(Xây dựng) - Ngày 9/11, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hưng Yên giai đoạn đến năm 2025.
UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các nhóm giải pháp đã được đề xuất trong chương trình phát triển đô thị tỉnh. |
Kế hoạch nhằm xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể cho từng đô thị để thực hiện mục tiêu chương trình phát triển đô thị của tỉnh; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương, các sở, ban, ngành; huy động nguồn lực đầu tư các công trình thiết yếu bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn phù hợp với từng loại đô thị; tổ chức thực hiện mục tiêu chương trình đến năm 2025. Cụ thể: Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 48%; toàn tỉnh có 16 đô thị trong đó có 1 đô thị loại II (thành phố Hưng Yên); 1 đô thị loại III (thị xã Mỹ Hào); 2 đô thị loại IV (đô thị Văn Lâm và đô thị Văn Giang); 2 đô thị cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV (đô thị Khoái Châu, đô thị Yên Mỹ) và 10 đô thị loại V.
Để hoàn thành kế hoạch, UBND tỉnh Hưng Yên đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, tập trung nguồn lực triển khai, thực hiện các chương trình, dự án động lực, dự án hạ tầng khung gồm: bố trí nguồn lực, tổ chức lập, đẩy nhanh tiến độ các quy hoạch trọng điểm như: Quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị Văn Giang, thị xã Mỹ Hào, Văn Lâm, Yên Mỹ, Khoái Châu và điều chỉnh quy hoạch trung tâm các huyện Tiên Lữ, Phù Cừ, Ân Thi và Kim Động; các công trình giao thông trọng điểm cấp quốc gia, vùng; các dự án hạ tầng kỹ thuật khung cấp tỉnh trong lĩnh vực giao thông, điện, môi trường; các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp; các dự án phát triển đô thị; các dự án hạ tầng xã hội…
UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các nhóm giải pháp đã được đề xuất trong chương trình phát triển đô thị tỉnh, trong đó tập trung vào các giải pháp chủ yếu như: Bố trí, thu hút nguồn lực tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch đô thị; xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, bảo đảm phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội đô thị đáp ứng các tiêu chí phân loại đô thị theo chương trình, kế hoạch phát triển đô thị; xây dựng cơ chế đặc thù, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đô thị đồng bộ, ưu tiên công trình có tính chất động lực, lan tỏa mạnh trong khu vực.
Khuyến khích xã hội hóa đầu tư các công trình đầu mối về xử lý môi trường, hạ tầng giao thông, dịch vụ, tiện ích đô thị; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở nhằm tăng nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, công khai các thông tin về cơ hội đầu tư, bảo đảm cơ hội công bằng giữa các nhà đầu tư; tạo quỹ đất để thu hút đầu tư các khu nhà ở, nhà ở xã hội; kết nối thuận lợi với các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu bảo đảm cuộc sống của cư dân nhằm thu hút người lao động đến làm việc, ổn định cuộc sống, gắn bó lâu dài với khu vực sản xuất.
Đồng thời, nội dung chương trình phát triển đô thị của từng đô thị phải đánh giá chất lượng hiện trạng đô thị theo các tiêu chuẩn đô thị tương ứng, đề xuất giải pháp hoàn thiện các tiêu chí còn thấp hoặc chưa đạt; xây dựng kế hoạch vốn và các cơ chế đặc thù phù hợp với từng địa phương; phân công nhiệm vụ tổ chức thực hiện chương trình…
Vị Thủy
Theo