(Xây dựng) – Trong những năm qua, công tác xúc tiến đầu tư do các tỉnh, thành phố thực hiện đã có tác động quan trọng trong việc thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn đầu tư, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy vậy, quá trình triển khai không được như kỳ vọng, nhiều chủ đầu tư được trao giấy phép đầu tư “hoành tráng” nhưng chậm trễ trong triển khai đã và đang là vấn đề bức xúc của một bộ phận người dân cũng như chính quyền địa phương nơi có dự án thực hiện.
Tỉnh Yên Bái triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. |
Ngày 14/1/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư. Theo đó, hoạt động xúc tiến đầu tư bao gồm 8 nội dung, trong đó có nội dung hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu tiềm năng, thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư; triển khai dự án sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Trên cơ sở đó, thời gian qua hoạt động, chương trình xúc tiến đầu tư được các tỉnh xây dựng, bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đảm bảo thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Tại tỉnh Yên Bái, những năm gần đây, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều địa phương trên cả nước đầu tư và phát triển doanh nghiệp có xu hướng giảm. Song, với tiềm năng, lợi thế sẵn có và sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh Yên Bái đã và đang trở thành “thỏi nam châm” hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Qua đó, tỉnh Yên Bái đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 66 dự án với tổng số vốn đăng ký là 4.488 tỷ đồng và 2,08 triệu USD (trong đó, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 5 dự án, vốn đăng ký đầu tư 367 tỷ đồng; lĩnh vực công nghiệp 40 dự án, vốn đăng ký đầu tư 3.610 tỷ đồng; lĩnh vực thương mại, du lịch và các ngành kinh tế khác 21 dự án, vốn đăng ký đầu tư 511 tỷ đồng). Đó là minh chứng rõ nhất cho sự cố gắng thu hút đầu tư của tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Yên Bái.
Ông Tang Yu Yun – Giám đốc Công ty TNHH ngành gỗ Thiên An Việt Nam tại Yên Bái cho biết: Khi đơn vị tới đầu tư tại Yên Bái đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện rất lớn của tỉnh, các sở, ngành. Khi bắt đầu xây dựng nhà máy, tỉnh đã tạo thuận lợi về đường điện, đường nước để công ty đi vào hoạt động. Về mặt bằng, công ty đã xin hỗ trợ trong giai đoạn 1 và nhận được tiền hỗ trợ của tỉnh. Còn giai đoạn 2, công ty bắt đầu triển khai và thực hiện. Hiện nay, đơn vị tạo công ăn việc làm cho 400 công nhân chủ yếu là người địa phương, các sản phẩm được sản xuất chủ yếu được xuất sang thị trường nước ngoài tương đối ổn định.
Tuy vậy, dù luôn sẵn sàng trải “thảm đỏ” cho các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn ở trong và ngoài nước nhưng đối với những dự án chậm tiến độ, quy hoạch “treo” gây lãng phí đất đai, bức xúc trong nhân dân thì tỉnh kiên quyết thu hồi với quan điểm “không thu hút đầu tư bằng mọi giá”, nhất là những nhà đầu tư yếu kém. Nhiều dự án sau khi được tỉnh cấp giấy phép đầu tư đã không triển khai như cam kết, thậm chí, tất cả mọi thứ từ quy mô, tổng mức đầu tư vẫn chỉ nằm trên giấy.
Tiêu biểu trong số này phải kể đến Dự án Nhà máy Sản xuất ván ép Quyết Tâm sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu vào ngày 15/2/2016 với tổng mức đầu tư trên 86 tỷ đồng, khi đi vào hoạt động sẽ sản xuất 36.000m3 ván ép/năm, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Tuy nhiên, sau 13 tháng kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, dự án vẫn “bất động” mặc dù Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh đã nhiều lần gửi văn bản và mời nhà đầu tư đến làm việc để đôn đốc hoàn tất các thủ tục, hồ sơ, triển khai thực hiện. Do vậy, ngày 29/3/2017, Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh đã ra quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư nhà máy sản xuất ván ép Quyết Tâm. Đồng thời, yêu cầu nhà đầu tư có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục thanh lý dự án theo quy định của pháp luật.
Gần đây nhất, ngày 17/8/2020, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cũng đã ra quyết định chấm dứt hoạt động của Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất gạch tuynel có công suất 40 triệu viên/năm do Công ty cổ phần create Capital Việt Nam làm chủ đầu tư. Được kỳ vọng sẽ tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng và cung cấp nguyên liệu cho các hoạt động xây dựng cơ bản trên địa bàn. Tuy nhiên, sau 32 tháng kể từ ngày được cấp quyết định chủ trương đầu tư lần đầu và sau 12 tháng khi được điều chỉnh dự án lần thứ nhất, công ty không triển khai thực hiện dự án, mọi cam kết của nhà đầu tư vẫn chỉ nằm trên giấy, gây lãng phí tài nguyên đất và bức xúc trong nhân dân.
Cùng với những dự án nằm trên giấy tại các khu công nghiệp, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng còn một số dự án chiếm đất tồn tại nhiều năm và đến nay vẫn chỉ là những khối nhà dang dở, thậm chí là những bãi đất trống, gây bức xúc trong dư luận.
Từ những tồn tại trên, với những dự án đầu tư gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện như: Chậm tiến độ liên quan đến công tác thực hiện các thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng hay khả năng huy động vốn của nhà đầu tư… UBND tỉnh Yên Bái ra quyết định thành lập Tổ công tác để phối hợp với nhà đầu tư nhằm tìm ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn để tiếp tục triển khai thực hiện dự án, có thể điều chỉnh quyết định chủ trương nếu cần thiết. Điển hình như Dự án Sân golf Ngôi Sao Yên Bái bị chậm tiến độ do năng lực tài chính của nhà đầu tư không đáp ứng như cam kết cũng như một số vướng mắc về thủ tục tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng… Trước tình hình đó, UBND tỉnh cùng các sở, ngành đã hỗ trợ nhà đầu tư từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đến nay, dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị đưa toàn bộ dự án vào khai thác, sử dụng. Ngoài ra, đối với những dự án chậm tiến độ do chủ quan của nhà đầu tư, trên cơ sở mức độ vi phạm, tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn điều tra mức độ vi phạm và có chế tài xử lý đúng theo quy định của pháp luật (có thể tạm dừng dự án đầu tư, thu hồi dự án đầu tư hoặc truy cứu trách nhiệm theo từng mức độ vi phạm).
Yên Bái hướng tới phát triển xanh, hài hoà, bản sắc và hạnh phúc. |
Với cơ chế thông thoáng, hiện Yên Bái đã và đang thu hút một số nhà đầu tư triển khai các dự án lớn như: Dự án đầu tư công viên văn hóa, thể thao du lịch và phụ trợ Hồ Thác Bà của Công ty Cổ phần đầu tư công viên văn hóa, thể thao, du lịch phụ trợ Hồ Thác Bà với tổng vốn đầu tư là 4.980 tỷ đồng; Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế Vân Hội của Công ty cổ phần phát triển du lịch và nghỉ dưỡng quốc tế Vân Hội (thuộc Tập đoàn TH) tổng vốn đầu tư 2.700 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến đá vôi trắng Vũ Gia của Công ty cổ phần khai thác và chế biến khoáng sản Vũ Gia Yên Bái, tổng vốn đầu tư 2.242 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái cũng đã xác định mục tiêu phấn đấu trở thành một tỉnh khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển của vùng vào năm 2030, việc thu hút đầu tư đã và đang là mối quan tâm hàng đầu của tỉnh. Để đạt được điều đó, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách thể chế, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, thu hút các nguồn lực thuộc mọi thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển. Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư để phát triển với các lĩnh vực trọng tâm, chủ lực của tỉnh, những ngành có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, các dự án áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, tạo ra sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng cao và đóng góp lớn cho xuất khẩu, thu ngân sách Nhà nước.
Ông Trần Thanh Chương - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái cho rằng: Trong những năm qua, mặc dù nguồn lực của tỉnh còn hạn hẹp, thu ngân sách ở mức thấp nhưng tỉnh đã cân đối, bố trí nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, tỉnh đã triển khai thực hiện đầy đủ, đồng bộ các cơ chế, chính sách của Trung ương nhằm khuyến khích đầu tư vào tỉnh. Riêng năm 2020, tỉnh ban hành một số chính sách và những cải cách trong thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư. Bên cạnh đó, để đảm bảo phát triển xanh, bền vững phải thu hút được các nhà đầu tư sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường nhất là trong các dự án khai thác và chế biến khoáng sản, tỉnh sẽ chọn lọc các nhà đầu tư khi tới Yên Bái.
Liên quan đến vấn đề này, Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục làm việc tại tỉnh Hòa Bình, Phú Yên và thông tin đến bạn đọc trong các bài viết tiếp theo.
Thái Hà – Khánh Hòa
Theo