(Xây dựng) - Với tiềm năng rất lớn về biển đảo, Khánh Hòa đã và đang triển khai nhiều chủ trương, chính sách, phấn đấu đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển bền vững, trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước.
Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. |
Kinh tế - xã hội tỉnh phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19
Sau đại dịch Covid-19, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã đoàn kết, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có để vượt khó. Đánh giá chung sau 8 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội Khánh Hòa phục hồi mạnh mẽ, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Một số ngành sản xuất chủ lực có mức tăng trưởng cao như: Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 11,31% so với cùng kỳ năm trước; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng được 64.961,8 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch ước đạt 21.050 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước…
Vừa qua, Khánh Hòa tổ chức Chương trình “Mạnh giàu từ biển quê hương” đã góp phần lan tỏa thông điệp về tình yêu biển và khát vọng xây dựng đất nước mạnh giàu từ biển. |
Về lĩnh vực đầu tư xây dựng và phát triển doanh nghiệp, toàn tỉnh Khánh Hòa thu hút mới 08 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 4 nghìn tỷ đồng; cấp mới giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp cho 1.186 doanh nghiệp.
An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân được cải thiện. Toàn tỉnh thực hiện tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên cho 17.562 người đạt 58,5% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2023. Trong đó, thực hiện hỗ trợ đào tạo cho 420 lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa; 389 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an và 35 lao động là người khuyết tật. Ngoài những con số ấn tượng trên, trong năm 2023, nhiều công trình hạ tầng tại Khánh Hòa gấp rút được triển khai, hoàn thành tiến độ đề ra.
Theo ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: Tỉnh Khánh Hòa đang tập trung nguồn lực đầu tư công bố trí cho các dự án có tính chất lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, như: Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8); Đập ngăn mặn sông Cái Nha Trang; Môi trường bền vững các thành phố Duyên Hải - Tiểu dự án thành phố Nha Trang; Tỉnh lộ 2 (ĐT.653); Tỉnh lộ 3; Bệnh viện đa khoa Nha Trang…
Cũng theo ông Hoàng, Khánh Hòa sẽ tích cực triển khai các dự án trọng điểm, như: Đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng; Cung Văn hóa Thiếu nhi Khánh Hòa; các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế…
Phát triển đột phá, trở thành trung tâm kinh tế vùng
Theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người vào nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc với một số đô thị đạt đẳng cấp quốc tế. Nhân dân được hưởng thụ mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc. Hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ; có năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, quốc phòng an ninh.
Giữa năm 2023, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm hoàn thành giúp kết nối, tạo điều kiện phát triển tỉnh Khánh Hòa. |
Đến năm 2030, Khánh Hòa sẽ đưa Khu kinh tế Vân Phong trở thành một trung tâm kinh tế biển hiện đại. Tổ chức không gian khu kinh tế thành 2 khu vực: Bắc Vân Phong và Nam Vân Phong. Phát triển khu vực Bắc Vân Phong trở thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế và khai thác giá trị tối đa từ lợi thế về vị trí, cảnh quan của khu vực.
Cùng với đó, kêu gọi đầu tư các khu nghỉ dưỡng hướng tới phân khúc khách hàng cao cấp, thiết kế hài hòa với cảnh quan thiên nhiên và vận hành theo các tiêu chuẩn quốc tế về bền vững của ngành Du lịch. Xây dựng bến cảng đón tàu chở khách du lịch và du thuyền hạng sang. Phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng. Định hướng lâu dài phát triển cảng trung chuyển quốc tế khi có đủ điều kiện. Thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên du lịch bền vững.
Trong định hướng nỗ lực đưa khu vực Nam Vân Phong trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, cùng với các dự án khu đô thị, dịch vụ du lịch ven biển. Khánh Hòa sẽ tập trung thu hút các dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các dự án công nghiệp trọng điểm với các ngành công nghiệp chủ lực như công nghiệp công nghệ cao, năng lượng, chế biến dầu khí, đóng tàu, công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành công nghiệp phụ trợ. Đồng thời, phát triển các cảng hàng hóa gắn với trung tâm logistics tại Nam Vân Phong để phục vụ cho cả khu vực Tây Nguyên và duyên hải Trung bộ.
Khu kinh tế Vân Phong là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước. |
Theo ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, phát triển kinh tế biển là một trong những hướng đi đảm bảo được thuận lợi, thế mạnh của tỉnh theo những mục tiêu đã được xác định.
Trong đó, du lịch hay du lịch biển đảo của Khánh Hòa đã được chú trọng và phát triển thời gian qua. Khu vực Bắc Vân Phong với tiềm năng hiện có, tỉnh sẽ tập trung thu hút theo quy hoạch sẽ là khu du lịch sinh thái tầm cỡ quốc tế; Khu du lịch Bán đảo Cam Ranh hiện đã được đầu tư bài bản, đủ điều kiện để phát triển thành khu du lịch quốc gia; thành phố Nha Trang và các khu vực có lợi thế sẽ phát triển tập trung cung cấp các dịch vụ chất lượng, các mô hình, sản phẩm du lịch có tính liên vùng, liên kết giữa các khu vực trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Ông Trần Hòa Nam cho biết, Khánh Hòa cũng xác định phát triển công nghiệp bền vững, khắc phục tình trạng như thời điểm diễn ra dịch bệnh Covid-19, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề, công nghiệp không đủ duy trì, phát triển bền vững.
Theo đó, khu vực Nam Vân Phong được tập trung phát triển công nghiệp. Cảng sẽ được đầu tư tại đây, cùng với các cảng hiện có ở Cam Ranh, các cảng hàng không cũng được gắn kết, tạo thuận lợi trong việc vận chuyển, dịch vụ logistics.
Ngoài ra, phát triển nuôi trồng thủy sản đáp ứng quy hoạch theo hướng đánh bắt xa bờ, nuôi trồng công nghệ cao. Tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; đặc biệt chú trọng Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tập trung chỉ đạo đôn đốc, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của quốc gia, của tỉnh.
Hoàng Sơn - Công Hưng
Theo