Thứ năm 25/04/2024 22:59 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Khi lãnh đạo "né" lời xin lỗi dân

09:04 | 24/08/2021

Chậm giải quyết thủ tục đất đai nhưng chỉ đến khi đích thân Chủ tịch tỉnh yêu cầu, hai chủ tịch cấp huyện ở Quảng Ngãi mới thực hiện việc xin lỗi theo đúng quy định.

khi lanh dao ne loi xin loi dan

Ngày 19/8, ông Hà Hoàng Việt Phương - Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) có thông báo về việc xin lỗi nhân dân. Ông Chủ tịch thành phố Quảng Ngãi phải xin lỗi vì chậm trễ giải quyết thủ tục hành chính trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.

Liên quan đến nội dung này, ông Đinh Xuân Sâm - Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành cũng công khai việc xin lỗi người dân trên phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Được biết, những người đứng đầu hai địa phương trên gửi lời xin lỗi chân thành đến các hộ gia đình, cá nhân bị chậm trễ trong giải quyết hồ sơ và mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ của người dân. Đồng thời cam kết tập trung chỉ đạo giải quyết, không để xảy ra tình trạng chậm trễ.

Lý do xin lỗi là bởi trước đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các huyện, thành phố tổng hợp, báo cáo số hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu còn tồn đọng. Tuy nhiên, nhiều địa phương không báo cáo, hoặc báo cáo không đầy đủ.

Trong quá trình kiểm tra, tỉnh phát hiện số lượng lớn hồ sơ tồn đọng tại huyện Nghĩa Hành và TP Quảng Ngãi trong năm 2020. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn của 2 đơn vị này đều dưới 30% tổng số hồ sơ được giải quyết.

Việc giải quyết hồ sơ tồn đọng kéo dài vi phạm Luật Đất đai, gây bức xúc cho người dân. Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Sở TN&MT, UBND TP Quảng Ngãi và huyện Nghĩa Hành phải kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm của từng cá nhân liên quan.

Theo quy định UBND TP Quảng Ngãi và huyện Nghĩa Hành phải xin lỗi người dân vì để cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý vi phạm quy định giải quyết thủ tục hành chính. Văn bản xin lỗi công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, Chủ tịch TP Quảng Ngãi chưa thực hiện xin lỗi, Chủ tịch huyện Nghĩa Hành đã có văn bản xin lỗi nhưng chưa công khai.

Ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, lãnh đạo của các đơn vị trên chưa nghiêm túc trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc thẩm quyền quản lý; chưa nhìn thẳng vào sự thật, né tránh trách nhiệm, không quyết liệt theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh trong thời gian vừa qua đối với công tác cải cách hành chính.

Để xảy ra chậm trễ, tồn đọng một số lượng lớn hồ sơ, gây phiền hà, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân, Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu.

Tuy nhiên, hai ông chủ tịch huyện, dẫu đã được chỉ rõ về trách nhiệm của mình và buộc phải công khai xin lỗi người dân nhưng lại có biểu hiện né tránh, làm chiếu lệ. Chỉ đến khi Chủ tịch tỉnh phê bình và yêu cầu, việc xin lỗi công khai người dân bị ảnh hưởng mới được thực hiện.

Người viết cho rằng, các "vị phụ mẫu" nói trên chưa kiểm điểm đúng trách nhiệm của mình, hoặc chưa nhìn nhận rõ những hệ quả mà người dân phải gánh chịu do sự chậm trễ của các cá nhân, tập thể thực hiện nhiệm vụ.

Đương nhiên, trách nhiệm của những cá nhân, tập thể liên quan sẽ bị xem xét xử lý. Mong rằng, không chỉ dừng lại ở lời xin lỗi và cam kết trên giấy, Chủ tịch TP Quảng Ngãi và huyện Nghĩa Hành sẽ có những giải pháp quyết liệt hơn để đốc thúc các cơ quan chuyên môn giải quyết sớm và giải quyết đúng trình tự hồ sơ thủ tục cho người dân.

Tránh để tình trạng "ngâm" hồ sơ, khiến người dân bức xúc, mất niềm tin vào chính quyền.

Theo Hoàng Lam/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
  • Để cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát

    Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát khi thực hiện thành công trong năm 2025 sẽ là một dấu mốc đáng nhớ, khi lần đầu tiên trong lịch sử, trên cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát và có lẽ không nhiều nước đang phát triển trên thế giới làm được điều này.

  • Tăng quyền, trao quyền khi 'chiếc áo thể chế' đã chật

    “TP.HCM đang như lò xo bị bó. Làm sao chúng ta tháo được ra để lò xo hoạt động, trỗi dậy, bứt phá được, đó là nhiệm vụ của quy hoạch. Nếu bật lên được, TP.HCM có thể sẽ phát triển nhanh như vũ bão”.

  • TP.HCM và ‘lỗ hổng’ làm điện rác

    Tiếp theo bài viết “Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8” đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

  • Hiểu thế nào về “Tập thể lãnh đạo”, “Lãnh đạo tập thể”, “Lãnh tụ tập thể”?

    Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự chuẩn bị Đại hội XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ba đặc điểm có tính nguyên tắc của mô hình lãnh đạo chính trị nước ta hiện nay: "tập thể lãnh đạo", "lãnh đạo tập thể", "lãnh tụ tập thể".

  • Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch Điện 8

    Sau khi ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch điện VIII, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư mong chờ có bản kế hoạch mang tính tổng thể, công khai và minh bạch hướng dẫn thực hiện dự án Quy hoạch điện 8.

  • Sau TP.HCM, Hà Nội lại làm dự án BT

    Xin khôi phục lại các dự án theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), Hà Nội muốn có thêm cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load