Chưa nói cụ thể lãi suất cho vay với Việt Nam nhưng Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam cho rằng, cơ quan này đang xem xét và điều kiện cho vay vốn ODA với Việt Nam sẽ chưa thay đổi ngay lập tức.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Có thể chốt lãi suất vào tháng sau
Cho biết trong buổi họp báo sáng 20/4, ông Fujita Yasuo, Trưởng đại diện JICA Việt Nam nhắc lại thông tin Việt Nam có thể không còn nằm trong nhóm những nước nhận được các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) từ tháng Bảy năm nay.
Tuy vậy, ông khẳng định: “Tôi có cảm giác đang có hiểu lầm việc xem xét các khoản vay ODA sẽ được điều chỉnh tăng lãi suất,” ông Fujita Yasuo nói.
Theo ông, những thông tin về việc điều chỉnh lãi suất các khoản vay ưu đãi từ WB không có nghĩa tất cả các khoản vay từ JICA hay các nước khác đều bị điều chỉnh tăng lãi suất.
Với JICA, vị đại diện tại Việt Nam khẳng định, hàng năm, điều kiện cho vay đều được đơn vị này xem xét lại và điều chỉnh. Tuy nhiên, với riêng Việt Nam, các khoản vay sẽ chưa có thay đổi nào ngay lập tức.
Cụ thể, JICA đang tiến hành bàn bạc các điều kiện cho vay ưu đãi với Việt Nam và có thể sẽ có kết quả trong khoảng 1 tháng nữa.
Nói về năm 2017, vị trưởng đại diện JICA tại Việt Nam chưa nói cụ thể tổng số vốn vay dự kiến nhưng theo ông, mức này có thể tương đương với năm 2015 và năm 2016. Trước đó, trong hai năm này, tổng số vốn cam kết được Nhật Bản dành cho Việt Nam lần lượt là gần 190 tỷ yen và hơn 187 tỷ yen.
Trong số trên, theo ông, có 5 dự án hiện đã được ấn định vốn vay là: Dự án phát triển khu công nghệ cao Hòa Lạc; Tăng cường năng lực đảm bảo an ninh đường biển; Dự án quản lý nước tại Bến Tre, Dự án các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu và thiên tại dựa trên thông tin vệ tinh; Dự án xử lý nước thải tại Biên Hòa. Với những dự án trên, ông Fujita Yasuo cho biết, hai bên sẽ nỗ lực làm việc để sớm tiến hành ký vay vốn và triển khai thực hiện.
Chậm trễ nhiều khâu?
Nói chung về những dự án tại Việt Nam sử dụng vốn vay Nhật Bản, trưởng đại diện JICA Việt Nam nhìn nhận, so với những nước cũng được nhận hỗ trợ từ phía JICA, mức độ thực hiện các dự án tại Việt Nam là cao.
Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại mà theo ông sẽ còn kéo dài trong cả năm nay. Trước hết, theo ông, đó là việc thủ tục phê duyệt bị kéo dài.
“Cụ thể như với dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội. Chỉ cố nội dung xem xét lại tổng mức đầu tư mà mất tới 4 năm,” ông Fujita Yasuo nói.
Vấn đề nữa được ông chỉ ra là việc giải phóng mặt bằng. Ông cho rằng, đây là tồn tại gây khó không chỉ với dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội mà còn nhiều dự án khác nữa.
“Giải phóng mặt bằng luôn mất nhiều thời gian,” vị đại diện của JICA nhấn mạnh.
Ông cũng dẫn chứng việc, theo quy định từ JICA, các yêu cầu hợp tác của Việt Nam với JICA cần được gửi vào tháng Tám hàng năm. Tuy nhiên, ông thừa nhận, với Việt Nam “việc chậm trễ đã thành thường lệ.”
Một khó khăn khác ông nêu lên là việc giải ngân cho các dự án. Theo ông, hiện nhiều dự án bị phân bổ thiếu tiền với tổng số tiền lên tới khoảng 10 tỷ yen.
Vị trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cho biết, phía JICA đã đề nghị Việt Nam có cơ chế linh hoạt hơn để gắn với tiến độ thực tế các dự án. Đề nghị trên chưa được thực hiện tuy nhiên, ông khẳng định, JICA luôn tôn trọng chủ trương từ phía Việt Nam.
Nói thêm về định hướng trong thời gian tới với những dự án sử dụng vốn vay bằng tiền yen, ông Fujita Yasuo cho hay, cơ quan này đã lập hệ thống giám sát dự án vốn vay trên website để người dân và cơ quan chức năng cùng theo dõi.
Trước đây, các dự án sau khi ký kết sẽ có thông báo tới người dân tuy nhiên sau đó tiền vay giải ngân ra sao, triển khai như thế nào thì không phải ai cũng biết.
Bởi vậy, với website vừa được JICA giới thiệu, đại diện cơ quan này cho biết, mọi người có thể truy cập từ máy tính hay điện thoại để xem tiến độ từng dự án, chậm trễ bao lâu, nguyên nhân từ đâu,…
Điều này theo trưởng đại diện JICA Việt Nam hy vọng có thể giúp thúc đẩy thực hiện các dự án nhanh chóng hơn.
Cũng về kế hoạch thời gian tới, một điểm đáng chú ý vừa được đại diện JICA cho biết là, cơ quan này hiện đang hỗ trợ để khảo sát chính sách phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Trong bối cảnh thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN vào Việt Nam sẽ về 0% từ năm 2018, ông Fujita Yasuo khẳng định, phía JICA sẽ có đề xuất cho Việt Nam để làm sao phát triển công nghiệp ôtô trong thời gian tới.
Theo Xuân Dũng (Vietnam+)