Sở hữu quỹ đất lớn lên đến 17.000 ha, Hòa Lạc được đặt mục tiêu trở thành đô thị vệ tinh lớn nhất trong 5 đô thị được quy hoạch xung quanh trung tâm thủ đô, cùng với Xuân Mai, Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn.
Nút giao đại lộ Thăng Long - quốc lộ 21, cửa ngõ lưu thông giữa trung tâm Hà Nội và các huyện ngoại thành. Xung quanh đây là khu công nghệ cao với Tổ hợp Đại học Quốc gia, trụ sở và nhà xưởng của các tập đoàn công nghệ... Trước đó, Hà Nội đã có quy hoạch mở rộng quốc lộ 21 tổng chiều dài 29,3 km, tốc độ thiết kế 80 km/h và bố trí các tuyến xe buýt đi lại giữa trung tâm thủ đô và Hòa Lạc.
UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND thông qua chủ trương định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô đến năm 2045, trong đó nêu hướng phát triển 5 thành phố mới của Hà Nội ở phía Tây trong đó có đô thị Hòa Lạc và đô thị Xuân Mai.
Sở hữu quỹ đất lớn lên đến 17.000 ha, Hòa Lạc được đặt mục tiêu trở thành đô thị vệ tinh lớn nhất trong 5 đô thị được quy hoạch xung quanh trung tâm thủ đô, cùng với Xuân Mai, Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn.
Hà Nội cũng định hướng đô thị Hòa Lạc là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao.
Đây là thành phố của những trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, trung tâm thí nghiệm, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Hà Nội sẽ có những chính sách ưu tiên để thu hút nhân lực chất lượng cao và doanh nghiệp đến làm việc, sinh sống.
Trong ảnh là khuôn viên Đại học FPT - đại học tư thục đầu tiên thu hút đông đảo sinh viên mỗi năm. Sự có mặt của các cơ sở đào tạo lớn, đảm bảo đầu ra việc làm giúp cho các hoạt động hướng nghiệp khu vực này trở nên nhộn nhịp.
Ngay gần Đại học FPT, Đại học Quốc gia Hà Nội là khu đất dự án Trường Đại học Khoa học và Công nghệ, đang trong quá trình thi công.
Đáng chú ý, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc có sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam với các cơ sở đào tạo, sản xuất, nghiên cứu và triển khai như: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel với 5 dự án, vốn đầu tư đăng ký 3.700 tỷ đồng; Tập đoàn Vingroup với 3 dự án, vốn đầu tư đăng ký 9.020 tỷ đồng; Tập đoàn FPT với 4 dự án, vốn đầu tư đăng ký 5.430 tỷ đồng; Tập đoàn VNPT có 2 dự án, vốn đầu tư đăng ký 3.765 tỷ đồng… Ngoài ra có dự án hợp tác với nước ngoài như Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST) với 35 triệu USD vốn vay không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc… Đây chính là những viên gạch đầu tiên của “Đô thị tri thức - Thành phố khoa học”.
Ngoài các công trình được hoàn thiện nơi đây cũng có những công trình bị bỏ không, vắng bóng công nhân. Xung quanh, diện tích chưa xây dựng vẫn chiếm phần lớn, cỏ dại mọc um tùm, trở thành nơi chăn thả động vật của nhiều hộ dân xung quanh.
Hà Nội cho biết, việc đầu tư tuyến đại lộ Thăng Long đoạn nối từ quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình nhằm phát triển mở rộng Hà Nội về phía tây và tây nam, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm thủ đô với khu vực phía tây và kết nối tuyến đường Hồ Chí Minh.
Việc xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông, hạ tầng cơ sở được kỳ vọng giúp Hòa Lạc đáp ứng các tiêu chí phát triển đô thị thông minh.
Cách nút giao Hòa Lạc khoảng 10km là thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ), nơi sẽ trở thành khu đô thị vệ tinh, có tính chất là đô thị giáo dục và đào tạo, dịch vụ chất lượng cao, kết nối với đô thị Hòa Lạc và khu vực để hình thành định hướng phát triển TP Hà Nội, phía Tây thủ đô.
Khu đô thị vệ tinh Xuân Mai được quy hoạch ba phân khu tỷ lệ 1/2.000. Theo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, phân khu đô thị Xuân Mai (khu 1) có quy mô diện tích nghiên cứu gần 890 ha, dân số đến năm 2030 khoảng 74.300 người, số dân đô thị hơn 58.000 người.
Khu vực này được hình thành trên cơ sở thị trấn Xuân Mai hiện hữu gồm các khu chức năng đô thị như đất ở, đất công trình công cộng, trường học, cây xanh, đất trung tâm nghiên cứu đào tạo (trường đại học, cao đẳng hiện có), đất an ninh quốc phòng. Định hướng quy hoạch sẽ nâng cấp cải tạo và mở rộng trung tâm thị trấn, xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật bảo đảm nhu cầu phục vụ đô thị.
Bản đồ khu vực Đô thị vệ tinh Hòa Lạc. Ảnh: Quyhoach.hanoi.vn
Đơn vị hành chính muốn trở thành thành phố thuộc cấp tỉnh phải có quy mô dân số 150.000 người trở lên; diện tích tự nhiện 150 km2 trở lên; có 10 xã trực thuộc trở lên; đã được công nhận đô thị loại 1, 2 hoặc 3; đạt quy định về cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Các huyện được đề xuất lên thành phố ở Hà Nội hiện cơ bản đáp ứng tiêu chí về diện tích, dân số và số đơn vị hành chính trực thuộc. Hà Nội hiện có 12 quận, một thị xã và 17 huyện (đạt 43% đơn vị hành chính đô thị). Dự kiến đến năm 2030, Hà Nội sẽ có thêm 8 quận Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh. |
Theo Thạch Thảo/Vietnamnet.vn
Link gốc: https://vietnamnet.vn/hoa-lac-do-thi-ve-tinh-lon-nhat-trong-5-thanh-pho-moi-cua-ha-noi-2165316.html