Thứ bảy 27/04/2024 08:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hòa Bình: Tập trung nguồn lực phát triển đô thị bền vững

21:04 | 04/11/2022

(Xây dựng) - Thực hiện Chương trình phát triển đô thị (PTĐT) quốc gia giai đoạn 2012 – 2020, Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 – 2030, UBND tỉnh Hòa Bình đã triển khai các giải pháp quy hoạch, quản lý quy hoạch, huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng các dự án, công trình trọng điểm, phát triển công nghiệp dịch vụ gắn với PTĐT, PTĐT gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

hoa binh tap trung nguon luc phat trien do thi ben vung
Tỉnh Hòa Bình đang tập trung đầu tư hạ tầng nâng cấp đô thị thành phố Hòa Bình đạt tiêu chí loại II (Ảnh: T/L).

Cách đây 10 năm (2012), tỉnh Hòa Bình có 12 đô thị hiện hữu, gồm có 01 đô thị loại III (thành phố Hòa Bình) và 11 đô thị loại V (Thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn; Thị trấn Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn; Thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong; Thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc; Thị trấn Bo, huyện Kim Bôi; Thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu; Thị trấn Mường Khến, huyện Tân Lạc; Thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn; Thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy; Thị trấn Chi Nê (huyện lỵ), Thị trấn Thanh Hà, huyện Lạc Thủy).

Sau đó đến năm 2019, tỉnh Hòa Bình thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021 trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã thực hiện các giải pháp nâng cao tỷ lệ đô thị hóa và đạt được những kết quả bước đầu. Hết năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 28,69%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Năm 2021, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 31,6%.

Năm 2022, sau 10 năm nỗ lực, phấn đấu tập trung đầu tư xây dựng, tỉnh Hòa Bình đã cơ bản hoàn thành theo các mục tiêu cấp quốc gia, cấp tỉnh đề ra về phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn.

Đến nay, tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm thành phố Hòa Bình và 09 huyện. Hệ thống đô thị tỉnh Hòa Bình hiện có 11 đô thị (giảm 01 đô thị so với trước khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện trên địa bàn tỉnh), bao gồm 01 đô thị loại III (thành phố Hòa Bình) và 10 đô thị loại V thuộc 09 huyện (Thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn; Thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong; Thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc; Thị trấn Bo, huyện Kim Bôi; Thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu; Thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc; Thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn; Thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy; Thị trấn Chi Nê (huyện lỵ), Thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thủy).

Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và đề án của Tỉnh ủy đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa (ĐTH) của tỉnh đạt 38%; PTĐT tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa; PTĐT gắn với phát triển nông thôn và sử dụng hiệu quả quỹ đất trong đô thị; chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và kiểm soát chất lượng môi trường đô thị, kết hợp hài hòa giữa cải tạo, xây dựng đô thị xanh, đô thị sinh thái, tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu tại các đô thị.

Tỉnh cũng đang tập trung đầu tư hạ tầng nâng cấp đô thị thành phố Hòa Bình đạt tiêu chí loại II, huyện Lương Sơn cơ bản đạt các tiêu chí thị xã, thị trấn Mai Châu và các xã phụ cận, thị trấn Chi Nê, thị trấn Mãn Đức đạt tiêu chí đô thị loại IV, các thị trấn được mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại V...

Năm 2022, tỉnh tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch, giải quyết khó khăn, vương mắc trong giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính, ưu tiên và huy động nguồn lực đầu tư các dự án, công trình trọng điểm có sức lan toả, thu hút đầu tư, thúc đẩy PTĐT, du lịch, thương mại ở những khu vực có tiềm năng, lợi thế; hỗ trợ các dự án phát triển nhà ở thương mại triển khai theo kế hoạch.

Ngành chức năng tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai các giải pháp về PTĐT, nhà ở, thực hiện rà soát, quản lý hiệu quả quỹ đất, đấu giá đất theo quy định. Nghiên cứu và thực hiện cơ chế huy động nguồn lực để Nhà nước giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa, nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về đô thị, thị trường bất động sản; triển khai các dự án nhà ở đô thị, thương mại phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nhà ở của tỉnh và đặc điểm của từng địa bàn dân cư, tiến tới mọi người dân có chỗ ở, PTĐT thông minh, tăng trưởng xanh, bền vững..., với điểm nhấn là sông Đà, hồ Hòa Bình mang bản sắc riêng có, là nơi đáng sống của người dân.

Mai Thu

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load