Thứ bảy 02/11/2024 20:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Hội thảo cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016

18:36 | 10/06/2023

(Xây dựng) – Sáng 10/6, tại Hà Nội, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi – Luật Báo chí 2016 – Tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016”.

Hội thảo cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của: Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản Tống Văn Thanh; cùng các cơ quan Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương... tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến của gần 80 chuyên gia, các nhà báo, luật sư, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực báo chí và luật học về Luật Báo chí 2016.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đã khẳng định: Sự cần thiết của việc tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016 trên cơ sở đó định hình những quan điểm, tầm nhìn, kế hoạch mới để báo chí Việt Nam phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Luật Báo chí năm 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Sau 6 năm thực hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận, đánh giá tích cực từ các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan báo chí. Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được đảm bảo và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn không ít bất cập do Luật Báo chí 2016 không theo kịp với sự đổi mới về khoa học và công nghệ thông tin, trong thời kỷ nguyên số. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Báo cáo số 57/BC-BTTTT ngày 30/3/2022 Báo cáo Chính phủ về kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí năm 2016 và kiến nghị sửa đổi bổ sung. Theo Báo cáo nêu đã ra 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp luật báo chí. Những vấn đề đó cho thấy việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển; đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề về phát sinh trong thực tiễn.

Hội thảo cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được đánh giá tầm quan trọng của nhiệm vụ này, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, rà soát, đề xuất và kiến nghị những vấn đề, nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016.

Dù góc nhìn từ lăng kính cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương và các cơ quan báo chí hay dưới góc độ khoa học của các nghiên cứu, các giảng viên chuyên gia ngành báo chí và pháp luật đây sẽ là những tiếng nói tâm huyết nhất, với mục tiêu đóng góp vì một nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển theo đúng định hướng của Đại hội XIII của Đảng “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

TS. Phan Văn Kiền - Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội), đơn vị đồng tổ chức Hội thảo cho biết: “Diễn đàn Báo chí tháng Sáu lần thứ hai này đã đề cập đến một chủ đề rất thời sự, nóng bóng hiện nay của báo chí Việt Nam. Luật Báo chí là khung khổ pháp lý quan trọng nhất để báo chí hoạt động trong bối cảnh xã hội và bản thân nền báo chí đang có nhiều biến động, chuyển đổi liên tục, đa chiều như hiện nay”.

Nhà báo Trần Anh Tú - Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Thông tin và Truyền thông nhận định: “Để việc sửa đổi, hoàn thiện Luật Báo chí năm 2016 theo kịp tốc độ phát triển của báo chí hiện đại cần thiết phải có sự tham gia đồng hành tích cực trên cả phương diện lý luận và thực tiễn của đông đảo chuyên gia nghiên cứu, các chuyên gia xây dựng chính sách, các nhà quản lý và đội ngũ những người làm báo, làm luật trên toàn quốc”.

Hội thảo cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016
Toàn cảnh Hội thảo.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã báo cáo, thảo luận tập trung đi sâu vào các vấn đề chính, bao gồm: Đánh giá 6 năm thi hành Luật Báo chí năm 2016 và phân tích thực trạng về công tác quản lý Nhà nước và hoạt động báo chí, những nhóm vấn đề gợi mở cho nhiệm vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong giai đoạn tới; phân tích dự báo, đưa ra những luận cứ khoa học và thực tiễn về xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, những khó khăn thách thức trong việc thực hiện các chiến lược, chủ trương lớn phát triển báo chí Việt Nam (Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030...) và cơ sở khoa học cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí.

Bên cạnh đó, thông qua hội thảo cũng là cơ hội để các chuyên gia trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp, cơ chế, phương thức thực thi Luật Báo chí nhằm nâng cao chất lượng nội dung tác phẩm, hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội và gìn giữ sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp.

Phượng Nguyễn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load