Thứ ba 23/04/2024 21:16 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Khu trung tâm Đà Lạt được quy hoạch lại như thế nào?

21:00 | 20/03/2019

Sau khi công bố, các bản vẽ quy hoạch trung tâm Đà Lạt được triển lãm ngay tại rạp Hòa Bình. Rất đông người dân thành phố đã tới xem xét, đánh giá.

Ngày 15/3, UBND tỉnh Lâm Đồng công bố Quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế đô thị Khu trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt. Những hình ảnh thiết kế đồ họa quy hoạch chi tiết, sơ đồ tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan được trưng bày cho người dân xem tại rạp Hòa Bình.

Đồ án này nằm trong định hướng quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn 2050, đã được Thủ tướng phê duyệt.

Theo đồ án quy hoạch mới, trung tâm Hòa Bình có diện tích 30 ha, thuộc phường 1, TP Đà Lạt. Phạm vi từ đường Trần Quốc Toản, Bùi Thị Xuân, Lý Tự Trọng, hẻm nhà thờ Tin Lành, Nguyễn Văn Trỗi, đến đầu đường Ba Tháng Hai, Nguyễn Chí Thanh, đường dẫn xuống Lê Đại Hành qua vòng xoay đài phun nước (Nguyễn Văn Cừ, Lê Đại Hành, Trần Quốc Toản).

Quy mô dân số, hiện trạng khoảng 5.370 người (1.064 hộ). Với hệ số tăng dân số cơ học 1,2, dự báo quy mô dân số khu vực quy hoạch gần 6.900 người. Với ý tưởng chủ đạo của quy hoạch chung Đà Lạt là “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”, chú trọng không gian xanh.

Khu trung tâm Hòa Bình được quy hoạch thành 5 phân khu với nhiều chức năng khác nhau, sẽ thay đổi lớn diện mạo kiến trúc khu vực này.

Trong đó, phân khu 1 là khu vực chợ Đà Lạt - đường Nguyễn Thị Minh Khai với diện tích 6,95 ha là khu vực chợ truyền thống kết hợp với quảng trường hoa mang tính đặc trưng của Đà Lạt. Khu phố đi bộ kết hợp trung tâm thương mại và khu vực đậu xe ngầm.

Theo quy hoạch, chợ Đà Lạt được giữa nguyên, khu vực vòng xoay tượng đài phía trước sẽ được mở rộng không gian hơn.

Phân khu 2 là khu trung tâm Hòa Bình với diện tích 3,37 ha là khu phức hợp đa chức năng với các loại hình dịch vụ và giải trí phục vụ người dân địa phương và khách du lịch. Rạp hát Hòa Bình sẽ bị dỡ bỏ, thay bằng Trung tâm thương mại Hòa Bình là khu phức hợp có tính chất giải trí có 5 tầng nổi. Công năng của rạp sẽ được xây dựng trong công trình ngầm.

Phân khu 3 khu vực đồi Dinh với diện tích 4,43 ha là khu thương mại, dịch vụ cao cấp. Dự kiến xây dựng công trình cao 10 tầng trên đỉnh đồi tạo điểm nhấn và phù hợp với cảnh quan khu vực. Dinh tỉnh trưởng nằm trên đồi Dinh sẽ di dời nguyên khối để xây dựng công trình này.

Phân khu 4 khu vực chỉnh trang đô thị với diện tích khoảng 9,19 ha là khu vực chỉnh trang kiến trúc công trình và cảnh quan các tuyến đường đi bộ với mục tiêu hình thành khu ở kết hợp thương mại, phát triển hỗn hợp các loại hình dịch vụ và giải trí phục vụ người dân địa phương và du khách.

Phân khu 5 ven hồ Xuân Hương với diện tích 6,06 ha là khu vực công trình dịch vụ - du lịch, khách sạn, công trình công cộng giáp hồ Xuân Hương, tôn tạo cảnh quan phù hợp với cảnh quan chung và kết nối với các phân khu chức năng trong khu vực quy hoạch.

Theo các nhân viên văn phòng triển lãm, việc công bố quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình đã thu hút rất đông người dân Đà Lạt tới xem, đánh giá ngay từ những ngày đầu mở triển lãm.

Các hình ảnh đồ họa chi tiết, sơ đồ tổ chức không gian, mặt cắt toàn cảnh, từng phân khu, công trình được thể hiện khá sinh động.

Ông Xuân, nhà ở đường Nguyễn Văn Trỗi, chia sẻ khắp khu Hòa Bình toàn nhà hộp, không có kiến trúc cổ ngoại trừ chợ Đà Lạt do KTS Ngô Viết Thụ thiết kế. Ông cho rằng nếu dỡ bỏ cũng không mất đi nhiều kiến trúc xưa. “Theo như bản vẽ này thì đang làm cho Đà Lạt xanh đó chớ. Nhưng mà lần này quy hoạch phải tính đến vụ xe cộ, đường sá. Phải tính từ giờ chớ đừng có làm cho xong rồi cứ đào hoài”, ông Xuân nói.

Ông Nguyễn Hữu Ba (85 tuổi) đến Đà Lạt sống từ năm 10 tuổi. Trước thông tin dỡ bỏ khu Hòa Bình, ông nghĩ rằng đó là quy luật tất yếu của phát triển. Tuy nhiên, ông Ba không khỏi tiếc nuối khi “mất đi một phần ký ức” về Đà Lạt.

Sau khi xem kỹ, chụp ảnh, ông Thành (87 tuổi), người sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt cho biết ông ủng hộ việc chỉnh trang thành phố. "Hiện rất nhiều ý kiến khác nhau. Cá nhân tôi thấy khu này bây giờ tùm lum, nhếch nhác nên quy hoạch lại là cần thiết. Nếu không làm thì nguyên bộ mặt của thành phố để như thế này mãi không ổn. Nhưng vấn đề cần đem ra bàn là làm thế nào", ông nói.

Toàn cảnh khu trung tâm Hòa Bình, chợ Đà Lạt nhìn từ trên cao Nhìn từ trên cao, khu trung tâm TP Đà Lạt với các công trình rạp Hòa Bình, chợ Đà Lạt, Dinh tỉnh trưởng bị bao vây bởi nhiều khối nhà đủ hình dáng.

Trao đổi với Zing.vn, kiến trúc sư Ngô Việt Nam Sơn đánh giá đồ án quy hoạch đã bỏ qua tính đặc thù về địa hình, văn hóa, lịch sử của Đà Lạt. Việc hiện đại hóa Đà Lạt bằng các xây dựng nhà cao tầng khắp nơi là một tư duy sai lầm về mặt chiến lược.

"Không gian khu Hòa Bình cần được chỉnh trang để trả lại không gian xanh, thay vì cao tầng hóa. Việc cao tầng hóa tại đây chỉ nghĩ đến số mét vuông đạt được, nhưng sẽ gây hại cho cảnh quan tổng thể và tạo áp lực lớn lên hạ tầng, gây thiệt hại cho đời sống người dân trong khu vực", ông Sơn nói. Theo ông, các nhà quy hoạch đang muốn biến Đà Lạt thành "Sài Gòn trên cao nguyên" trong khi Đà Lạt không có cùng địa kiện và giá trị thiên nhiên như thế để áp đặt.

Chia sẻ quan điểm, kiến trúc sư Chế Quang Thọ cho rằng đồ án quy hoạch đã đánh mất một phần di sản của Đà Lạt. Xu thế hiện đại hóa không có nghĩa là sao chép. Mỗi vùng miền, mỗi đô thị có những đặc trưng riêng về khí hậu, địa hình, dân số, trầm tích về lịch sử, văn hóa.

"Việc xóa sổ khu Hòa Bình, Dinh tỉnh trưởng, quảng trường, hầm để xe ở trục đường Nguyễn Thị Minh Khai là xóa đi những dấu vết đặc trưng đó; đồng thời biến Đà Lạt thành một đô thị mất bản sắc, na ná những đô thị khác khắp nơi để mang danh là hiện đại hóa", ông Thọ chia sẻ.

 

Theo Lê Quân - Hoài Thanh/Zing.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load