Thứ bảy 18/05/2024 10:07 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

HoREA góp ý bổ sung quy định nhằm bịt “lỗ hổng” trong mua NƠXH

15:03 | 04/07/2023

(Xây dựng) - Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản góp ý bổ sung một số quy định về chính sách nhà ở xã hội của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

HoREA góp ý bổ sung quy định nhằm bịt “lỗ hổng” trong mua NƠXH
Ảnh minh họa: Internet.

Tại văn bản này, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đã lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng người giàu tranh suất mua nhà ở xã hội và người giàu là chủ sở hữu căn hộ chung cư nhà ở xã hội.

HoREA cho rằng, do các tiêu chí về điều kiện của các đối tượng hưởng chính sách về nhà ở xã hội tưởng chừng rất chặt chẽ nhưng thực ra là chưa chặt chẽ và chưa sát với thực tế cuộc sống và có thể “lách”.

Cụ thể, nguyên nhân từ tiêu chí “điều kiện về nhà ở” của đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội, theo đó, Điểm a khoản 1 Điều 51 Luật Nhà ở 2014 và điểm a khoản 1 Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đều quy định đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội “phải chưa được hưởng chính sách hỗ trợ dưới mọi hình thức tại nơi ở và nơi làm việc”. Quy định này rất khó kiểm tra trong nhiều năm qua, nhất là đối với người thay đổi nơi làm việc nhiều lần, do chỉ quy định kiểm tra tiêu chí này tại nơi ở và nơi làm việc.

Hiệp hội kỳ vọng trong thời gian tới, sau khi thực hiện hoàn thành Đề án 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” thì mới kiểm tra được điều kiện đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội “phải chưa được hưởng chính sách hỗ trợ dưới mọi hình thức tại nơi ở và nơi làm việc”.

Trong khi đó, điểm a khoản 1 Điều 51 Luật Nhà ở 2014 và điểm a khoản 1 Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đều quy định đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội “phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội” hoặc “có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà tối thiểu”.

Nhưng nếu một người nào đó muốn “lách” thì không khó khi người đó để cho người thân khác đứng tên dùm sở hữu nhà. Như vậy, người đó vẫn chứng minh được mình “chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình” hoặc “có sở hữu nhà ở nhưng ở chật”.

HoREA cho rằng, điểm a khoản 1 Điều 75 quy định điều kiện của đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội “phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, làm việc”, nhưng một người cũng có thể chuyển đổi nơi sinh sống, làm việc nhiều lần, nên cần phải được quy định chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ tiêu chí “điều kiện về thu nhập” của đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội, cụ thể, điểm b khoản 1 Điều 51 Luật Nhà ở 2014 và điểm b khoản 1 Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đều quy định đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội “phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ nhà tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân”.

Quy định này có các “lỗ hổng” và cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng “người giàu tranh suất mua nhà ở xã hội” hoặc có “người giàu ở lẫn” trong các chung cư nhà ở xã hội vừa qua.

Bên cạnh đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho phép miễn thuế thu nhập cá nhân đối với 16 trường hợp, trong đó tại khoản 7 và khoản 8 Điều 4 quy định miễn thuế thu nhập cá nhân đối với các trường hợp “7. Thu nhập từ lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng.(…); 8. Thu nhập từ kiều hối”.

Hiệp hội nhận thấy, đối với khoản thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm của người về hưu, già yếu, mất sức lao động, hoặc số tiền kiều hối có giá trị không lớn để cải thiện cuộc sống thì quy định miễn thuế thu nhập cá nhân là rất chính xác và rất nhân văn, nhưng sẽ không hợp lý khi cho miễn, không đánh thuế TNCN đối với các khoản thu nhập rất lớn từ lãi tiền gửi tiết kiệm hoặc từ kiều hối.

Ngoài điều kiện về thu nhập được quy định tại điểm b Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) mà Hiệp hội đã đề xuất đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội “không thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân hoặc thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân bậc 1 của các bậc chịu thuế”, thì cần bổ sung điều kiện về thu nhập còn bao gồm các khoản thu nhập khác không phải là tiền công, tiền lương.

Do vậy, Hiệp hội nhận thấy, rất cần thiết sửa đổi Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân và khoản 1 Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Theo HoREA, chỉ đến khi thực hiện hoàn thành Đề án 06 thì lúc đó việc xác nhận điều kiện về nhà ở và điều kiện về thu nhập mới chính xác được.

Hiệp hội nhất trí với Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chỉ quy định các điều kiện về nhà ở và điều kiện về thu nhập đối với trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội và nới rộng điều kiện đối với trường hợp thuê nhà ở xã hội để khuyến khích dịch chuyển lực lượng lao động và thu hút nhân tài.

Trên cơ sở đó, HoREA kiến nghị sửa đổi, bổ sung điểm a và điểm b khoản 1 Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở; đồng thời sửa đổi, bổ sung khoản 7 và khoản 8 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định các trường hợp miễn thuế thu nhập cá nhân đối với một số khoản thu nhập từ lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng hoặc thu nhập từ kiều hối.

Mặt khác, HoREA đề nghị Luật Nhà ở chỉ nên quy định 02 loại nhà ở xã hội gồm nhà ở xã hội cho thuê và nhà ở xã hội bán trả góp dài hạn, không quy định loại nhà ở xã hội để bán và nhà ở xã hội cho thuê mua.

Hiệp hội nhận thấy, Luật Nhà ở 2005 chỉ quy định 02 loại nhà ở xã hội gồm nhà ở xã hội cho thuê và nhà ở xã hội thuê mua. Nhưng, kể từ năm 2010 đến nay thì Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, Luật Nhà ở 2014 và Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đều quy định 03 loại nhà ở xã hội gồm nhà ở xã hội cho thuê, nhà ở xã hội cho thuê mua và nhà ở xã hội để bán.

Do đó, HoREA đề nghị các quy định của Chương VI Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chỉ quy định 02 loại nhà ở xã hội gồm nhà ở xã hội cho thuê và nhà ở xã hội bán trả góp dài hạn, mà điển hình là đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 77 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Khôi Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load