(Xây dựng) - Xác định là vùng kinh tế động lực chủ đạo, phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Đồng thời, tập trung thu hút và mở rộng các dự án phát triển các kho, bãi có sức chứa lớn tại Khu Kinh tế cửa khẩu (KTCK) Đồng Đăng - Lạng Sơn.
Lạng Sơn tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp. |
Tập trung đầu tư đồng bộ
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc với các nước ASEAN, có đường biên giới dài 231,74 km tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây; có 10 cửa khẩu, trong đó có 02 cửa khẩu quốc tế, 01 cửa khẩu song phương, 07 cửa khẩu phụ/cặp chợ, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 (Tân Thanh) và khu vực mốc 1119-1120 (Hữu Nghị) thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lối thông quan khu vực mốc 1090-1091 (Tân Thanh) và khu vực mốc 1104-1105 (Cốc Nam) thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị; là điểm đầu trên 02 tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn -Hà Nội - Hải Phòng (Việt Nam) và tuyến Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài tham gia hành lang xuyên Á Nam Ninh - Sigapore là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc với các nước ASEAN.
Những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã tích cực huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong Khu KTCK với tổng vốn tăng nhanh. Qua đó đã nhanh chóng tạo ra được hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ ở khu vực các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma.
Theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì Phát triển kinh tế cửa khẩu là 01 trong 04 khâu đột phá phát triển đến năm 2030; Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn sẽ trở thành trung tâm kinh tế cửa khẩu hiện đại, năng động, trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần logistics quốc gia và quốc tế; là một trong những trung tâm du lịch, thương mại, dịch vụ trọng điểm của tỉnh và vùng Đông Bắc, là nơi ứng dụng công nghệ sạch trong sản xuất, gắn với phát triển bền vững và đảm bảo môi trường sinh thái.
Khu KTCK trở thành đầu mối giao lưu quan trọng trong phát triển kinh tế, thương mại và du lịch với Quảng Tây (Trung Quốc); tạo động lực thúc đẩy nhanh quá trình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Từng bước hình thành trục đô thị Đồng Đăng - Lạng Sơn, hệ thống cửa khẩu được chỉnh trang, nâng cấp, năng lực trung chuyển và tiếp nhận hàng hoá xuất nhập khẩu được nâng lên, thu hút mạnh các hoạt động sản xuất và kinh doanh xuất khẩu qua địa bàn.
Cũng theo Quyết định số 865/QĐ-TTg, việc triển khai thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh áp dụng hình thức giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu mới dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào quy trình thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải trong quá trình giao, nhận hàng hóa xuất nhập khẩu để nâng cao năng lực, hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu đường bộ, đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng tăng.
Đồng thời, giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, giảm chi phí vận chuyển, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho Nhân dân hai bên biên giới; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia.
Với mô hình cửa khẩu thông minh được thực hiện trong một phạm vi tách biệt, khép kín, áp dụng đối với một số chủng loại mặt hàng cụ thể trong thời gian thí điểm. Phương thức giao nhận hàng hóa truyền thống vẫn được duy trì hoạt động. Các mặt hàng lựa chọn thực hiện thí điểm thông quan theo mô hình cửa khẩu thông minh bao gồm: mặt hàng hoa quả, linh kiện điện tử xuất khẩu của Việt Nam, các nước ASEAN và mặt hàng linh kiện điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong thời gian thí điểm, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục trao đổi với phía Trung Quốc mở rộng các mặt hàng xuất nhập khẩu để đảm bảo mục tiêu, hiệu quả của Đề án.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu KTKC Đồng Đăng - Lạng Sơn, tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu KTCK Đồng Đăng-Lạng Sơn từ 2015 đến 2020 từ nguồn ngân sách nhà nước là trên 10.000 tỷ đồng, trong giai đoạn 2021-2025 tỉnh đã ưu tiên bố trí trên 11.000 tỷ đồng để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, các chương trình dự án trọng điểm, các ngành kinh tế mũi nhọn để tạo động lực cho các ngành khác cùng phát triển, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Về công tác thu hút đầu tư trong những năm qua đã đạt được một số kết quả tích cực, tính đến hết năm 2023, Khu KTCK đã có 158 dự án đầu tư, trong đó có 15 dự án đầu tư nước ngoài; có 143 dự án đầu tư trong nước và có 03 dự án Khu chức năng trong Khu KTCK được xác định là các dự án trọng điểm, tập trung ưu tiên.
Cho đến nay, các cửa khẩu đã có 23 dự án đầu tư kinh doanh bến bãi; 46 dự án đầu tư trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, hầu hết các dự án đã được đầu tư xây dựng và hoạt động ổn định, phát huy được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hoạt động thương mại dịch vụ lưu giữ, bảo quản hàng hóa phục vụ xuất nhập khẩu và đóng góp cho nguồn thu ngân sách nhà nước. Các dự án đã phát huy được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hoạt động thương mại dịch vụ, tạo sự sôi động trong hoạt động Khu KTCK. Nhờ đó, diện mạo các đô thị, nông thôn, khu vực cửa khẩu ngày càng khang trang, hình thành các khu tái định cư, khu đô thị trong thành phố; hệ thống giao thông công cộng được sắp xếp trật tự, bộ mặt đô thị có nhiều đổi thay.
Phương tiện xuất nhập khẩu hàng hoá tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). |
Đẩy mạnh thu hút các dự án
Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận các thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực đầu tư, các Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, công tác cải cách hành chính, hỗ trợ tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp được Ban Quản lý đặc biệt quan tâm chỉ đạo, có 40/41 TTHC tiếp nhận tại bộ phận 1 cửa, 01 TTHC không tiếp nhận tại bộ phận 1 cửa, trong đó có: 10 TTHC mức độ 3 lĩnh vực đầu tư, 17 TTHC mức độ 4.
Tiếp tục triển khai thí điểm nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh. Hoạt động hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp, đăng ký đầu tư được triển khai hỗ trợ trực tuyến qua hộp thư, điện thoại, Website, qua Zalo, face book… cho trên doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân…. cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Về công tác xúc tiến đầu tư luôn được Ban quản lý Khu KTKC Đồng Đăng - Lạng Sơn đẩy mạnh thu hút đầu tư, phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh COVID-19 như: Chuyển đổi, đẩy mạnh hình thức quảng bá thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức từ trực tiếp sang tổ chức các Hội nghị gặp gỡ Doanh nghiệp, Hội nghị khách hàng, tham dự các Hội chợ Thương mại, xuất khẩu, phát hành các ấn phẩm xúc tiến đầu tư...; tham gia, phối hợp với các ngành rà soát, xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư vào tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025. Chủ động thu hút làn sóng đầu tư từ các thị trường đầu tư truyền thống và tiềm năng, đưa ra các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp…
Đại diện Ban quản lý Khu KTKC Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh. Phối hợp rà soát các chính sách đã ban hành để kịp thời đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình và điều kiện của tỉnh, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh trong Khu KTCK. Huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để quy hoạch, triển khai đầu tư theo quy hoạch, tạo quỹ đất sạch nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất hàng xuất khẩu.
Đồng thời, Lạng Sơn sẽ đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng hạ tầng khu vực cửa khẩu một cách tương xứng để tạo thành chuỗi cung ứng logistics xuyên biên giới, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nâng cao kim ngạch XNK hàng hóa qua địa bàn. Tạo cơ chế chính sách để thu hút nguồn đầu tư ngoài ngân sách để đầu tư các dự án trong Khu KTCK và các khu cửa khẩu khác.
Phượng Nguyễn
Theo