Thứ sáu 19/04/2024 02:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hòa Bình: Còn tình trạng mất an ninh trật tự tại các mỏ khai thác cát

15:51 | 10/03/2021

(Xây dựng) – Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi tại tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011-2018 vừa được Thanh tra Chính phủ công khai cho thấy, sau khi được cấp phép, các điểm mỏ đều xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, người dân tập trung đông người khiếu kiện, có nguyên nhân là do xung đột về lợi ích giữa doanh nghiệp được cấp phép và các cá nhân khai thác cát trái phép.

hoa binh con tinh trang mat an ninh trat tu tai cac mo khai thac cat
Hoạt động khai thác cát quy mô lớn trên sông Đà gây bức xúc dư luận thời gian dài (Ảnh: Quang Huy).

Vẫn còn tình trạng mất an ninh trật tự ở các mỏ khai thác cát

Tại Thông báo Kết luận thanh tra số 356/TB-TTCP ngày 4/3/2021, Thanh tra Chính phủ cho biết: UBND tỉnh Hòa Bình đã có nhiều nỗ lực trong công tác chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản phục vụ công tác quản lý hoạt động khai thác cát trên địa bàn, đã tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra, song vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, vi phạm.

Sau khi cấp phép, các điểm mỏ đều xảy ra mất an ninh trật tự, người dân tập trung đông người khiếu kiện, có nguyên nhân là do xung đột về lợi ích giữa doanh nghiệp được cấp phép và các cá nhân khai thác cát trái phép; dẫn đến một số điểm mỏ sau khi đã được cấp phép nhưng không thể khai thác được hoặc khai thác cầm chừng. Cụ thể, tại Dự án khai thác cát của Công ty Cổ phần khai khoáng Sahara: Quá trình khai thác xảy ra xung đột với đối tượng khai thác trái phép, ảnh hưởng việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội khu vực khai thác, đã bị UBND tỉnh yêu cầu tạm dừng khai thác để khắc phục từ năm 2017. Đến nay, Công ty đã khắc phục xong nhưng chưa được UBND tỉnh Hòa Bình cho phép hoạt động khai thác trở lại, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Dự án khai thác cát của Công ty TNHH Xây dựng Hùng Yến: Quá trình khai thác vi phạm liên quan hoạt động khai thác cát, xung đột với đối tượng khai thác cát trái phép, ảnh hưởng việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội khu vực khai thác... đã bị UBND tỉnh yêu cầu tạm dừng khai thác để khắc phục vi phạm từ năm 2017. Tại thời điểm thanh tra (2018) Công ty không xuất trình được các Biên bản cắm mốc giới của Mỏ, Quyết định bổ nhiệm Giám đốc điều hành Mỏ; không có Báo cáo quan trắc môi trường định kỳ hàng năm của các năm 2016, 2017.

Trách nhiệm chính thuộc về Chủ đầu tư các dự án; trách nhiệm liên quan thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường, trách nhiệm chung thuộc UBND tỉnh Hòa Bình.

Nhiều bãi tập kết vật liệu xây dựng chưa được cấp giấy phép hoạt động

Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 20 bến bãi tập kết vật liệu xây dựng (cát sỏi); trong đó chủ yếu tại thành phố Hòa Bình với mật độ bến bãi quá dày so với nhu cầu cung cấp cát tại địa phương (tại thành phố Hòa Bình không có Mỏ cát nào được cấp phép khai thác), tiềm ẩn xảy cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh cát; gây nhiều khó khăn trong kiểm soát nguồn gốc cát tại các bến bãi và cho công tác quản lý của cơ quan chức năng. Ngoài ra, qua thanh tra cho thấy còn một số tồn tại, vi phạm cụ thể như sau:

Có 4 đơn vị tập kết vật liệu xây dựng, xây dựng công trình tại bãi sông, nằm ngoài phạm vi hành lang bảo vệ tuyến để Ngòi Dong, gồm: Công ty TNHH MTV Quỳnh Hà; Công ty TNHH Tuân Lộc; Công ty TNHH Hường Trang; Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ vận tải Nam Hải. Có 03 đơn vị làm nhà ngoài phạm vi hành lang bảo vệ đê Trung Minh gồm: Công ty TNHH Việt Hoàng và Công ty TNHH Phú An, Công ty TNHH Gia Bảo. Trong số 20 bến bãi, chỉ có 07 bãi liên quan đến hoạt động đê điều, trong đó có 01 Bến của Công ty TNHH Việt Hoàng đã được cấp Giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ để điều; 06 bãi chưa chưa được cấp Giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ đê điều, vi phạm Điều 25, Điều 26 Luật Đê điều.

Qua kiểm tra của cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cho thấy: Nhiều bến bãi sử dụng đất vượt quá diện tích được thuê; sử dụng đất ven sông làm nơi tập kết vật liệu xây dựng; xây dựng công trình, đổ phế thải ra lòng sông, gây ô nhiễm môi trường; việc ký Hợp đồng thuê đất của các hộ gia đình chưa đầy đủ theo quy định của pháp luật đất đai. Việc thực hiện quy định về pháp luật về bảo vệ môi trường của các bến bãi chưa nghiêm túc, chưa xây dựng hệ thống thoát nước mặt, nước mưa và các biện pháp che phủ cát để chống bụi; còn thiếu hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý về chất thải nguy hại, thực hiện việc xử lý chất thải nguy hại chưa thường xuyên.

Ngày 15/7/2013, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 946/QĐ UBND phê duyệt quy hoạch sử dụng cát, đá, sỏi trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, theo đó, chỉ có 01 Bến bãi (tại cảng Bến Ngọc) có trong quy hoạch, 19 đơn vị còn lại không có trong quy hoạch. Như vậy, việc vẫn còn 19/20 Bến bãi tập kết nằm ngoài quy hoạch trong thời gian dài nhưng chưa bị xử lý là chưa thực hiện hết trách nhiệm của cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình.

Khối lượng cát nhập vào các bến bãi chủ yếu từ nguồn các tàu trôi nổi trên sông Đà, mua vào không rõ nguồn gốc. Tuy vậy, việc kiểm tra, phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình về vấn đề này chưa thực sự hiệu quả; chưa có biện pháp hữu hiệu để giám sát, kiểm soát nguồn gốc cát cung cấp cho các Bến bãi tập kết trên địa bàn tỉnh, tiềm ẩn xảy thất thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với khối lượng cát tại các bến bãi tập kết.

Thực hiện Quyết định số 2488/QĐ-UBND ngày 12/12/2017 của UBND tỉnh; UBND thành phố Hòa Bình đã triển khai di chuyển các bến bãi nhưng còn gặp khó khăn, vướng mắc. Có nguyên nhân từ việc nhiều chủ bến chưa đồng thuận; nhiều bến bãi đã thuê đất từ lâu, vì vậy, khi thực hiện giải tỏa các chủ bến bãi chây ỳ, không hợp tác, không chịu di dời do chưa bố trí được vị trí thích hợp để các doanh nghiệp chuyển đến; chưa rõ về chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với các bến bãi phải di dời.

Trách nhiệm chính thuộc về Chủ các bến bãi; trách nhiệm liên quan thuộc về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế tỉnh, UBND thành phố Hòa Bình; trách nhiệm chung thuộc UBND tỉnh Hòa Bình.

Kiểm tra, xử lý triệt để việc khai thác, kinh doanh cát trái phép

Trên cơ sở những hạn chế, bất cập còn tồn tại, Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình: Tăng cường trách nhiệm của UBND các cấp trong công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản (cát) trên địa bàn tỉnh. Phân công rõ trách nhiệm giữa các cấp, ngành trong công tác quản lý; thực hiện tốt việc phối hợp giữa các Sở, ngành chức năng liên quan (trong đó phát huy vai trò cơ quan Công an) và UBND cấp huyện, xã để giám sát, kiểm tra, xử lý triệt để việc khai thác, kinh doanh cát trái phép trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thực hiện tốt việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, đồng thời công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác cát trên địa bàn tỉnh, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, góp phần giảm thiểu các vụ việc vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản; thực hiện nghiêm túc Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ và Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ bãi sông.

Thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong khai thác, trong vận chuyển, kinh doanh cát trái phép trên địa bàn tỉnh; không để xảy việc kinh doanh, tiêu thụ cát có nguồn gốc khai thác trái phép.

Xử lý theo quy định đối với vi phạm của các dự án khai thác, các bến bãi tập kết, kinh doanh cát đã được nêu tại Kết luận thanh tra này, không để xảy việc bến bãi chưa đảm bảo điều kiện hoạt động bến bãi theo quy định nhưng vẫn hoạt động tập kết, kinh doanh cát sỏi; không để bến bãi gây ảnh hưởng hành lang thoát lũ và công tác bảo vệ để điều.

Xem xét, xử lý đối với kiến nghị của Công ty Cổ phần khai khoáng Sahara về thực hiện hoạt động khai thác cát trở lại để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, trên cơ sở yêu cầu công ty nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật về khai thác khoáng sản và quy định pháp luật khác có liên quan.

Chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt việc di chuyển các bến bãi tập kết (cát) trên địa bàn thành phố Hòa Bình theo Quyết định số 2488/QĐ-UBND ngày 12/12/2017 của UBND tỉnh. Yêu cầu chủ các bến bãi hoàn thiện hồ sơ pháp lý để đảm bảo điều kiện thành lập, hoạt động bến bãi theo quy định; chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật về quản lý đất đai, về bảo vệ môi trường, quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ để điều.

UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức thực hiện và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ để xảy ra các tồn tại, vi phạm trong việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi tại tỉnh Hòa Bình đã được nêu tại Kết luận thanh tra này. Căn cứ vào kết quả kiểm điểm, có biện pháp xử lý trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Khánh Hòa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load