Các đại biểu quốc hội chỉ ra nhiều những thách thức lớn trong năm 2023, từ đó chỉ ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, đặc biệt là việc khơi thông nguồn vốn sản xuất-kinh doanh.
Ngày 27/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Ngày 27/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022.
Theo đó, các đại biểu đã chỉ ra nhiều những thách thức lớn trong nền kinh tế trong năm 2023 và kiến nghị một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, đặc biệt là vấn đề khơi thông nguồn vốn phục vụ sản xuất-kinh doanh.
Mở rộng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, đoàn Vĩnh Long đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu tiếp tục mở rộng hỗ trợ tài khóa hướng đến khu vực doanh nghiệp mạnh mẽ hơn, cụ thể tập trung vào hai khó khăn lớn nhất là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng.
Trên cơ sở đó, bà Trang cho rằng các cấp quản lý cần xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, trong đó tính toán thận trọng mức độ, thời hạn cũng hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa đảm bảo kích thích nền kinh tế.
“Chính sách hỗ trợ cần tập trung giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn nhằm hỗ trợ khu vực này phục hồi và phát triển nhanh chóng, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay vừa đảm bảo khả năng trả nợ vay và sự ổn định, phát triển trong dài hạn của nền kinh tế,” bà Trang nói.
Trong khi đó, đại biểu Tô Ái Vang, đoàn Sóc Trăng kiến nghị Chính phủ rà soát và xây dựng lại các giải pháp nhằm tác động mạnh mẽ hơn để giúp các doanh nghiệp đủ sức vực dậy trong sản xuất kinh doanh.
Theo bà Vang, Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh bằng cách (như tiếp tục thực hiện các chính sách miễn thuế, giảm thuế, gia hạn thuế, phí, lệ phí và các chính sách cơ cấu lại nợ, điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp…)
Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn tỉnh Sóc Trăng nói về tình hình doanh nghiệp đối mặt khó khăn dù kinh tế phục hồi. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Bên cạnh đó, đại biểu Tô Ái Vang cũng cho rằng cùng với các giải pháp của Chính phủ, các doanh nghiệp cần tập trung xác định cơ cấu vốn tối ưu, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, huy động vốn qua thị trường chứng khoán đồng thời nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp.
Ngoài ra, đại biểu Tô Ái Vang cũng đề nghị cần minh bạch trong triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Tăng hiệu quả của các gói chính sách
Về hiệu quả của các gói chính sách, đại biểu Nguyễn Đại Thắng, đoàn Hưng Yên lại cho rằng cần đánh giá cụ thể hơn về kết quả và tình hình triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, từ đó có những giải pháp hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, tỷ lệ giải ngân theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn rất thấp, tính đến cuối tháng Chín mới đạt 20%. Thậm chí, gói hỗ trợ lãi suất 2 % qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân chưa được 1% (13,5 tỷ đồng/16.035 tỷ đồng). Do đó, tôi đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp để đẩy nhanh việc giải ngân gói hỗ trợ này,” ông Thắng nói.
Thêm vào đó, đại biểu Nguyễn Đại Thắng cho rằng các đơn vị chức năng cần tích cực triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu, phụ liệu đầu vào để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tình trạng lệ thuộc vào thị trường nhất định, mở rộng thị trường trong nước.
Ông Thắng cũng đề cập bên cạnh sự gia tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới, trung bình mỗi tháng (9 tháng của năm 2022), số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn bình quân của năm 2020 và năm 2021.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên kiến nghị các giải pháp hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tăng cao số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là do các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, chi phí đầu vào sản xuất tăng cao để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới.
"Do đó, tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục có những giải pháp để hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy nhanh việc cấp bù lãi suất nhằm thúc đẩy các ngân hàng mở rộng quy mô vốn vay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt chú trọng đối với các khoản vay tín dụng xuất khẩu kéo dài chính sách hỗ trợ về tài chính thuế đến hết năm 2023,” ông Thắng nói./.
Theo Quảng - Hạnh (Vietnam+)