗi tháng di tích cần khoản tiền khoảng 25.000 bath (tương đương với khoảng 20.000.000 đồng) chi phí cho bảo vệ, vệ sinh, điện nước, sửa chữa các hạng mục xuống cấp… sử dụng từ khoản thu hòm công đức. Tuy nhiên, phần lớn thu không đủ chi nên có thể nói vai trò hỗ trợ của chính quyền xã Xiêng Phin là rất đáng trân trọng.

Khát khao mở rộng di tích

Bức phối cảnh dự án mở rộng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tấm panor có mã QR và lời kêu gọi công đức ủng hộ dự án mở rộng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tỉnh Udon Thani; Nỗi niềm trăn trở của bà Nguyễn Thị Xuân Oanh, Ủy viên Hội cộng đồng người Việt UDonThani “thế hệ chúng tôi quỹ thời gian không còn nhiều, liệu vẽ ra rồi có biến ước mơ thành hiện thực được không?”… khiến tôi trăn trở suốt chặng đường về.

Trong tấm lòng và trái tim Việt kiều yêu nước Thái Lan, niềm khao khát vẽ một bức tranh đẹp nhất, mỹ mãn nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Thánh sống mãi của dân tộc Việt - luôn đau đáu và cháy bỏng.

Họ muốn nơi đây không phải chỉ là điểm đến mà còn là một địa chỉ văn hóa cho kiều bào và người dân Thái Lan dừng chân, tìm về mỗi khi có dịp.

Hơn một lần, diện tích khu di tích đã được mua mới, mở rộng khẳng định vị thế quốc gia được Thái Lan đánh giá cao, là đối tác ngoại giao quan trọng trong khu vực Đông Nam Á.

Đó là mong ước có một nhà văn hóa đủ rộng là chốn tụ họp, che nắng che mưa cho du khách, là nơi để kiều bào mỗi dịp lễ Tết cùng nhau hội họp không phải chăng bạt che. Đó là khu trưng bày các sản phẩm văn hóa đặc trưng của hai dân tộc. Là mong muốn có một bãi đỗ xe riêng để những dịp đông khách không phải mượn không gian của trường học bên cạnh.

Ước mơ tạo một dãy các gian hàng nho nhỏ tạo điều kiện cho bà con địa phương bày bán các sản vật, nông sản, sản phẩm thủ công, quà lưu niệm cho khách đến tham quan.

Và cao hơn nữa, là mơ ước dựng một khu nhà tái hiện ngôi nhà Bác ở Nam Đàn trên đất Thái Lan, cho kiều bào cảm thấy quê hương như gần lại. Mong ước là vậy nhưng để vẽ được bức tranh đẹp ấy, dự kiến số tiền cần lên tới trên 70 triệu bath nên ước mơ còn rất xa tầm tay.

Đã có nhiều sự khích lệ ủng hộ vật chất và tinh thần quý giá từ các lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong thời gian vừa qua trong các chuyến thăm kiều bào ở Thái Lan như Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trong chuyến công tác Thái Lan tháng 6/2022 đã tặng 50.000 USD để hỗ trợ việc xây dựng, mở rộng khu di tích.

Tháng 12/2023, tại lễ khởi công dự án mở rộng khu di tích, Đoàn công tác của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã trao tặng Khu di tích 50.000 USD để hỗ trợ việc xây dựng và mở rộng Khu di tích.

Một doanh nhân người Thái gốc Hoa đã ủng hộ số tiền không nhỏ với sự cảm kích: “Tôi biết ơn đất nước Việt Nam đã tạo điều kiện để tôi có được sự nghiệp thành công như ngày hôm nay!”.

Thế hệ Việt kiều yêu nước đời thứ 2 ở Thái hiện đã cao tuổi. Thế hệ thứ 3 cũng đã trung tuổi và được tạo điều kiện của Chính phủ Thái Lan, họ cũng ảnh hưởng nhiều về tư duy, quan điểm… Liệu có quyết tâm làm nốt công việc dang dở của cha anh?

Vẫn biết phía trước là biết bao gian khó, nhưng điều đó không làm nản lòng những người Việt đang tự gánh vác vai trò thiêng liêng - quản lý công trình đặc biệt quan trọng, không gian văn hóa, giáo dục và gặp gỡ cộng đồng; Là điểm đến thu hút người dân sở tại, du khách tới tham quan, góp phần quảng bá về truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Huệ Anh

Theo

Cùng chuyên mục
  • Đạo diễn Mai Thanh Tùng: Dồn hết tâm huyết cho “Vinh quang thầm lặng 2024”

    (Xây dựng) – Vừa qua, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội đã diễn ra chương trình nghệ thuật "Vinh quang thầm lặng 2024''. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh Truyền hình Quốc phòng, tiếp sóng trực tiếp trên các kênh truyền hình Trung ương và địa phương đã mang đến cho khán giả những phút giây hào hùng, lắng đọng đầy cảm xúc.

  • Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng các nghệ sỹ tại Lễ trao giải Cánh diều vàng 2024

    (Xây dựng) - Tối 10/9, tại Nhà hát Đó, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự Lễ trao giải Cánh diều vàng 2024 và trao giải Cánh diều vàng Phim truyện điện ảnh xuất sắc cho phim Mai, đạo diễn Huỳnh Trấn Thành.

  • Sắp diễn ra Triển lãm “Otherwise – Mặt khác”

    (Xây dựng) - Dự án nghệ thuật “Mặt khác – Otherwise” là dự án sáng tạo bởi ba nghệ sỹ hàng đầu trong các lĩnh vực hội họa, văn học và điêu khắc, gồm họa sỹ Lê Thiết Cương, nhà văn Nguyễn Việt Hà và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt. Triển lãm trưng bày hơn 150 mặt nạ điêu khắc được làm từ chất liệu gốm và giấy bồi, dự kiến khai mạc vào ngày 13/9 tại Hội quán Quảng Đông 22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm. Triển lãm được coi là một lời tri ân của ba nghệ sỹ hàng đầu với nơi họ sinh ra và lớn lên – Hà Nội.

  • Cánh diều vàng 2024: Lan tỏa giá trị nhân văn qua chuỗi hoạt động thiện nguyện

    (Xây dựng) - Nằm trong chuỗi hoạt động của giải thưởng Cánh diều vàng 2024, sáng 10/9, ngay trước thềm lễ trao giải, Ban tổ chức cùng các nghệ sĩ, diễn viên, hoa hậu và đại diện các doanh nghiệp, doanh nhân đã tham gia thực hiện chương trình thiện nguyện “Chắp cánh yêu thương” tại Làng trẻ em SOS Nha Trang, Trung tâm Bảo trợ xã hội và Công tác xã hội tỉnh Khánh Hòa.

  • Công viên địa chất Lạng Sơn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO

    Các nhà khoa học trong nước và quốc tế khẳng định Lạng Sơn có đầy đủ giá trị có ý nghĩa toàn cầu để có thể xây dựng, phát triển một công viên địa chất, hướng tới trở thành công viên địa chất toàn cầu.

  • Hơn 1.000 diễn viên, nghệ sĩ tham dự với 163 tác phẩm tranh giải Cánh diều vàng 2024

    (Xây dựng) - Lễ trao giải Cánh diều vàng 2024 sẽ diễn ra vào ngày 10/9 tại quảng trường Nhà hát Đó, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Dự kiến có hơn 1.000 diễn viên, nghệ sĩ trong nước và quốc tế tham dự.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load