(Xây dựng) – Ngày 24/3, UBND thị xã Việt Yên (Bắc Giang) tổ chức khai mạc Lễ hội truyền thống chùa Bổ Đà và Liên hoan Dân ca quan họ năm 2024. Chùa Bổ Đà được coi là ngôi cổ tự có kiến trúc độc đáo nhất xứ Kinh Bắc, được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định công nhận là Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia đặc biệt năm 2016.
Năm 2017, Lễ hội chùa Bổ Đà được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. |
Chùa Bổ Đà tọa lạc trên ngọn núi Phượng Hoàng (Bổ Đà Sơn), phía Bắc dòng sông Cầu, thuộc địa phận xã Tiên Sơn (Việt Yên - Bắc Giang). Khu di tích chùa Bổ Đà gồm: Chùa cổ có tên là chùa Bổ Đà (hay còn gọi là chùa Quan Âm, hay Chùa Cao), chùa chính Tứ Ân Tự, Am Tam Đức, Vườn tháp và Ao Miếu. Ngoài ra trên núi Bổ Đà còn có đền thờ Đức Thánh Hóa.
Là một trong các hạng mục của di tích chùa Bổ Đà, chùa chính Tứ Ân Tự được xây dựng vào thời vua Lê Hiển Tông (1740-1786), Tứ Ân Tự hiện vẫn bảo tồn và giữ nguyên vẹn những nét kiến trúc cổ xưa. Chùa có kiến trúc độc đáo, khác biệt so với những ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, đó là lối kiến trúc “nội thông, ngoại bế” tạo nên không gian u tịch, thanh vắng, linh thiêng.
Ngoài ra, nét độc đáo của di tích chùa Bổ Đà còn đến từ những bức tường đất từ cổng vào và bao quanh khu nội tự chùa Tứ Ân. Những bức tường ở đây được xây dựng theo lối tường trình với độ cao từ 1,8-5m, được trình từ thấp tới cao bằng loại đất sỏi son trên núi Bổ Đà, trên đỉnh tường được che bằng các mảnh gốm, chum, vại... vỡ của Thổ Hà. Trải qua thời gian, các bức tường trình đã bị mưa thấm, ngả màu rêu phong làm tăng thêm vẻ cổ kính cho ngôi chùa.
Khu nội tự gồm 18 tòa nhà ngang, dãy dọc kết nối liên hoàn với tổng số gần 100 gian. Các chất liệu xây dựng được làm bằng gạch nung, ngói, tiểu sành và hệ thống tường bao được trình bằng đất rất độc đáo và bền vững. Cổng vào chùa nền lát đá muối có kích thước to nhỏ khác nhau.
Đặc biệt, “vườn tháp chùa Bổ Đà” được đánh giá là đẹp và lớn nhất Việt Nam. Vườn tháp được xây dựng theo những quy định riêng và rất chặt chẽ của thiền môn. Với hơn 100 ngôi tháp được xếp hàng hàng, lớp lớp, nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của hơn 2.000 vị tăng, ni.
Việt Yên có 18 làng quan họ cổ đã được UNESCO vinh danh và khoảng 50 câu lạc bộ dân ca quan họ thực hành. |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Thân Văn Thuần - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã Việt Yên, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết: Việt Yên là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa, nơi lưu giữ và bảo tồn 341 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 02 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 18 di tích cấp Quốc gia và 86 di tích cấp tỉnh, 02 bảo vật Quốc gia.
Việt Yên cũng vinh dự có 02 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại là quan họ và ca trù; 03 lễ hội được công nhận là văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào vô cùng to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đồng thời cũng là trách nhiệm rất lớn trong công tác bảo tồn và phát huy các di sản trên.
“Xác định rõ được ý nghĩa và tầm quan trọng của lễ hội truyền thống và dân ca quan họ trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, trong những năm vừa qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã dành sự quan tâm đặc biệt trong công tác bảo tồn các lễ hội truyền thống và nghệ thuật trình diễn dân ca quan họ”, ông Thân Văn Thuần nhấn mạnh.
Được biết, trong khuôn khổ lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ, trình diễn di sản, các trò chơi dân gian nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần cổ vũ, động viên các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua phấn đấu thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và xây dựng thị xã Việt Yên ngày càng thông minh, hiện đại, bản sắc và phát triển bền vững.
Kim Thoa – Thân Nam
Theo