(Xây dựng) – UBND thành phố Cần Thơ vừa có Báo cáo số 14/BC-UBND về tình hình phát triển đô thị năm 2024 thành phố Cần Thơ. Theo Báo cáo này, tỷ lệ đô thị hóa tính đến cuối năm 2024 đạt 75,06%.
Một góc đô thị Cần Thơ. |
Thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, bao gồm 05 quận và 05 thị trấn là đô thị loại V. Đô thị lõi của thành phố Cần Thơ: quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy, quận Cái Răng, quận Ô Môn, quận Thốt Nốt; 5 thị trấn là đô thị loại V: Thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh.
Sau khi Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố Cần Thơ đã có chủ trương giao cơ quan chuyên môn và các địa phương tiếp tục tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị và lập hồ sơ Khu vực phát triển đô thị giai đoạn 2025-2030, trình phê duyệt theo quy định.
Công tác quản lý trật tự đô thị luôn được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo điều hành đặc biệt là tại các quận nơi tập trung mật độ dân số đông, các lĩnh vực kinh tế - xã hội phát triển nhanh với các giải pháp như: Thông tin tuyên truyền, vận động, ban hành các quy định quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với các vi phạm về trật tự đô thị theo từng lĩnh vực (đất đai, xây dựng, giao thông, vệ sinh môi trường…). Công tác quản lý đô thị trên địa bàn thành phố Cần Thơ có nhiều chuyển biến tích cực, được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ vì một thành phố phát triển.
Công tác quản lý hạ tầng đô thị tiếp tục triển khai các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đã được phê duyệt, kêu gọi đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2020-2025. Các lĩnh vực cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, quản lý sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật, công tác lập và quản lý chi phí các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật và quản lý nhà, thị trường bất động sản tiếp tục được duy trì, tuân thủ quy định trong quá trình thực hiện.
Năng lực thoát nước, chống ngập đô thị có bước chuyển biến tích cực, tình hình thoát nước mưa, chống ngập năm 2024 đã được cải thiện hơn các năm trước, đặc biệt là trên địa bàn quận Ninh Kiều do hệ thống cống ngăn triều, âu thuyền thuộc Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị đưa vào vận hành từ tháng 6/2024. Đồng thời, việc cải tạo hệ thống thoát nước trên 32 tuyến đường khu vực lõi quận Ninh Kiều vào hoạt động cũng giảm đáng kể tình trạng ngập cục bộ do mưa gây ra trên địa bàn quận Ninh Kiều. Tình hình thu gom và xử lý nước thải khu vực trung tâm quận Ninh Kiều thuộc phạm vi thu gom của Công trình hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Cần Thơ, công suất 30.00 m3/ngày đêm vận hành ổn định, đối với việc đầu tư hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Cái Sâu 1, Cái Sâu 2…
UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 26/2024/QĐ-UBND (ngày 07/11/2024) về việc phân cấp việc tiếp nhận bàn giao quản lý đối với các khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn thành phố Cần Thơ làm cơ sở pháp lý, xác định cụ thể cơ quan tiếp nhận bàn giao quản lý (trong đó có nhận bàn giao hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội) để triển khai áp dụng trên địa bàn thành phố Cần Thơ; tăng cường phân cấp quản lý theo quy định hiện hành, phù hợp với tình hình thực tế của thành phố; chủ đầu tư dự án khu đô thị, khu nhà ở phải lập phương án bàn giao quản lý theo quy định và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trên cơ sở đó, khắc phục những tồn tại hiện nay trong công tác triển khai các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, nhà ở trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
UBND thành phố Cần Thơ kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt hồ sơ Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 làm cơ sở để thành phố tổ chức lập Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065 theo đúng trình tự thủ tục quy định.
Kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành quy định thống nhất về trách nhiệm, thẩm quyền và hướng dẫn cho công tác lập, ban hành quy trình vận hành, khai thác hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật (công trình thoát nước, hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung, nghĩa trang, lò hỏa táng…); ban hành hướng dẫn về tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, dịch vụ công; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm, dịch vụ công, lĩnh vực xây dựng.
Kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo chuyên ngành về lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, quản lý phát triển đô thị theo hướng hội nhập nhằm nâng cao năng lực, ứng dụng khoa học công nghệ trong việc quản lý và vận hành đô thị đạt chất lượng, hiệu quả và phù hợp với quy định hiện hành.
Huỳnh Biển
Theo