Thứ bảy 23/11/2024 22:50 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Hoàn thiện hành lang pháp lý đối với ngành Cấp thoát nước

10:22 | 12/11/2022

(Xây dựng) - Đây là vấn đề được đề cập tại Hội thảo “Chính sách ngành Nước – Phát triển bền vững” do Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Nước Việt Nam 2022, ngày 10/11. Các đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, Hội Cấp thoát nước Việt Nam và doanh nghiệp cùng thống nhất: Cấp thoát nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất bảo đảm an ninh, an toàn là một dịch vụ thiết yếu trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên công tác cấp, thoát nước còn nhiều bất cập, cần sớm được khắc phục. Và một trong những giải pháp quan trọng nhằm phát triển ngành Nước bền vững là khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý.

hoan thien hanh lang phap ly doi voi nganh cap thoat nuoc
Tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch hiện đạt 92%.

Ngành Nước đứng trước nhiều thách thức

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, đến quý I/2022, cả nước có 750 nhà máy nước sạch đô thị và nông thôn phụ cận đang hoạt động, với tổng công suất các nhà máy nước 11,2 triệu m3/ngày đêm. Tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch 92%. Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch 17,5%.

Về thoát nước, cả nước có khoảng 71 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung đã đi vào vận hành, với tổng công suất thiết kế khoảng 1,38 triệu m3/ngày. Tỷ lệ thu gom xử lý nước thải sinh hoạt đô thị mới chỉ đạt khoảng 15%.

Hệ thống thoát nước tại các đô thị chủ yếu là hệ thống thoát nước chung (nước mưa và nước thải), được xây dựng qua nhiều thời kỳ, chưa đồng bộ. Khu vực nông thôn thoát nước chủ yếu là tự thấm, chưa có hệ thu gom và xử lý nước thải.

TS Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết: Ngành Nước đang đứng trước nhiều thách thức. Đối với cấp nước, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán, ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước… đang diễn biến ngày càng phức tạp, không chỉ khu vực đồng bằng, ven biển mà còn ở cả các khu vực Trung du miền núi.

Đối với thoát nước, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và do quản lý thực hiện quy hoạch đô thị, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thoát nước không đồng bộ…, tình trạng ngập úng đô thị xảy ra hầu khắp các đô thị, với tần suất ngày càng gia tăng, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà nẵng, Cần Thơ... Thậm chí các đô thị ven biển, cửa sông, các đô thị Trung du miền núi cũng xảy ra ngập úng.

Dự báo, đến năm 2030, nhu cầu cấp nước khoảng 15 - 16 triệu m3/ngày đêm; Tỷ lệ cấp nước đạt 98 - 100%. Thoát nước và xử lý nước thải phải giải quyết được các vấn đề ngập úng đô thị, thích ứng BĐKH; Thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt khoảng 30 - 40% tương đương 4,9 - 5triệu m3/ngày…

hoan thien hanh lang phap ly doi voi nganh cap thoat nuoc
Cả nước có khoảng 71 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung đã đi vào vận hành.

Hành lang pháp lý thiếu và lạc hậu

Đề cập đến các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực cấp, thoát nước, TS Trần Anh Tuấn cho rằng: Đến nay, ngành Nước vẫn thiếu hành lang pháp lý ở cấp Luật chuyên ngành và hiện được điều tiết bởi nhiều luật.

Đơn cử, vấn đề khai thác nguồn nước, xả thải nước vào các nguồn nước đều được điều tiết chung bởi Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi, Luật Bảo vệ Môi trường, nhưng lại không có quy định riêng đối với nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.

Công tác đầu tư xây dựng các công trình cấp thoát, chất lượng nước được điều tiết bởi Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Doanh nghiệp…

Công tác sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch được điều tiết bởi Nghị định 124/2011/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 117/2007/NĐ-CP) với căn cứ các luật đã hết hiệu lực và không còn phù hợp với yêu cầu, thực tế phát triển của ngành Cấp nước.

Thoát nước đô thị được điều tiết bởi Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải nhưng cũng chưa rõ các nội dung về thoát nước mưa; thoát nước và xử lý nước thải; các vấn đề đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành hệ thống thoát nước…

Vấn đề chất lượng nước sạch được quản lý theo Thông tư số 41/2018/TT-BYT và Thông tư số 26/2021/TT- BYT của Bộ Y tế, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCKTQG) và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Song các công trình cấp nước nông thôn còn hạn chế khi áp dụng QCKTQG này.

Giá nước sạch phục vụ sinh hoạt áp dụng Thông tư số 44/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính nhưng thông tư này chưa có quy định về giá nước đối với hệ thống cấp nước liên tỉnh, thành phố; giá nước thô cho khu vực không có khă năng lấy từ nguồn nước tại địa phương, phải đầu tư dẫn từ các địa phương khác dẫn về…

Giá dịch vụ nước thải thực hiện theo Thông tư số 13/2018/BXD của Bộ Xây dựng về hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ thoát nước. Tuy nhiên, khi áp dụng vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là khi giá dịch vụ nước thải vẫn từ nguồn ngân sách (thu phí bảo vệ môi trường 10% giá bán nước sạch)…

Ông Lương Ngọc Khánh - Trưởng phòng Quản lý Thoát nước và Xử lý nước thải thuộc Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) đồng tình với quan điểm của Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước.

Theo ông Khánh, các Luật hiện hành chưa quy định các nội dung về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch. Đầu tư phát triển thoát nước và xử lý nước thải chưa đáp ứng được yêu cầu và tốc độ đô thị hóa. Thiếu quy định quản lý hoạt động cấp và thoát nước trong các luật hiện hành…

hoan thien hanh lang phap ly doi voi nganh cap thoat nuoc
hoan thien hanh lang phap ly doi voi nganh cap thoat nuoc
Công nghệ ngành Nước ngày càng phát triển hiện đại.

Đề xuất xây dựng và sớm ban hành Luật Cấp thoát nước

Trước thực trạng trên, TS Trần Anh Tuấn cho rằng: Cần thiết xây dựng và sớm ban hành Luật Cấp thoát nước nhằm thống nhất quy định các vấn đề về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải.

Đồng thời, cần rà soát điều chỉnh, ban hành mới các văn bản dưới luật. “Hoàn thiện hành lang pháp lý đối với ngành Cấp Thoát nước là điều kiện tiên quyết để ngành Nước phát triển bền vững” – TS Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Hướng tới phát triển bền vững ngành Nước, PGS.TS Mai Thị Liên Hương – Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật cho biết: Thời gian tới, các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về cấp, thoát nước; Ban hành cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống cấp thoát nước, bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, cơ quan, hội nghề nghiệp liên quan nghiên cứu xây dựng Luật Cấp thoát nước, trình Quốc hội thông qua trước năm 2025.

Đề cập đến các định hướng trong dự thảo Luật cấp, thoát nước đang được Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, ông Lương Ngọc Khánh cho biết: Về cấp nước, dự thảo Luật đề cập đến các nội dung như đầu tư phát triển cấp nước theo quy hoạch, định hướng, chương trình nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, đầu tư phát triển cấp nước có tầm nhìn dài hạn; Quản lý rủi ro trong hoạt động cấp nước; Đổi mới quản lý dịch vụ cấp nước bảo đảm hài hòa lợi ích an sinh xã hội và sản xuất kinh doanh hiệu quả; Bảo đảm tài chính trong hoạt động cấp nước; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cấp nước…

Về thoát nước và xử lý nước thải, dự thảo Luật đề cập các nội dung: Đầu tư, xây dựng phát triển hệ thống thoát nước đồng bộ, theo quy hoạch: Quản lý, vận hành hệ thống thoát nước mưa, nước thải và xử lý nước thải; Mô hình tổ chức quản lý công trình thoát nước, quản lý tài sản, quản trị hệ thống thoát nước; Xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa; Quản lý cao độ nền và chống ngập theo lưu vực, đô thị, khu dân cư; Kế hoạch thoát nước an toàn, tái sử dụng nước mưa, tái sử dụng nước thải; Quản lý dịch vụ thoát nước; Bảo đảm tài chính trong hoạt động thoát nước và xử lý nước thải; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thoát nước và xử lý nước thải…

Cũng tại Hội thảo, đại diện Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề cập đến Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1978/QĐ-TTg, ngày 24/11/2021) và giải pháp thực hiện.

Đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì cho biết: Dự thảo Luật Tài nguyên Môi trường sửa đổi đã được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và đang được lấy kiến của các bộ ngành, địa phương.

Dự thảo Luật tập trung vào 4 nhóm chính sách, gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hóa ngành Nước; Kinh tế tài nguyên nước; Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra…

Dự thảo Luật xác định tài nguyên nước là trọng tâm, nghiên cứu điều chỉnh các quy định trong các luật khác để bảo đảm thống nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, quản lý hiệu quả đúng giá trị nguồn tài nguyên trên cơ sở phân cấp, phân quyền, bằng những công cụ tài chính tiên tiến để tài nguyên nước là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội…

hoan thien hanh lang phap ly doi voi nganh cap thoat nuoc
Tại Tuần lễ Nước Việt Nam 2022, các chủ thể đang hoạt động trong lĩnh vực cấp, thoát nước kỳ vọng hành lang pháp lý ngành Nước sớm được hoàn thiện.

Đại diện nhà đầu tư cấp nước từ khu vực tư nhân, ông Phạm Mạnh Hùng của Aqua One kiến nghị: Nhà nước cần sớm ban hành Luật quản lý cấp nước để tạo hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng, nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ cấp nước an toàn, bền vững, cũng như thuận lợi cho các cơ quan thẩm quyền thực hiện quản lý, giám sát hiệu quả quá trình đầu tư.

Đặc biệt, cần thống nhất, bổ sung và hoàn thiện các quy định về thu hút đầu tư theo hình thức PPP đảm bảo minh bạch rõ ràng đối với lĩnh vực cấp thoát nước để thu hút đầu tư; Sửa đổi một số nội dung trong Nghị định 117/2007/NĐ-CP phù hợp với tình hình phát triển cấp nước hiện nay và chính sách thu hút xã hội hóa trong lĩnh vực cấp nước…

Minh Hằng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load