(Xây dựng) - Nằm bên dòng sông Đồng Nai, xã Bạch Đằng, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, đã vươn mình trở thành một trong những địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Với mô hình “Làng thông minh” độc đáo, Bạch Đằng không chỉ thay đổi diện mạo mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, trở thành biểu tượng xanh giữa lòng vùng đất công nghiệp.
Về Bình Dương ngắm diện mạo mới từ “Làng thông minh” Bạch Đằng. |
Từ nông thôn truyền thống đến “Làng thông minh” hiện đại
Tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và có “Làng thông minh” đầu tiên, phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái. Năm 2020, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện thí điểm xây dựng “Làng thông minh” trên địa bàn xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên (nay là thành phố Tân Uyên), giai đoạn 2020-2025.
Đề án “Làng thông minh” được thành phố Tân Uyên xây dựng và lựa chọn triển khai tại xã Bạch Đằng. Từ năm 2022, đến nay, mô hình bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Theo đó, mục tiêu “Làng thông minh” không chỉ là áp dụng công nghệ, các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, mà ở đó chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn được chú trọng cải thiện, tạo sự cân bằng xã hội và phồn thịnh lâu dài.
Qua hơn 2 năm triển khai, Bạch Đằng trải qua nhiều sự thay đổi tích cực từ đời sống người dân đến cơ sở hạ tầng, mang lại diện mạo mới rõ rệt của xã nông thôn mới. Xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao và 05/05 nhóm tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.
Về hạ tầng, hệ thống giao thông trên địa bàn xã được đầu tư đồng bộ, đặt biệt là tỉnh đầu tư xây dựng đường dẫn cầu Bạch Đằng 2 kết nối giao thông với huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai đó là điểm nhấn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã trong thời gian tới. Hệ thống đèn LED năng lượng mặt trời được đầu tư lắp đặt 03/37 tuyến đường, dự kiến đến năm 2025 được đầu tư lắp đặt 80% tuyến đường trên địa bàn xã được trang bị hệ thống đèn LED.
Cùng với đó, năm 2023, xã đã được đầu tư lắp đặt camera an ninh, điểm wifi công cộng trên địa bàn xã phục vụ xã nông thôn mới kiểu mẫu gắn với xây dựng thí điểm Làng thông minh. Thời điểm hiện tại đã lắp đặt 05 điểm wifi công cộng, xã tiếp tục đề nghị UBND thành phố đầu tư lắp đặt 38 điểm với 52 mắt camera và 18 điểm wifi trên địa bàn.
Công tác truyền thông về xây dựng “Làng thông minh”, thông qua các cuộc họp ở xã, ấp, sinh hoạt các tổ chức hội, các buổi tiếp xúc cử tri, lồng ghép tuyên truyền trong các hội thi, hội thao, hội diễn văn nghệ quần chúng và tuyên truyền rộng rãi trên đài truyền thanh xã, từ đó góp phần đưa chủ trương xây dựng “Làng thông minh” tiếp cận sâu rộng đến toàn thể nhân dân, giúp người dân thấy rõ “Làng thông minh” xã Bạch Đằng trong tương lai là nơi đáng sống, thân thiện với môi trường, là nơi phát triển nông nghiệp thông minh, phát triển du lịch sinh thái, trở thành biểu tượng xanh của tỉnh Bình Dương. Trong sản xuất, hướng dẫn, vận động hỗ trợ người dân tham gia thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang, mạng xã hội chính thống của UBND xã để người dân hiểu và nắm rõ ý nghĩa cũng như nội dung và mục đích của chương trình.
Triển khai các dự án khoa học công nghệ vào canh tác sản xuất nông nghiệp tại địa phương (dự án lúa hữu cơ), Hợp tác xã bưởi đã áp dụng công nghệ blockchain và hệ thống truy xuất nguồn gốc mTrace; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất (tham gia dự án bưởi VietGAP, bưởi Bonsai, nuôi lươn không bùn…). Ngoài ra, thực hiện tiêu thụ sản phẩm thông qua nhiều kênh như: các trang mạng xã hội, trang thương mại điện tử (postmart, voso.vn…).
Bạch Đằng phấn đấu trở thành nơi đáng sống, vừa thân thiện với thiên nhiên môi trường, vừa là nơi phát triển nông nghiệp thông minh, phát triển du lịch sinh thái, phấn đấu trở thành một biểu tượng xanh cho tỉnh công nghiệp Bình Dương. |
Công tác bảo vệ môi trường luôn được xã chú trọng, đẩy mạnh thông qua việc thực hiện phân loại rác thải hữu cơ tại nguồn gắn với làm vi sinh bản địa IMO, đồng thời triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn xã. Gắn việc phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với việc tuyên truyền, kết nối các dịch vụ du lịch nhất là gắn với các trường (phổ thông, đại học) tổ chức tham quan, nghiên cứu, học tập, trải nghiệm; vận động các hộ dân có điều kiện tập trung đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển du lịch (câu cá giải trí, giao lưu đờn ca tài tử, trải nghiệm thực tế, homestay...).
Bên cạnh đó, Bạch Đằng đang tăng cường xây dựng và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số để thúc đẩy đổi mới hoạt động truyền thông, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và xây dựng đô thị thông minh.
Bà Phạm Ngọc Dung, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng cho biết, Bạch Đằng được UBND tỉnh Bình Dương chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới vào năm 2010. Năm 2022, UBND thị xã Tân Uyên (nay là thành phố Tân Uyên) phê duyệt Đề án “Xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025” gắn với xây dựng thí điểm Làng thông minh trên địa bàn xã Bạch Đằng. Với sự quan tâm của tỉnh, thành phố, cùng với sự đồng lòng của các tầng lớp toàn xã, năm 2019, Bạch Đằng được UBND tỉnh Bình Dương công nhận nông thôn mới nâng cao. Đến năm 2024, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa.
Nhờ chủ trương và sự quan tâm của các cấp chính chuyển, diện mạo xã Bạch Đằng thay đổi rõ nét từng ngày. Hệ thống hạ tầng được xây dựng đồng bộ, giao thông thuận tiện và ngày càng hoàn thiện. Đời sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Giai đoạn 2025-2030, xã Bạch Đằng sẽ đạt 100% các chỉ tiêu về chính quyền số, hạ tầng số, dịch vụ nông thôn số và tiếp tục nâng cao kỹ năng số cho cán bộ và người dân. Đưa Bạch Đằng trở thành nơi đáng sống, thân thiện với thiên nhiên môi trường, vừa là nơi phát triển nông nghiệp thông minh, phát triển du lịch sinh thái, phấn đấu trở thành một biểu tượng xanh cho tỉnh công nghiệp Bình Dương.
Đời sống người dân thay đổi cả “chất lẫn lượng”
Đến với Bạch Đằng vào một buổi chiều tháng 11 năm 2024, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về nơi đây là một vùng quê bình yên khác xa với sự hối hả của trung tâm thành phố Tân Uyên dù cách đó không xa. Hạ tầng khang trang, sạch, đẹp, với những con đường trải nhựa, trồng hoa, con người mến khách…
Ghé vào quán nước ven đường, bà H. T. Hoa (65 tuổi) chia sẻ, tuy lớn tuổi nhưng nhà ngay mặt đường lại trước trường học nên cũng bán nước mía cho vui… gia đình tôi sống ở đây từ lâu, bản thân tôi cũng sinh ra và lớn lên tại Bạch Đằng này. Xã nông thôn mới hay “Làng thông minh” cũng chỉ là những khái niệm gần đây thôi. Từ xưa, xã Bạch Đằng vốn dĩ là một cồn đất giữa sông như một hòn đảo nhỏ. Người dân trên cồn chủ yếu sống bằng trồng bưởi, trồng đậu, lúa hoặc đánh bắt trên sông…
“Những ngày ấy đời sống khó khăn lắm, đi lại thì phải qua phà. Sau khi Nhà nước đầu tư xây dựng nông thôn mới đời sống bà con mới tốt lên nhiều. Đi lại khỏi phải chờ phà như trước vì có 2 cây cầu lớn (cầu Bạch Đằng 1 và Bạch Đằng 2), trong xã thì đường được nâng cấp, trải nhựa, đèn đường sáng trưng… Giờ có đi thăm lúa cũng có đường nhựa lớn…”, bà Hoa vui vẻ kể.
Không chỉ vậy, trước kia làm nông thì chủ yếu theo kinh nghiệm, các gia đình nhìn nhau để làm nên năng suất thấp, giống và tuổi thọ cây trồng cũng thấp theo. Sau này một phần có internet, mạng xã hội để học hỏi, phần khác khi trồng hoặc canh tác theo hướng dẫn của kỹ thuật viên tại xã nên năng suất cao hơn nhiều, giá bán ra cũng cao hơn, sản phẩm đến những thị trường xa hơn.
Còn về đời sống tinh thần, bà Hoa cho biết: Giờ trong xã nhiều câu lạc bộ lắm, từ trẻ đến già, ai thấy phù hợp, yêu thích loại hình gì thì đều có thể tham gia, từ đờn ca tài tử, võ thuật, bóng đá, bóng chuyền, đua thuyền, cầu lông cho đến dưỡng sinh… Mọi người tham gia cũng nhiều, cuộc sống thấy phấn khởi hẳn, trẻ em thì học hành đến nơi, đến chốn, người già thì sống vui khỏe ra…
Nhờ học hỏi, áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, mô hình trồng bưởi đã giúp nhiều gia đình có nguồn thu ổn định, đời sống đi lên. |
Khi nói đến Bạch Đằng, hình ảnh liên tưởng ngay với chúng tôi là sản phẩm bưởi nổi tiếng nơi đây. Cơ duyên cho chúng tôi gặp anh Nguyễn Minh Tâm (34 tuổi) chủ một vườn bưởi trong xã, mời chúng tôi tham quan và anh Tâm chia sẻ, sau khi hoàn thành xong chương trình Đại học với chuyên ngành du lịch, dịch vụ. Anh cũng rời khỏi xã Bạch Đằng để đi làm chuyên môn…
Thế nhưng, phần vì thấy cha mẹ có đất trồng bưởi nhưng chỉ theo kinh nghiệm nên năng suất không cao, phần vì cũng yêu thích nông nghiệp, anh quyết định học hỏi và trồng hơn 3 xào (3.000m2) bưởi da xanh và lát cam.
Anh Tâm kể, tôi bắt đầu trồng bưởi cách đây khoảng 8 năm, theo chương trình hỗ trợ giống, phân và kỹ thuật của Nhà nước. Khi ấy, mỗi cây bưởi giống Nhà nước hỗ trợ 50.000 để mua, với diện tích đất chỉ có 3 xào, tôi đã đăng ký 60 cây giống. Bên cạnh đó, Nhà nước còn hỗ trợ đào tạo về kỹ thuật, phân, thuốc trong 2 năm đầu nên dường như các cây trồng xuống đều phát triển tốt.
Đến nay, tôi đã thu hoạch được hơn 4 năm với năng suất, chất lượng quả ổn định. Mỗi năm với diện tích như vậy, sau khi trừ các chi phí cũng mang về khoảng 70 triệu đồng. Với thu nhập ấy trong những năm đại dịch và kinh tế “yếu” như vừa qua cũng giúp gia đình ổn định cuộc sống.
“Là một người trẻ, được học hành đến nơi, bên cạnh việc Nhà nước tập huấn theo chương trình khi bắt đầu khởi nghiệp tôi còn tận dụng mạng xã hội như facebook, tiktok, zalo… để học hỏi kinh nghiệm và quảng bá sản phẩm của mình. Không chỉ vậy, vườn tôi cách khá xa sông nên phải khoan giếng lấy nước tưới, để giảm bớt nhân công, tôi đã đầu tư hệ thống đường ống tưới nên rất tiện lợi… nhờ việc liên tục cập nhật, học hỏi giờ tôi đã hoàn toàn chủ động trong kỹ thuật trồng bưởi như cho ra hoa, đậu quả, phân tầng quả theo ý muốn, tránh được sâu bệnh và thu hái quanh năm…” - anh Tâm nói.
Sau cuộc nói chuyện, chúng tôi rời Bạch Đằng lúc chiều muộn. Đọng lại trong chúng tôi ngoài vị ngọt thơm của bưởi là cảnh sắc yên bình, tấm lòng hiếu khách của người dân nơi đây và hẹn gặp lại vào một ngày không xa khi mô hình “Làng thông minh” được hoàn thiện.
Công Danh- Ảnh: Vũ Trung
Theo