(Xây dựng) – Tỉnh Quảng Nam sẽ xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang là vùng kết nối giữa Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với Đông Bắc Thái Lan và Nam Lào.
Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang là động lực phát triển khu vực vùng Tây tỉnh Quảng Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. |
Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang – Cửa ngõ kết nối vùng Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan
Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu quốc tế Nam Giang nằm gần biên giới với CHDCND Lào. Theo Quyết định số 387/QĐ-TTg ngày 24/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu quốc tế Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đến năm 2025. KKT cửa khẩu này có tổng diện tích là 31.060ha (bao gồm 2 xã Chà Vàl và La Dêê thuộc huyện Nam Giang).
KKT cửa khẩu quốc tế Nam Giang được xây dựng với mục tiêu là KKT tổng hợp, cửa ngõ quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung kết nối với Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, là một trung tâm phát triển các ngành công nghiệp gắn với dịch vụ thương mại cửa khẩu, kết hợp phát triển đô thị với tổ chức dân cư canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp.
Theo Quy hoạch chung, không gian phát triển KKT cửa khẩu này được chia làm 3 khu chính, gồm: Tiểu vùng I gắn với khu vực cửa khẩu quốc tế Nam Giang (diện tích 30ha), với chức năng là khu kiểm soát và khu thương mại dịch vụ); Tiểu vùng II tại khu vực xã Chà Vàl (quy mô khoảng 630ha), với chức năng chính là khu đô thị, các khu phi thuế quan, khu công nghiệp (KCN), các trung tâm thương mại, hành chính công cộng và các cụm dân cư nông thôn và Tiểu vùng III tại khu vực La Dêê (diện tích 56ha), với chức năng là trung tâm hành chính công cộng, các khu ở, thương mại dịch vụ, các cụm dân cư nông thôn.
Tại cửa khẩu quốc tế Nam Giang hoạt động xuất nhập khẩu, buôn bán, trao đổi hàng hóa ngày càng tăng, tuy nhiên đóng góp trong thương mại quốc tế của tỉnh còn khá nhỏ. Năm 2020, xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang đạt 10,584 triệu USD, gấp 4,73 lần năm 2015, nhưng mới chỉ tương đương 0,8% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh Quảng Nam.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang gồm xi măng, sắt thép xây dựng, hàng bách hóa, máy móc thiết bị tạm xuất và điện năng. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang biến động mạnh. Năm 2015 – 2016, nhập khẩu qua cửa khẩu này đạt khoảng 40 triệu USD mỗi năm, với các mặt hàng chủ yếu là gỗ xẻ, điện năng, máy móc thiết bị tái nhập, cà phê nguyên liệu.
Đến năm 2020, nhập khẩu qua Nam Giang đạt 5,593 triệu USD, bằng 0,24% tổng giá trị nhập khẩu của Quảng Nam, với các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm máy móc thiết bị phục vụ dự án đầu tư, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh, phụ tùng ôtô, thiết bị đường ống nước, tinh bột sắn, phân bón, hoa quả tươi. Các mặt hàng tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu chủ yếu là hàng đồng lạnh, hàng khô, rượu, thuốc lá...
Tỉnh Quảng Nam nhìn nhận từ khi thành lập đến nay, hoạt động đầu tư tại KKT cửa khẩu còn hạn chế. Tuy nhiên, trong thời gian tới, việc nâng cấp cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc sẽ mở ra cơ hội hợp tác mới về kinh tế, thương mại và du lịch giữa Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Việt Nam) với các tỉnh Trung - Nam (Lào) và kết nối với khu vực Đông - Nam (Thái Lan). KKT cửa khẩu quốc tế Nam Giang hứa hẹn có thể thu hút các nhà đầu tư quốc tế vào khu vực, hỗ trợ phát triển tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, cũng như thúc đẩy tiến trình kết nối và hình thành cộng đồng ASEAN.
Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang sẽ tiếp tục phát huy vai trò là Khu kinh tế tổng hợp, cửa ngõ quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung kết nối với vùng Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan. |
Động lực phát triển kinh tế vùng Tây tỉnh Quảng Nam
Theo quy hoạch tỉnh Quảng Nam được phê duyệt, đến năm 2030, địa phương này sẽ xây dựng khu kinh tế Chu Lai trở thành khu kinh tế trọng điểm miền Trung và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang là vùng kết nối giữa vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với vùng Đông Bắc Thái Lan và Nam Lào.
Đối với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang, tỉnh Quảng Nam xác định đây là động lực phát triển khu vực vùng Tây tỉnh nói riêng và tỉnh Quảng Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương với vai trò cửa ngõ quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, kết nối với vùng Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan gắn với phát huy lợi thế cửa khẩu quốc tế và trục hành lang kinh tế Đông – Tây 2.
Tiếp tục định hướng phát triển gắn với một số nhóm dự án tại Nghị quyết số 12-NQ/TU về về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; định hướng một số dự án quan trọng tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Khu kinh tế có tổng diện tích khoảng 34.160ha.
Địa phương thực hiện nghiên cứu điều chỉnh mở rộng phạm vi xây dựng Khu kinh tế về phía Đông với loại hình khu kinh tế cửa khẩu. Phương hướng phân bổ không gian khu kinh tế tiếp tục theo định hướng đồ án quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang.
Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang sẽ tiếp tục phát huy vai trò là Khu kinh tế tổng hợp, cửa ngõ quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung kết nối với vùng Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan.
Trong thời gian tới, Quảng Nam tận dụng lợi thế cửa khẩu quốc tế, nghiên cứu định hướng phát triển phải gắn với tuyến đường bộ Hành lang kinh tế quốc tế Đông Tây. Xây dựng khu vực cửa khẩu trở thành một trong những cửa khẩu quốc tế lớn tại khu vực miền Trung, đáp ứng nhu cầu thông thương hàng hóa và du lịch - dịch vụ giữa Việt Nam, Lào và Thái Lan.
Tổ chức điều chỉnh đồ án quy hoạch chung KKT cửa khẩu quốc tế Nam Giang trên cơ sở rà soát, nghiên cứu, kế thừa các nội dung hợp lý tại đồ án cũ và các quy hoạch xây dựng dự án đã triển khai nhằm đáp ứng các các chính sách, yếu tố phát sinh mới trong giai đoạn hiện nay và các yêu cầu về phát triển Khu kinh tế trong giai đoạn đến.
Tiếp tục đề xuất đầu tư hệ thống giao thông, hạ tầng khung của Khu kinh tế, đặc biệt là đầu tư mở rộng, nâng cấp tuyến đường Quốc lộ 14D. Lựa chọn, bổ sung thêm quỹ đất xây dựng KKT với chức năng phát triển nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch, dự kiến khoảng 1.800ha. Phát huy vai trò Vườn quốc gia Sông Thanh trong KKT, cập nhật các nội dung về quy hoạch xây dựng khi tổ chức điều chỉnh đồ án quy hoạch chung KKT.
Quảng Nam cũng xác định nghiên cứu đầu tư phát triển một số lĩnh vực thương mại cửa khẩu, xuất nhập khẩu - ngoại thương; mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang.
Về phát triển du lịch đường bộ qua tuyến đường bộ Hành lang kinh tế Đông – Tây 2 gắn với duy trì và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, lễ hội truyền thống địa phương. Về đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật gồm hạ tầng giao thông đối ngoại; hạ tầng giao thông các khu dân cư, đô thị; cấp điện; thông tin liên lạc, viễn thông; cấp, thoát nước; bảo vệ môi trường…
Phát triển đô thị, xây dựng các khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới và sắp xếp dân cư tạo quỹ đất phục vụ đầu tư phát triển. Nghiên cứu nâng cấp cửa khẩu phụ Tây Giang – Kà Lừm thành cửa khẩu chính giai đoạn 2021-2030 và nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế tầm nhìn đến năm 2050.
Thanh Đức
Theo