(Xây dựng) - Theo kế hoạch năm 2021, Kienlongbank đặt ra mục tiêu hạn chế nợ xấu mới phát sinh, quản lý rủi ro, lợi nhuận trước thuế đạt 1.000 tỷ đồng.
Thành viên HĐQT Kienlongbank nhiệm kỳ 2018 – 2022 nhận hoa chúc mừng. |
Bà Trần Tuấn Anh – Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Kienlongbank cho biết: “Kết thúc năm 2020, tổng tài sản hợp nhất của Kienlongbank đạt 57.282 tỷ đồng, tăng 12,09% so với năm 2019; tổng huy động vốn đạt 52.071 tỷ đồng, tăng 12,22% so với năm 2019; dư nợ cấp tín dụng đạt 34.716 tỷ đồng, tăng 3,69% so với năm 2019. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Kienlongbank đạt 158.21 tỷ đồng, tăng 84,14% so với năm 2019”.
Năm 2020, cùng với khó khăn chung của toàn nền kinh tế do tác động từ dịch bệnh Covid-19, thiên tai, bão lũ... Kienlongbank đã có nhiều giải pháp đồng hành và hỗ trợ khách hàng như: Miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới để hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi; điều chỉnh nhiều loại phí giao dịch.
Tuy nhiên, mục tiêu trọng tâm mà Kienlongbank đặt ra trong năm 2020 là giải quyết các khoản vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) theo Đề án cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của Kienlongbank đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Tuy nhiên, do năm 2020 phát sinh dịch bệnh Covid-19 ngoài mong muốn làm ảnh hưởng đến kế hoạch xử lý cổ phiếu STB, tính đến ngày 31/12/2020 Kienlongbank đã bán được một phần cổ phiếu STB, giảm được 369 tỷ nợ xấu. Vì lý do trên dẫn đến kết quả kinh doanh của Kienlongbank chưa đạt theo kế hoạch đã đề ra.
Theo báo cáo tình hình xử lý cổ phiếu STB tại Hội nghị, từ ngày 01/01/2021 đến ngày 29/01/2021, Kienlongbank đã tiếp tục bán được thêm cổ phiếu STB, hiện tại tỷ lệ nợ xấu của Kienlongbank đã giảm về mức dưới 3%, đã thoái 100% lãi phải thu có liên quan, trích lập dự phòng rủi ro theo đúng quy định.
Về cơ bản Kienlongbank đã thực hiện hoàn tất gần hết các nội dung theo đúng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020 đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt. Kienlongbank cũng đặt mục tiêu hoàn thành việc bán toàn bộ cổ phiếu STB nói trên và tất toán nợ vay có liên quan chậm nhất là ngày 31/3/2021.
Năm 2021, Kienlongbank đã đặt ra các mục tiêu cơ bản như: Tổng tài sản hợp nhất là 66.800 tỷ đồng (tăng 16,62%); huy động thị trường 1 là 50.295 tỷ đồng (tăng 16,52%); dư nợ cấp tín dụng là 44.600 tỷ đồng (tăng 28,47%), lợi nhuận trước thuế đạt 1.000 tỷ đồng; mạng lưới giao dịch trên cả nước là 150 điểm giao dịch (tăng 16 đơn vị);
Đẩy mạnh xử lý hoàn tất các khoản nợ có tài sản thế chấp là cổ phiếu STB và đưa tổng nợ xấu của Kienlongbank về mức dưới 2%/tổng dư nợ; hạn chế nợ xấu mới phát sinh, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, nâng cao năng lực quản trị điều hành, quản lý rủi ro; gia tăng thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng; nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi, đẩy mạnh phát triển ngân hàng số theo định hướng chiến lược của Kienlongbank giai đoạn 2021 – 2025.
Ngày 30/01, HĐQT Kienlongbank cũng đã họp và bầu ông Lê Hồng Phương giữ chức danh Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2018 – 2022 kể từ ngày 01/02/2021.
Trước đó, ngày 28/1, tại Rạch Giá, Kiên Giang, Kienlongbank đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021 về việc bổ sung thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2018 – 2022 và thông qua chủ trương bán cổ phiếu quỹ cho cán bộ nhân viên ngân hàng, và cũng đã nhất trí thông qua việc bổ sung ông Lê Hồng Phương và bà Trần Thị Thu Hằng làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018 – 2022.
Mai Thanh
Theo