(Xây dựng) - Trong không khí tưng bừng đón chào năm mới 2021 và không khí phấn khởi của nhân dân thành phố Hải Phòng chào mừng thành công Đại hội đại biểu lần thứ XVI, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; thành phố Hải Phòng vừa long trọng tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Khu di tích Bạch Đằng Giang. Tại buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, đồng chí Lê Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã có bài phát biểu chỉ đạo UBND thành phố thực hiện những nhiệm vụ tiếp theo trong việc phát huy giá trị truyền thống của di tích.
Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Khu di tích Bạch Đằng Giang. |
Báo điện tử Xây dựng xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
“Hải Phòng vùng đất cửa biển, vùng Đông Bắc Tổ quốc, luôn giữ vị trí chiến lược trọng yếu trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Các triều đại phong kiến của dân tộc ta đều xác định vùng đất này là yết hầu của kinh thành. Sông Bạch Đằng chảy giữa huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng và thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Thời phong kiến, từ cửa biển Nam Triệu vào sông Bạch Đằng, tàu thuyền sẽ ngược lục đầu giang vào thẳng tới kinh đô. Hai bờ sông Bạch Đằng là hệ thống các sông ngòi dày đặc, núi non hiểm trở, có nhiều hang động đặc biệt thuận lợi cho việc bố trí trận địa phòng thủ quốc gia.
Vào thế kỷ thứ X và thế kỷ thứ XIII, đã diễn ra ba trận thủy chiến hào hùng của dân ta chống quân xâm lược phương Bắc. Năm 938, người anh hùng dân tộc Ngô Quyền đã sử dụng trận địa cọc gỗ, vận dụng quy luật thủy triều lãnh đạo nhân dân tổ chức kháng chiến chống quân xâm lược Nam Hán. Chỉ trong một ngày, quân và dân ta đã đánh tan toàn bộ quân xâm lược, kết thúc chiến tranh, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, chấm dứt 1.117 năm Bắc thuộc. Sau chiến thắng, anh hùng dân tộc Ngô Quyền đã xưng vương, bắt tay vào xây dựng triều đình, chọn Cổ Loa - kinh thành nước Âu Lạc xưa làm kinh đô, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ độc lập tự chủ của đất nước.
Trên dòng sông Bạch Đằng năm 981, Hoàng đế Lê Đại Hành đã lãnh đạo nhân dân tiếp tục sử dụng phương pháp trận địa cọc gỗ để tổ chức kháng chiến, đập tan cuộc chiến tranh xâm lược của triều đình nhà Tống, giữ vững nền độc lập tự chủ, đưa đất nước Đại Cồ Việt bước vào thời kỳ xây dựng phát triển hùng mạnh.
Cũng trên dòng sông Bạch Đằng năm 1288, Quốc công tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn một lần nữa đã vận dụng sáng tạo địa hình trận địa cọc gỗ và quy luật sông nước Bạch Đằng, lãnh đạo quân và dân nhà Trần với hào khí Đông A đã nhấn chìm hàng trăm chiến thuyền của quân xâm lược Nguyên Mông, lập nên một trong những chiến công oai hùng bậc nhất trong lịch sử, chấm dứt giấc mộng xâm lăng xuống khu vực Đông Nam Á của đế chế Nguyên Mông, mở ra một thời kỳ phát triển rực rỡ cho quốc gia Đại Việt.
Trong cả 3 cuộc kháng chiến trong giặc ngoại xâm nói trên, cùng với cả nước, nhân dân Hải Phòng luôn có những đóng góp to lớn. Những người nông dân, ngư dân miền cửa biển đã trở thành những chiến binh, dân binh đứng dưới ngọn cờ của các vị anh hùng dân tộc. Nhiều người trở thành những vị tướng tài giỏi lập nhiều công trạng, được nhân dân lập đền thờ tôn vinh là những vị thần, thành hoàng trên nhiều làng quê, khu phố của Hải Phòng. Chỉ cùng một dòng sông, trong hai thế kỷ khác nhau, diễn ra 3 trận quyết chiến chiến lược chống ngoại xâm, chiến thắng đều thuộc về dân tộc chính nghĩa. Các chiến thắng trên sông Bạch Đằng đều là những dấu mốc đặc biệt quan trọng trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, đều mở ra một thời kỳ hòa bình lâu dài và một thời kỳ phát triển thịnh vượng của đất nước. Tất cả những điều đó của dòng sông Bạch Đằng ngàn năm qua trong tâm thức của mọi người dân Hải Phòng đều là dòng sông huyền thoại, linh thiêng, là mạch nguồn sức mạnh kỳ diệu của dân tộc. Niềm tự hào về dòng sông Bạch Đằng về những chiến thắng vĩ đại của dân tộc đã góp phần hun đúc lên bản sắc của người dân Hải Phòng. Đó là tinh thần trung kiên, ý chí kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Phẩm chất đó đã được phát huy liên tục trong suốt dòng chảy lịch sử hàng ngàn năm cho tới ngày nay và trở thành nguồn lực sức mạnh nội sinh trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố, nguồn sức mạnh đó cùng với những thành tựu đạt được sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đã góp phần cùng cố vững chắc niềm tin của chúng ta về tương lai phát triển rực rỡ của thành phố và đất nước như mục tiêu, định hướng mà Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố và Nghị quyết XIII của Đảng đề ra.
Với tấm lòng thành kính, tri ân các vị anh hùng dân tộc, các bậc tiên liệt, nhân dân thành phố Hải Phòng đã tận tâm, tận lực xây dựng khu di tích này tại vùng đất Tràng Kênh, trung tâm của khu chiến trường năm xưa. Trải qua gần 20 năm liên tục, được bồi đắp và hoàn thiện bằng nguồn lực xã hội hóa, từ tấm lòng của nhân dân thành phố và nhân dân cả nước, Khu di tích Bạch Đằng Giang đã được hoàn thành với quy mô như này nay. Các đền thờ ba vị anh hùng dân tộc gắn liền với các chiến thắng Bạch Đằng, chùa Trúc Lâm Tự thờ Phật tổ Thích Ca và Phật hoàng Trần Nhân Tông; Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; Đền thờ Thánh Mẫu; Đền thờ Tướng công Hoàng tử Lê Duy Mật; cùng các văn bia tượng đài uy nghiêm, thần thái, đều là những công trình kiến trúc mang đậm bản sắc dân tộc. Đặc biệt, việc phát hiện các bãi cọc trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông năm 1288 tại thôn Cao Quỳ (xã Liên Khê), thôn Đầm Thượng (xã Lại Xuân) huyện Thủy Nguyên càng khẳng định thêm giá trị lịch sử quý giá của khu di tích Bạch Đằng Giang.
Khu di tích Bạch Đằng Giang được nhà nước xếp hạng Khu di tích lịch sử quốc gia là vinh dự lớn và cũng là trách nhiệm của Đảng bộ và chính quyền nhân dân thành phố Hải Phòng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị đặc biệt của Khu di tích. Để hoàn thành trách nhiệm đó, Bí thư Thành ủy chỉ đạo: Đề nghị UBND thành phố khẩn trương kiện toàn Ban quản lý khu di tích, thực hiện việc quản lý theo nhiệm vụ đã được phê duyệt và các quy định của Luật Di sản văn hóa, cùng hệ thống các luật liên quan. Đồng thời, UBND thành phố chỉ đạo Ban quản lý khu di tích ban hành quy chế quản lý, phát huy mô hình ba không trong những năm vừa qua. Tiếp tục duy trì Khu di tích lịch sử quốc gia Bạch Đằng Giang là công trình phục vụ nhân dân, tuyệt đối không thu vé thăm quan, không tổ chức kinh doanh thương mại dịch vụ; không thu tiền trông giữ xe của nhân dân và du khách.
Ban quản lý khu di tích cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm cho khu di tích thực sự kiểu mẫu, văn minh để nơi đây xứng đáng là nơi lưu giữ hồn thiêng sông núi như lời danh sỹ nổi tiếng thời nhà Trần Phạm Sư Mạnh đã khẳng định “Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu”. Chúng ta tin tưởng rằng Khu di tích Bạch Đằng Giang sẽ thực sự trở thành địa chỉ có giá trị giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, hun đúc ý chí, khát vọng xây dựng đất nước thịnh vượng, hùng cường cho các thế hệ hôm nay và mai sau”.
Khu di tích lịch sử quốc gia Bạch Đằng Giang là công trình phục vụ nhân dân, tuyệt đối không thu vé thăm quan, không tổ chức kinh doanh thương mại dịch vụ; không thu tiền trông giữ xe của nhân dân và du khách. |
Hải Nguyên (ghi)
Theo