Thứ năm 26/12/2024 21:37 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Cần quan tâm bảo tồn những ngôi biệt thự cổ 100 tuổi ở Đồng Nai

15:18 | 28/10/2024

(Xây dựng) - Với việc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản gửi UBND tỉnh tham mưu phương án nắn đường ven sông để “cứu” biệt thự cổ trăm tuổi “nhà lầu ông Phủ” cho thấy, sự quan tâm về mặt bảo tồn. Từ đó, đem đến hy vọng cho những ngôi biệt thự cổ kiểu Pháp khác đang bị bỏ quên ở Đồng Nai.

Cần quan tâm bảo tồn những ngôi biệt thự cổ 100 tuổi ở Đồng Nai
Biệt thự “nhà lầu ông Phủ” tại Biên Hòa đã được UBND tỉnh Đồng Nai quyết định giữ lại để bảo tồn. (Ảnh: Nguyên Dũng)

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Đồng Nai cho biết, vừa có văn bản gửi UBND tỉnh, tham mưu phương án bảo tồn nhà cổ Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh (dân gian gọi là nhà lầu ông Phủ) thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa. Theo đó, Sở VH-TT&DL tỉnh Đồng Nai thống nhất báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện phương án nắn tuyến đường ven sông theo đề xuất của Sở Xây dựng. Trước đó, Sở Xây dựng đã đưa ra 4 kịch bản để các bên có thể thống nhất lựa chọn.

Nắn đường để cứu biệt thự cổ trăm tuổi

Như vậy, với 4 phương án Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đưa ra, cuối cùng đã được tổng hợp để “chốt” lại phương án cuối cùng là nắn tuyến đường ven sông để bảo tồn ngôi biệt thự cổ. Sở VH-TT&DL cho biết, kết quả khảo sát cho thấy phạm vi đường ven sông xâm lấn vào nhà cổ là 12,7m, phạm vi từ kè sông đến vỉa hè tuyến đường là 14,7m bố trí cây xanh và 1 lối đường đi bộ rộng 2m. Chiều dài đoạn chưa thi công là 650m. Như vậy phạm vi còn lại tính từ mép kè đến mép hiên nhà cổ vẫn có đủ khoảng cách để nắn lại hướng tuyến tránh được ngôi nhà, nguyên tắc vẫn giữ nguyên lòng đường rộng 24m.

Cũng theo nội dung văn bản tổng hợp ý kiến để tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai, hiện tại với chiều dài 650m của tuyến đường ven sông đoạn qua “nhà lầu ông Phủ” vẫn chưa thi công, thì đủ đảm bảo để nắn tuyến cong mềm, tránh được ngôi biệt thự cổ mà không cua gắt, không bị thắt nút cổ chai. Ngoài ra, theo kịch bản nắn tuyến chiều dài chỉ khoảng 200m, sẽ dôi dư một diện tích đất có thể chỉnh trang, làm công viên, bãi đỗ xe.

Cũng theo phương án này đề ra, khi thực hiện nắn đường sẽ giảm vỉa hè hai bên tuyến đường từ 5m xuống còn 4m. Khi đó, mép lộ giới đường ven sông sẽ sát tuyến đường đi bộ dọc sông và sẽ còn 2m phát sinh dư ra làm khoảng lùi giữa mái hiên biệt thự cổ và đường ven sông.

Điều đưa lại lợi ích lớn là khi thực hiện phương án này sẽ không cần phải thu hồi thêm đất, do đó tiết kiệm được nhiều không gian, thời gian và bớt được rất nhiều chi phí cũng như các thủ tục phức tạp. Theo phương án này, chỉ cần điều chỉnh thiết kế tuyến đường, lập và trình duyệt hồ sơ thiết kế nên sẽ rất nhanh gọn.

Thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến ngôi biệt thự Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh 100 năm tuổi, sẽ có thể bị phá bỏ do nằm trong phạm vi làm tuyến đường ven sông Đồng Nai. Tỉnh ủy Đồng Nai sau đó đã đưa ra quyết định giữ lại ngôi biệt thự cổ đồng thời lên kế hoạch bảo tồn phục vụ du lịch.

Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã đưa ra 4 phương án để giữ lại biệt thự cổ và vẫn đảm bảo việc thực hiện dự án. Trong đó, phương án một là di dời biệt thự cổ về phía sau. Tuy nhiên, với phương án này, phần đất phía sau biệt thự cổ chỉ còn chiều sâu 6m. Do đó, nếu thực hiện phải bồi thường, giải phóng mặt bằng của hộ dân phía sau dự kiến phát sinh đất cần thu hồi thêm. Về mặt pháp lý, để thực hiện giải tỏa diện tích này cũng chưa “ổn”.

Phương án tiếp theo là tạo vòng xuyến quảng trường bao quanh biệt thự cổ. Với phương án này, tuyến đường ven sông qua khu vực này sẽ hướng thành 2 nhánh, tạo thành khuôn viên trung tâm. Phương án khác được đề xuất là thực hiện giao thông khác cote (độ cao), kết hợp đảo hoa viên bao quanh biệt thự cổ. Hai phương án này phải đầu tư quy mô, phức tạp và cần có quy hoạch đồng bộ mới hiệu quả.

Riêng phương án nắn tuyến đường ven sông được đánh giá là phù hợp nhất, giữ lại ngôi biệt thự cổ để bảo tồn, đảm bảo mọi tiêu chí pháp lý, không gian mà không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ dự án đường ven sông Đồng Nai.

Hoàn thành lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh trước tháng 4/2025

Sở VH-TT&DL tỉnh Đồng Nai cũng vừa đề xuất bổ sung ngôi biệt thự cổ “nhà lầu ông Phủ” vào lộ trình xếp hạng di tích cấp tỉnh giai đoạn 2020-2025. Theo đó, Sở này cho biết ngôi biệt thự cổ “nhà lầu ông Phủ” hiện do bà Đặng Thị Linh Phương (51 tuổi) quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, nhà đất này hiện chưa xác định được người thừa kế, chưa phân chia di sản thừa kế. Vì vậy hiện tại tiền bồi thường, hỗ trợ khi giải tỏa thực hiện dự án đường ven sông đang được gửi tại Kho bạc Nhà nước theo quy định.

Đại diện Sở Xây dựng cho biết, hiện phần diện tích ngôi biệt thự cổ đang được quy hoạch là đất du lịch theo quy hoạch chung năm 2014. Sở Xây dựng đề nghị Sở VH-TT&DL đưa ngôi biệt thự cổ vào danh mục công trình kiến trúc cổ có giá trị để đưa vào khai thác, sử dụng theo đúng quy định.

Ông Nguyễn Hồng Ân, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, Sở đã giao Bảo tàng Đồng Nai trình Sở VH-TT&DL danh mục di tích phổ thông trên địa bàn tỉnh, trong đó có nhà cổ “nhà lầu ông Phủ”, thời gian hoàn thành trong năm 2024; đồng thời triển khai thực hiện lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với ngôi biệt thự cổ, hoàn thành hồ sơ trước tháng 4/2025. Sau khi ngôi nhà cổ “nhà lầu ông Phủ” được xếp hạng di tích cấp tỉnh, Sở VH-TT&DL sẽ kiến nghị UBND tỉnh thực hiện lập dự án bảo tồn, trùng tu tôn tạo theo đúng quy định.

Sở VH-TT&DL cho biết, khu biệt thự Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh - “nhà lầu ông Phủ” được xây năm 1922, hoàn thành năm 1924, nhiều năm không được trùng tu, tôn tạo nên xuống cấp, hư hỏng. Từ năm 2016, Sở VH-TT&DL nhận thấy một số giá trị về mặt kiến trúc của công trình nên đề nghị bổ sung vào danh mục xếp hạng di tích cấp tỉnh tuy nhiên do vấn đề thừa kế ngôi nhà chưa thống nhất nên chưa thực hiện được.

Biệt thự trăm tuổi nằm trong dự án đường ven sông Đồng Nai dài 5,2km (từ cầu Hóa An, thành phố Biên Hòa đến xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu) tổng vốn 1.300 tỷ đồng, khởi công cách đây 3 năm, hiện vẫn chưa hoàn thành do vướng mặt bằng. Ban Quản lý dự án thành phố Biên Hòa, là chủ đầu tư, cho hay khi xác định khoảng 2/3 ngôi biệt thự có thể phải đập bỏ do nằm trong phạm vi dự án, người quản lý ngôi biệt thự là bà Đặng Thị Linh Phương (thế hệ con cháu chủ ngôi biệt thự xưa) đã bày tỏ nguyện vọng muốn giữ lại ngôi biệt thự cổ. Ngôi biệt thự diện tích sử dụng hàng nghìn m2 và khu đất này thời điểm lập bảng giá bồi thường giải tỏa dự án đường ven sông được định giá 5,4 tỷ đồng.

Theo tài liệu, chủ biệt thự xưa, ông Võ Hà Thanh (1876-1947) quê Quảng Ngãi theo cha vào Biên Hòa từ lúc còn nhỏ. Từ người làm thuê sau đó ông giành dụm làm ăn phát đạt, mở được cả hầm khai thác đá, lập đồn điền cao su, rồi làm chức Đốc phủ sứ, một chức quan cao cấp dành cho người Việt Nam trong bộ máy hành chính dưới thời Pháp.

Nhiều biệt thự Pháp bỏ hoang tại Đồng Nai

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, hiện tỉnh còn lại có 2 khu biệt thự cổ từ thời Pháp với kiến trúc đặc biệt là khu “nhà lầu ông Phủ” và quần thể nhiều biệt thự cổ đang trong tình trạng xuống cấp tại phường Suối Tre, thành phố Long Khánh. Quần thể các biệt thự cổ rất đẹp trên diện tích đến 70ha. Đây là những công trình hình thành từ những năm 20 của thế kỷ XX, phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của người Pháp, nằm ở độ cao 150m so với mặt nước biển, khí hậu ôn hòa. Tại đây được mệnh danh như một "Đà Lạt của miền Đông".

Khu vực này hiện nay do Tổng Công ty Cao su Đồng Nai quản lý, có khu được tu sửa, trưng dụng làm Nhà truyền thống công nhân cao su Đồng Nai. Tuy nhiên, hầu hết biệt thự đẹp như tranh ở vị trí đắc địa hiện đang trong tình trạng hoang phế. Ngoài những khu được tu sửa, còn lại rải rác trên những sườn đồi hiện các ngôi biệt thự cổ với những thiết kế đầy vẻ sang trọng ngày nào, giờ đây dù còn nguyên vẹn kiến trúc nhưng đều trong tình trạng hoang phế như những “ngôi nhà ma”.

Nếu như “nhà lầu ông Phủ” ở Biên Hòa từng được mượn để dựng cảnh phim Người đẹp Tây Đô thì những căn “biệt thự ma” ở Long Khánh thường là nơi giới quay phim tìm đến để dựng lên những cảnh rùng rợn, kinh dị ma quái!

UBND thành phố Long Khánh cũng như tỉnh Đồng Nai từng có nhiều kế hoạch bảo tồn quần thể biệt thự Pháp ở Suối Tre, đồng thời sử dụng vào việc phục vụ phát triển du lịch, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được căn cơ.

Nguyễn Đức Dũng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load