(Xây dựng) – Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, diễn ra sáng 25/3, tại Hà Nội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết: Nhiệm kỳ 2016-2021, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với giai đoạn 2011-2015 (101.037 tỷ đồng).
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. |
Luôn bám sát định hướng của Đảng, vấn đề xã hội quan tâm
Kiểm toán Nhà nước được hiến định trong Hiến pháp, Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 và Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi bổ sung năm 2019, qua đó xác định vai trò, vị trí của Kiểm toán Nhà nước hết sức quan trọng trong quản lý tài chính công, tài sản công, đặc biệt là trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Trong nhiệm kỳ 2016-2021, công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán có nhiều đổi mới, chất lượng ngày càng được nâng cao, bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, các vấn đề có rủi ro cao về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo hướng ngày càng khoa học, minh bạch và công khai. Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp mới, có tính đột phá trong khâu kế hoạch kiểm toán năm để tổ chức triển khai đồng bộ, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng kiểm toán.
Kiểm toán Nhà nước thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xem xét, quyết định việc kiểm toán khi có đề nghị của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức không có trong kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước với nhiều kết quả nổi bật xuất sắc, như: Chuyên đề Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2011-2017; Chuyên đề việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2017 tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chuyên đề các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT; Hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA; Kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hóa...
Thực hiện kế hoạch kiểm toán với nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng hoàn thiện cơ chế chính sách, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Trong nhiệm kỳ 2016-2021, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với giai đoạn 2011-2015 (101.037 tỷ đồng), trong đó: Tăng thu ngân sách Nhà nước 63.449 tỷ đồng, giảm chi ngân sách Nhà nước 91.113 tỷ đồng, kiến nghị khác 199.171 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán đã cung cấp cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng và đơn vị được kiểm toán nhiều kiến nghị có giá trị thực tiễn; đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về thông tin phục vụ hoạt động giám sát, hoàn thiện pháp luật và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước của Quốc hội và HĐND các cấp. Công tác chỉ đạo điều hành, quản lý sử dụng tài chính, tài sản công của Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và các đơn vị được kiểm toán, góp phần làm lành mạnh và minh bạch hóa nền tài chính công, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và quản trị doanh nghiệp của các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước.
Qua kiểm toán, nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính, tài sản công của các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán đã được phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời.
Tham nhũng được phát hiện thông qua kiểm toán
Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành nhiều Văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng. Trong nhiệm kỳ, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; 02 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý theo quy định.
Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 498 hồ sơ, BCKT và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát, gồm: Ủy ban Kiểm tra Trung ương 250 hồ sơ; Văn phòng Quốc hội và Đại biểu Quốc hội 49 hồ sơ; Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an 72 hồ sơ; cơ quan khác 127 hồ sơ.
Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 Văn bản quy phạm pháp luật, Văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, tăng 118% so với nhiệm kỳ trước; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật.
Số kiến nghị về xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước đã được các đơn vị thực hiện là 237.578 tỷ đồng, đạt 73,6% tổng số kiến nghị; có 136/786 Văn bản đã được Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Các kiến nghị khác đang được các đơn vị được kiểm toán nghiên cứu sửa đổi theo quy định ban hành Văn bản, thấp hơn số thực hiện so với nhiệm kỳ trước (giai đoạn 2011-2015 các đơn vị được kiểm toán đã sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế 146 Văn bản).
Nhiệm kỳ 2016-2021 mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song những kết quả, thành tựu Kiểm toán Nhà nước đã đạt được đã góp phần vào việc quản trị tài chính quốc gia, quản trị doanh nghiệp, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Thanh Nga
Theo