Khuê Văn Các trong Văn Miếu.
Kiến trúc Văn Miếu không giống như nơi thờ tự của các tôn giáo khác mà vừa là nơi thờ tự, vừa là trường học. Cảnh quan bố trí tao nhã làm cho người ta liên tưởng đến những nơi để thưởng ngoạn, bình thơ, đối đáp. Văn Miếu được chia làm 5 khu vực rõ rệt, mỗi khu vực đều có tường ngăn cách và cổng đi lại với nhau. Khu thứ nhất được bắt đầu bằng cổng chính Văn Miếu Môn đi đến cổng Đại Trung Môn, hai bên được bố trí cửa nhỏ là Thành Đức Môn và Đạt Tài Môn. Khu thứ hai là Khuê Văn Các gồm 4 trụ gạch vuông đỡ tầng gác phía trên, tầng gác trên có 4 cửa hình tròn với một lầu vuông tám mái, bốn bên tường gác là cửa sổ tròn hình mặt trời toả tia sáng. Hình tượng Khuê Văn Các mang tất cả những tinh tú của bầu trời toả xuống trái đất là nơi thường được dùng để thưởng thức các sáng tác văn thơ từ cổ xưa đến nay.
Khu thứ ba là hai nhà bia tiến sĩ nằm bên giếng Thiên Quang. Mỗi tấm bia được làm bằng đá đặt trên lưng một con rùa khắc tên các vị thi đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ. Hiên có 82 bia tiến sĩ nhưng lại tìm thấy 2 thân rùa đá dưới lòng hồ cạnh gác Khuê Văn nên có thể có 84 bia rùa. Không phải ngẫu nhiên mà giếng Thiên Quang được xây hình vuông còn cửa Khuê Văn Các có hình tròn bởi người xưa quan niệm trời tròn đất vuông, với ý nghĩa đó thì giếng Thiên Quang và Khuê Văn Các là điểm hội tụ những tinh tú của trời và đất.
Khu thứ tư là khu trung tâm và là kiến trúc chủ yếu của Văn Miếu gồm 2 công trình lớn, bố cục song song nối tiếp nhau, toà ngoài là Bái đường, toà trong là Thượng Cung. Khu thứ năm là khu nhà Thái Học, trước kia là khu đền Khải thánh thờ bố mẹ Khổng Tử nhưng đã bị phá huỷ, khu nhà Thái Học mới được xây dựng lại vào năm 2000. Toàn bộ kiến trúc này vừa giống một nơi thờ tự, lại giống một trường học. Việc thờ Khổng Tử và các môn đồ đạo Nho khiến người ta luôn thấy được cảm giác linh thiêng nhưng rất gần gũi.
Nếu như toàn bộ bố cục kiến trúc Văn Miếu đã mang đậm phong cách Nho gia thì bia Văn Miếu được xem là công trình mỹ thuật đặc sắc. Mỗi triều đại dựng bia đều để lại dấu ấn nghệ thuật trên mặt bia, giúp phân biệt các loại bia trong 82 bia còn lại.
Loại thứ nhất được dựng trong vòng 53 năm (cuối thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XVI) mang phong cách nghệ thuật truyền thống của các triều đại Lý Trần, là thời kỳ chế độ phong kiến tập quyền đang trên đà phát triển. Rùa làm đế bia thể hiện nghệ thuật khắc đá tinh xảo, công phu trong đường nét, trong ý tưởng vươn lên, chạm khắc không cầu kỳ, khá đơn giản, chỉ có hoa lá, mây lửa và mặt nguyệt, trán bia không chạm hình rồng. Trên mặt bia có các dây hoa lá quanh diềm bia theo đường ngoằn ngoèo liên tục không đứt quãng, chen hình hoa cúc, hoa sen, hình bánh xe, đồng tiền.
Bia loại 2 được đánh giá là có giá trị lớn về mặt nghệ thuật, được khắc chạm trong thời kỳ đất nước rối ren, giai cấp thống trị cho xây dựng đền đài, cung điện. Chính sự ăn chơi xa hoa đó mà lớp thợ thủ công phát triển, đòi hỏi tay nghề cao nên nghệ thuật khắc bia đá cũng hơn hẳn so với trước đây. Bia cao to hơn, nghệ thuật trang trí trên trán và điểm bia phong phú, tinh tế hơn trong đường khắc và bố cục. Trán bia thường chạm hai rồng chầu mặt nguyệt, rồng chạm thuộc nhiều loại khác nhau, có loại hình rồng đầy đủ, có loại thay bằng đôi chim phượng hoặc đôi long mã. Đặc điểm chung cho các loại bia này đều chạm mây lửa vút nhọn như ngọn lửa. Đề tài hoa lá vẫn chiếm nhiều trên mặt bia, không đơn giản như bia loại 1 mà cả lá, cành, nụ, bông hoa được bố cục khá chặt, trên bia còn xuất hiện các loại chim thú và cả hình người. Rùa đế bia của loại 2 được tạc đơn giản nhưng khoẻ mạnh, đầu rùa bẹp, sống mũi cao, mắt trơn, chân rùa không ngón, không móng, chỉ mang ý nghĩa tượng trưng.
Bia loại 3 được xây dựng trong điều kiện chế độ phong kiến Triều Lê suy tàn, lòng người ly tán nên mặc dù được dựng với số lượng lớn (43 tấm) nhưng về mặt trang trí không mấy sáng tạo, đa phần rập khuôn theo mẫu cung đình.
So với mỹ thuật của các tôn giáo khác (Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Đạo giáo…) thì mỹ thuật Nho giáo đơn giản hơn nhiều. Kiến trúc, mỹ thuật Nho giáo gắn với đời sống thực tiễn bởi Nho giáo không chỉ đơn thuần là một tôn giáo mà đó là một hệ thống triết học - tôn giáo - chính trị.
Trung Kiên
Theo baoxaydung.com.vn