Thứ bảy 18/01/2025 03:52 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Kiến trúc xanh hướng phát triển của kiến trúc Việt Nam

08:00 | 29/01/2014

Trong khi tiêu chí đô thị xanh chưa chính thức hình thành thì vào tháng 11/2013, Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam công bố rộng rãi 5 tiêu chí đánh giá công trình kiến trúc xanh (KTX), bao gồm: Tạo lập môi trường - cảnh quan kiến trúc (địa điểm) bền vững; Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, năng lượng; Bảo đảm chất lượng sống không gian trong nhà; Kiến trúc tiên tiến, bản sắc, hướng tới tương lai; Phát triển bền vững môi trường xã hội - nhân văn.

5 tiêu chí đánh giá công trình KTX

Theo Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn, nhiều người hiểu lầm KTX là sử dụng nhiều cây xanh. Có một số người cho rằng KTX là xu hướng dành cho người giàu, cho những nước giàu. Nhưng không phải, những nước nghèo cũng có thể phát triển KTX, làm cho đời sống của chúng ta tốt hơn, hạn chế và chống lại sự hủy hoại môi trường. Nhiều nước trên thế giới có hội đồng KTX riêng với những tiêu chí khác nhau. Việt Nam nghiên cứu tiêu chí KTX trong hoàn cảnh của mình. Nhiều nước đưa ra những tiêu chí về công nghệ cao, sử dụng những phương tiện đắt tiền trong việc hạn chế tiêu thụ năng lượng, sử dụng hợp lý hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật phục vụ sinh hoạt… Nhưng nếu chỉ lấy yếu tố công nghệ làm trọng thì ở ta, chính quyền và người dân chưa đủ sức. Bởi thế, phải đặt ra sự kết hợp giữa công nghệ và những giải pháp thông minh, những kinh nghiệm truyền thống và tinh thần hướng về thiên nhiên.

Phân tích cụ thể từng nhóm tiêu chí, ông Vạn cho biết, địa điểm bền vững là tiêu chí đầu tiên. Công trình được xây dựng phải thể hiện thái độ đúng đắn với môi trường xung quanh, nghĩa là góp phần bảo vệ và làm tăng giá trị môi trường sống ở đó. Công trình ấy, tại địa điểm ấy còn phải bảo đảm khả năng hạn chế tối đa tác động của thiên tai…

Tiêu chí thứ hai là công trình phải sử dụng tài nguyên năng lượng hiệu quả. Đây là tiêu chí mà gần như tất cả các nước đều quan tâm, vận dụng với những con số tính toán cụ thể. Ở Việt Nam, hiện chưa đưa ra những thước đo chính xác cho tiêu chí này, bởi lẽ… chưa đủ thiết bị để đo. Tuy nhiên, tiêu chí vẫn có ý nghĩa định hướng chung trong việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm đất đai trong xây dựng; sử dụng năng lượng tiết kiệm; khai thác, sử dụng hiệu quả không khí và ánh sáng tự nhiên, tài nguyên nước; sử dụng vật liệu thân thiện môi trường; áp dụng công nghệ xanh…

Công trình xây dựng mà lãng phí đất đai, hay công trình mới xây mà dùng hoàn toàn gạch nung, hoặc sử dụng những vật liệu tác động xấu đến không khí trong nhà là không chọn. Hội KTS Việt Nam đánh giá cao những công trình trong quá trình thi công mà sử dụng được công nghệ xanh, không gây nhiều tiếng ồn, bụi bẩn - KTS Nguyễn Tấn Vạn nhấn mạnh.

Tiêu chí thứ ba đặt vấn đề bảo đảm chất lượng môi trường trong nhà, cụ thể là sử dụng không gian bên trong cho hiệu quả, tránh lãng phí, sử dụng nội thất hợp lý, thông gió tự nhiên, hạn chế hiện tượng ngưng tụ ẩm hoặc phát tán độc chất… Với tiêu chí này, bản thân mỗi người, mỗi gia đình sẽ ý thức hơn, quan tâm hơn đến những điều tưởng rất nhỏ nhưng lại vô cùng quan trọng với môi trường, chất lượng sống của bản thân và gia đình…

Ở tiêu chí thứ tư, bằng các giải pháp quy hoạch, kiến trúc; bảo tồn, kế thừa và khai thác các giá trị văn hóa, kiến trúc truyền thống, đặc trưng dân tộc, vùng miền; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, thích ứng với  BĐKH…, công trình KTX phải hướng tới nền kiến trúc tiến bộ gắn với kế thừa các giá trị truyền thống, tạo lập bản sắc kiến trúc Việt Nam.

Tiêu chí thứ năm, phát triển kiến trúc phải gắn với mục tiêu tạo lập, gìn giữ, nuôi dưỡng môi trường xã hội – nhân văn ổn định, bền vững. Với tiêu chí này, Hội đặt ra những nguyên tắc có tính định hướng, như công trình phải tôn trọng quyền, lợi ích hưởng thụ của cộng đồng dân cư, bảo đảm hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật, tăng cường trợ giúp của xã hội đối với người nghèo, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong quá trình xây dựng, khai thác sử dụng công trình… Bên cạnh đó, công trình xây dựng cũng phải góp phần gìn giữ, bảo tồn giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tại địa phương.

Quảng bá, nâng cao nhận thức về KTX

Mặc dù mới công bố rộng rãi 5 nhóm tiêu chí đánh giá công trình KTX nhưng trước đó, Hội đã áp dụng các tiêu chí này trong cuộc xét chọn công trình KTX lần thứ nhất và đã vinh danh 11 công trình KTX vào tháng 4/2012. Hội cũng sẽ áp dụng các tiêu chí này cho cuộc xét chọn công trình KTX lần 2, dự kiến công bố kết quả vào tháng 4/2014.

Với việc công bố rộng rãi tiêu chí đánh giá công trình KTX, với việc xét chọn và công nhận công trình KTX 2 năm một lần, Hội KTS đã và đang thực hiện đúng cam kết trong Tuyên ngôn KTX đã được Hội công bố tại lễ kỷ niệm Ngày Kiến trúc Việt Nam lần đầu tiên, ngày 27/4/2011 và ra mắt Hội đồng KTX Việt Nam trực thuộc Hội.

Tuyên ngôn KTX nêu rõ: “KTX là con đường để tạo lập môi trường sống bền vững cho con người. Đó là hướng phát triển của kiến trúc Việt Nam vì cuộc sống tốt đẹp hôm nay, không tổn hại đến cuộc sống ngày mai và vì sự phát triển trường tồn của đất nước”.

Hội KTS Việt Nam đã và đang thực hiện đúng cam kết: Đi tiên phong và phối hợp với toàn xã hội thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về KTX; nghiên cứu, xây dựng và phổ biến các tiêu chí về KTX phù hợp với điều kiện Việt Nam; thúc đẩy ứng dụng trong thiết kế kiến trúc, quy hoạch, xây dựng, sản xuất vật liệu và phát triển công nghệ thích hợp; tổ chức đào tạo và bồi dưỡng kiến thức về KTX cho KTS và cộng đồng; Thực hiện tư vấn phản biện xã hội theo nguyên tắc KTX; Tôn vinh các tổ chức, cá nhân có ý tưởng, giải pháp và tác phẩm về KTX…

Còn nhiều thách thức

Theo PGS.TS Nguyễn Tố Lăng (ĐH Kiến trúc Hà Nội), phát triển KTX ở Việt Nam hiện có nhiều thách thức bởi chưa có hệ thống hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy, khuyến khích và bắt buộc các nhà tư vấn, chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình tuân theo xu hướng thiết kế và xây dựng công trình xanh bền vững. Sự quan tâm của các nhà đầu tư trong việc lựa chọn công nghệ, vật liệu xanh nhằm bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH chưa nhiều. Việt Nam cũng chưa xây dựng được một hệ thống tiêu chí đánh giá công trình xanh tiêu chuẩn cho quốc gia như các nước trên thế giới. Một số KTS và cộng đồng xã hội đã có nhận thức trách nhiệm trong việc giữ gìn môi trường sống, tiết kiệm tối đa sử dụng tài nguyên, hướng tới KTX nhưng đó vẫn chỉ là những nỗ lực còn riêng lẻ, thiếu sự phối hợp đồng bộ… Thậm chí, một số trường hợp còn mượn mác “xanh” để trục lợi từ các chính sách ưu đãi hoặc tỏ vẻ ứng dụng công nghệ mới tiết kiệm năng lượng mà không hề thực chất.

KTX cần phải có chiến lược trong toàn bộ các lĩnh vực, công đoạn và cần bắt đầu ngay từ khâu thiết kế. Việt Nam cần thống nhất khái niệm KTX – những công trình và đô thị được thiết kế có trách nhiệm với môi trường, từ KTS cho đến các nhà sản xuất, đầu tư, quản lý… Trong đó, những vấn đề chính cần quan tâm là nguồn năng lượng, chất thải, sử dụng nước, sử dụng đất, ảnh hướng tới hệ sinh thái khu vực, chất lượng không khí, chất lượng môi trường bên trong công trình…

Nhận thức về KTX cần được tuyên truyền mạnh hơn trong cộng đồng, đồng thời cần có sự phối hợp giữa các tổ chức liên quan như Bộ Xây dựng, Hội KTS Việt Nam, Hội đồng Công trình xanh để sớm đưa ra một bộ tiêu chí đánh giá, giúp hướng dẫn thiết kế và định hướng phát triển KTX ở Việt Nam.

 

Tiểu Vũ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load