(Xây dựng) - Sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long “về đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng các khu dân cư, khu đô thị hình thành trước năm 2005 trên địa bàn thành phố”, đã có hàng nghìn hộ dân thành phố Hạ Long đồng thuận hiến hàng chục nghìn m2 đất để mở rộng các tuyến đường, góp phần tạo nên diện mạo mới khang trang hiện đại cho thành phố.
Tuyến đường liên tổ 48, 50, 52, khu phố 5 (phường Hà Trung, thành phố Hạ Long) dài hơn 500m, rộng 7,5m được hoàn thành từ phong trào hiến đất làm đường của người dân. (Ảnh: Nguyễn Hoa) |
Ngày 31/12/2020, Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU về đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng các khu dân cư, khu đô thị hình thành trước năm 2005 trên địa bàn thành phố. Với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó nhân dân hiến quyền sử dụng đất, Nhà nước bỏ vốn đầu tư xây dựng công trình, thành phố Hạ Long đã nhận được sự đồng lòng ủng hộ, chung sức thực hiện của đông đảo người dân.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Thành phố Hạ Long có số lượng khu dân cư, khu đô thị nhiều nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong đó nhiều khu dân cư, khu đô thị cũ được hình thành từ năm 2005 trở về trước đã bị xuống cấp: Nhiều tuyến đường bê tông bị hư hỏng cục bộ, một số tuyến đường nhỏ hẹp, chiều sâu các cống thoát nước không lớn, chưa có hệ thống nước thải riêng, dẫn đến hiện tượng ngập úng cục bộ vào mùa mưa.
Trước thực tiễn này, Nghị quyết số 21-NQ/TU đã ra đời, thể hiện quyết tâm lớn của chính quyền thành phố trong việc nâng cao chất lượng sống cho người dân, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa đô thị, góp phần xây dựng thành phố Hạ Long ngày càng hiện đại, phấn đấu trở thành đô thị thông minh, thành phố đáng sống. Theo đó, thành phố Hạ Long quyết định ưu tiên dành một phần nguồn lực (tối thiểu 5%) tổng chi đầu tư phát triển từ ngân sách để cải tạo, nâng cấp hạ tầng các khu dân cư hình thành trước năm 2005.
Ngay sau khi nghị quyết được ban hành, Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện nghị quyết và phân công nhiệm vụ các thành viên. Đồng thời, thành phố ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện nghị quyết và ưu tiên dành nguồn lực để triển khai. Tại 21 phường đã thành lập các Ban Chỉ đạo Nghị quyết 21 từ phường đến khu phố; thực hiện quán triệt nghị quyết đến lãnh đạo, cấp ủy, cán bộ, Đảng viên, người dân ở các khu phố tham gia tạo hiệu ứng, sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội.
Thực hiện Nghị quyết 21, đầu năm 2021, UBND thành phố Hạ Long đã tổ chức họp bàn với các phòng, ban và 13 phường để ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết. Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2022, thành phố Hạ Long thực hiện đầu tư nâng cấp hạ tầng đô thị khu dân cư trên địa bàn các phường: Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Bãi Cháy, Yết Kiêu, Hồng Hà, Hồng Hải, Cao Xanh; giai đoạn 2022-2023, tiếp tục thực hiện đầu tư tại các phường: Cao Thắng, Hồng Gai, Giếng Đáy, Hà Khẩu, Hà Tu. Đến hết năm 2023, cơ bản hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo các tuyến chính và đến năm 2025 sẽ hoàn thành cải tạo, nâng cấp các tuyến ngõ.
Từ giữa năm 2021, sau khi hoàn thành cải tạo mở rộng đường và xây dựng lại hệ thống cống thoát nước, tuyến đường ngõ xóm tại tổ 5 khu 9 phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long đã sạch sẽ, phong quang, người dân sinh sống trong khu không còn phải chịu cảnh ngập úng mỗi khi trời mưa to như trước đây. (Ảnh: CTTĐT thành phố Hạ Long) |
Mục tiêu đặt ra của Kế hoạch đối với những khu đô thị do Nhà nước, nhà đầu tư hình thành trước năm 2005 là: Mặt đường sẽ được đầu tư nâng cấp, cải tạo; vỉa hè được lát đá xẻ tự nhiên hoặc đá granite; cây xanh, điện chiếu sáng được đầu tư, nâng cấp đồng bộ; chỉnh trang đường điện, nước, viễn thông và hạ ngầm những nơi có đủ điều kiện; đầu tư hệ thống thoát nước thải và thoát nước mặt riêng để khắc phục hoàn toàn tình trạng ngập úng trong khu đô thị.
Đối với những khu dân cư hiện hữu phù hợp với quy hoạch nhưng hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được thực tiễn yêu cầu cuộc sống hiện nay, cũng như chưa đạt tiêu chuẩn đô thị loại I, thành phố sẽ thực hiện bê tông hóa hoặc thảm bê tông nhựa mặt đường; 100% khu phố có điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước mặt, kè chắn được đầu tư, đảm bảo không còn ngập úng, sạt lở cục bộ; đầu tư hệ thống cây xanh, vỉa hè mới.
Với chủ trương tối ưu hiệu quả đầu tư và việc đầu tư đạt theo đúng lộ trình đặt ra, thành phố Hạ Long ưu tiên đầu tư tại những khu dân cư, khu đô thị có tỷ lệ lấp đầy lớn, có chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng và đặc biệt là có sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh nguồn lực được bố trí từ ngân sách thành phố, thành phố huy động thêm các nguồn lực xã hội hóa để triển khai thực hiện Nghị quyết. Trong đó: xã hội hóa 100% công tác giải phóng mặt bằng và cây xanh trồng theo quy hoạch; các hạng mục đầu tư thuộc ngành điện, nước, viễn thông và các ngành khác có liên quan do các doanh nghiệp này bố trí 100% kinh phí.
Đối với việc đầu tư các hạng mục khác như: Giao thông, vỉa hè, điện chiếu sáng, thoát nước, kè, hạ tầng khác, thành phố lấy ý kiến, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, phát huy dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và thực hiện theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm trên nguyên tắc: Nhân dân tại các khu dân cư, đô thị họp thống nhất đóng góp bằng tiền, ngày công lao động trước khi khởi công công trình, mức đóng góp phù hợp với tính chất, quy mô công trình và điều kiện thực tế của mỗi hộ gia đình. Việc huy động người dân cùng thống nhất cách thức triển khai, tham gia đầu tư đảm bảo tính hiệu quả, chất lượng của công trình và gắn trách nhiệm của người dân với các khu dân cư, khu đô thị, làm tăng ý thức của người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ các công trình.
Gia đình ông Phạm Văn Khởi (phường Hùng Thắng) là một điển hình về hiến đất làm đường, với diện tích đất hiến là 500m2, ước tính giá trị trên 10 tỷ đồng. (Ảnh: Hoàng Nga) |
Với sự quan tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, kết quả sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 21, đến nay đã có 3.450 hộ dân thành phố Hạ Long tự nguyện hiến trên 41.500m2 đất với tổng trị giá đất và công trình tương đương trên 280 tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng đô thị khu dân cư, góp phần quan trọng làm đổi thay mạnh mẽ diện mạo và chất lượng đô thị thành phố Hạ Long ngày càng đẹp đẽ, hiện đại, đồng bộ và văn minh.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hạ Long, trong 4 năm triển khai Nghị quyết 21, toàn thành phố có 249 dự án được chấp thuận đầu tư với tổng mức đầu tư trên 1.330 tỷ đồng. Chủ yếu là cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật giao thông, cải tạo, xây mới nhà văn hóa, xây mới khu vui chơi… Trong đó có 140 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố; 63 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách phường và huy động xã hội hóa; 46 dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư. Hiện đã có 153 dự án được hoàn thành, đưa vào sử dụng, 50 dự án đang trong quá trình thi công, hoàn thiện.
Các công trình hoàn thành đều được đầu tư đồng bộ, giải quyết triệt để tình trạng ngập úng tại nhiều khu vực, đảm bảo an toàn giao thông và nâng cao chất lượng đời sống người dân. Hàng loạt những tuyến đường trước đây bị xuống cấp, rộng chỉ hơn 2m, không có hệ thống thoát nước, gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị tại các khu dân cư đã và đang được nâng cấp, xây mới, mở rộng. Với những con đường to rộng, khang trang, sạch đẹp, nhiều khu dân cư thành phố Hạ Long đã thay đổi hẳn diện mạo, hạ tầng đô thị thành phố Hạ Long được đồng bộ ngày càng trở nên văn minh, hiện đại.
Để có được những thành quả đó, cùng với chủ trương của thành phố về đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng các khu dân cư, khu đô thị, còn là sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, Đảng viên và người dân thành phố trong việc hiến đất làm đường, tháo dỡ các công trình phụ trợ để thành phố thực hiện các dự án. Đây chính là yếu tố đặc biệt quan trọng để thành phố Hạ Long thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TU.
Các hộ dân tại tổ 15 khu 9 phường Hồng Hà tự nguyện tháo dỡ các công trình và hiến đất để thực hiện dự án cải tạo tuyến cống thoát nước. (Ảnh: CTTĐT thành phố Hạ Long) |
Phong trào hiến đất làm đường và các công trình phúc lợi đã lan tỏa rộng khắp, trở thành ý thức tự giác của nhiều gia đình, nhiều người dân thành phố Hạ Long. Từ đây, xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong phong trào hiến đất làm đường, thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố. Nhiều hộ dân sẵn sàng hiến cả chục, thậm chí cả trăm m2 để mở rộng đường trong khu dân cư. Có thể kể tới những điển hình như: gia đình bà Lê Thị Tâm ở khu 5, phường Hà Trung hiến gần 100m2 đất ở, đất trồng cây lâu năm; gia đình ông Phạm Văn Khởi ở tổ 11, khu 4A, phường Hùng Thắng chủ động chặt bỏ hàng trăm cây ăn quả, cây lấy gỗ vài chục năm tuổi, phá dỡ căn nhà cấp 4 gia đình đang ở, hiến 500m2 đất (ước tính giá trị hơn 10 tỷ đồng) để có mặt bằng làm đường. Không những hiến hàng trăm mét vuông đất, ông Khởi còn cùng chính quyền địa phương đi vận động những hộ dân khác trong khu phố đồng thuận hiến đất làm đường. Với sự đồng thuận của 195 hộ gia đình đã hiến đất, phá dỡ cây và công trình, giải phóng mặt bằng hơn 4.000m2, khu dân cư 4A đã có tuyến đường dân sinh dài 1,4km, rộng 7,5m, trải bê tông phẳng lì, sạch đẹp, phương tiện đi lại thoải mái, bộ mặt khu phố thay đổi hoàn toàn.
Tại khu 5, phường Hà Trung, 83 hộ dân đồng thuận hiến trên 1.100m2 đất để mở rộng, cải tạo tuyến đường liên tổ 48, 50 và 52, có chiều dài hơn 500m. Từ mặt đường bê tông chỉ rộng hơn 3m, sau đầu tư nâng cấp mặt đường rộng 7,5m thảm nhựa, có hệ thống thoát nước, hệ thống điện chiếu sáng khang trang, sạch sẽ, được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2022. Hay như tuyến đường phố Năm Cống liên phường Yết Kiêu - Trần Hưng Đạo trước đây chỉ rộng khoảng 3m, hai bên là mặt cống mấp mô, người dân đi lại rất khó khăn, thường xuyên xảy ra ùn tắc. Để cải tạo mở rộng đường, từ tháng 12/2022, 84 hộ dân hai bên tuyến đường đã tự nguyện tháo dỡ công trình, hiến trên 500m² đất để mở rộng đường thành 6m, xây dựng vỉa hè dành cho người đi bộ.
Còn tại phường Hồng Hải, trong triển khai thực hiện Nghị quyết 21, có công trình nhân dân đóng góp kinh phí đến 100%, rất nhiều công trình xã hội hóa tỷ lệ đóng góp của nhân dân trên 50%.
Đến nay, sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long, đã có hàng loạt tuyến đường, hạ tầng đô thị các khu dân cư trên địa bàn thành phố Hạ Long được đầu tư mở rộng, nâng cấp, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị thành phố Hạ Long ngày càng khang trang, sạch đẹp, hiện đại. Kết quả đáng tự hào này là minh chứng cho thấy Nghị quyết số 21 của Thành ủy Hạ Long thực sự đi vào cuộc sống của người dân, khi lấy người dân làm chủ thể thực hiện và thụ hưởng thành quả, đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ lớn trong nhân dân, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Từ đó huy động sức dân cùng chính quyền thực hiện hiệu quả nghị quyết mang tầm chiến lược này.
Hoàng My
Theo