Thứ tư 15/01/2025 12:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Hàng loạt sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại tỉnh Hòa Bình

19:16 | 11/01/2021

(Xây dựng) – Tính đến tháng 7/2020, UBND tỉnh Hòa Bình đã cấp giấy phép khai thác cho 84 mỏ làm vật liệu xây dựng thông thường, trong đó có 3 mỏ cát, 79 mỏ đá, 2 mỏ sét. Tuy nhiên, công tác quản lý của các cơ quan chức năng chưa được chặt chẽ, việc thanh, kiểm tra chưa thường xuyên…dẫn đến việc chấp hành các quy định pháp luật của một số doanh nghiệp chưa nghiêm túc, các vi phạm không được phát hiện, xử lý kịp thời.

hang loat sai pham trong hoat dong khai thac khoang san lam vat lieu xay dung tai tinh hoa binh
Tỉnh Hòa Bình không thực hiện mục tiêu giảm dần sản xuất gạch nung theo Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ, cấp phép đầu tư vượt so với quy hoạch được duyệt (Ảnh minh họa).

Mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành Kết luận Thanh tra số 105/KL-TTr UBND tỉnh Hòa Bình trong công tác quản lý Nhà nước ngành Xây dựng và một số đồ án quy hoạch xây dựng, thực hiện quản lý theo quy hoạch và một số dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng.

Theo đó, đối với công tác quản lý vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh còn tồn tại nhiều sai phạm nguyên nhân là do trong quá trình quản lý Nhà nước ở một số cơ quan tham mưu và chính quyền địa phương đối với một số công việc còn chưa sâu sát, chưa kịp thời, chưa kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định.

Kết luận Thanh tra chỉ rõ: Tỉnh Hòa Bình chưa thực hiện được một số mục tiêu theo quy hoạch đã được phê duyệt đối với một số chủng loại vật liệu. Cụ thể: Đối với vật liệu xây dựng chủ yếu: Không có cơ sở sản xuất gạch ốp lát và đá ốp lát trong khi mục tiêu đến năm 2015 đạt sản lượng vật liệu ốp lát các loại của tỉnh là 3,33 triệu m2, năm 2020 là 4,65 triệu m2.

Đối với vật liệu xây dựng thông thường, quy hoạch năng lực khai thác đá đến năm 2020 là 14,98 triệu m3, tổng công suất cấp phép đến hết năm 2019 là 11,84 triệu m3/năm (đạt 79% so với quy hoạch); Quy hoạch năng lực khai thác cát đến năm 2020 đối với cát bê tông là 60.000 m3/năm, cát xây trát và san lấp là 500.000 m3/năm. Tổng công suất cấp phép đến tháng 7/2020 đối với cát bê tông là 15.000 m3/năm (đạt 25% so với quy hoạch), đối với cát xây trát 257.000 m3/năm (đạt 51,4% so với quy hoạch)…

Giai đoạn từ năm 2015-2019, tỉnh Hòa Bình đã quyết định chủ trương đầu tư cho 04 dự án sản xuất gạch không nung với tổng công suất 140 triệu viên/năm. Trên địa bàn tỉnh có tổng số 10 doanh nghiệp sản xuất gạch không nung với tổng công suất 247,2 triệu viên/năm, trong đó 08 doanh nghiệp đang hoạt động (với tổng công suất thiết kế 207,2 triệu viên/năm), 02 doanh nghiệp dừng sản xuất là Công ty Cổ phần Quang Tiến, Công ty Cổ phần gạch nhẹ Phúc Sơn...

Trong 10 doanh nghiệp sản xuất gạch không nung: Có 04/10 doanh nghiệp có quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh, 06/10 doanh nghiệp không có quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh; 10/10 doanh nghiệp không có giấy phép xây dựng. Vi phạm quy định tại Khoản 1, Điều 32 Luật Đầu tư năm 2014 và Khoản 1 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014.

Bên cạnh đó, công tác sản xuất gạch nung cũng tồn tại không ít sai phạm. Trong giai đoạn 2015-2019, tỉnh Hòa Bình đã quyết định chủ trương đầu tư cho 11 dự án sản xuất gạch nung với tổng công suất là 609 triệu viên/năm, bao gồm: Dự án Nhà máy gạch tuynel Phong Phú tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc; Dự án sản xuất gạch ngói tại xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình; Dự án Nhà máy gạch tuynel tại xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy; Dự án Nhà máy gạch tuynel Lương Sơn tại xã Hợp Hòa, huyện Lương Sơn; Dự án Nhà máy gạch tuynel công nghệ cao tại xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy; Dự án Nhà máy gạch công nghệ cao Yên Bồng tại xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy; Dự án Nhà máy gạch tuynel Đại Việt tại xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn; Dự án Nhà máy gạch tuynel công nghệ cao tại xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy; Dự án Nhà máy gạch tuynel Thuận Hòa Phát tại xã Hợp Hòa (nay là xã Cao Sơn) huyện Lương Sơn; Dự án Nhà máy gạch tuynel tại xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy và Dự án Nhà máy sản xuất gạch tuynel và nuôi trồng thủy sản Furic Hoà Bình tại xã Thanh Lương, huyện Lương Sơn.

Trong đó: 03 dự án bao gồm Dự án sản xuất gạch ngói tại xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình (công suất 80 triệu viên/năm), Dự án Nhà máy gạch tuynel Phong Phú (công suất 9 triệu viên/năm) và Dự án Nhà máy sản xuất gạch tuynel và nuôi trồng thủy sản Furic Hoà Bình (công suất 80 triệu viên/năm) đã đi vào sản xuất; 02 dự án đang đầu tư xây dựng là Dự án Nhà máy gạch công nghệ cao Yên Bồng (công suất 96 triệu viên/năm), Dự án Nhà máy gạch tuynel Thuận Hòa Phát (công suất 30 triệu viên/năm); 06 dự án còn lại đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Quyết định chủ trương đầu tư 10/11 dự án (trừ Dự án Nhà máy gạch tuynel Phong Phú tại huyện Tân Lạc) không nằm trong quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh đã được phê duyệt, không gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu là vi phạm Điểm e, Khoản 3, Điều 1 Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó “Dự án đầu tư mới phải nằm trong quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng địa phương và gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu”.

Nội dung các quyết định chủ trương đầu tư không có mục công nghệ áp dụng (trừ Dự án sản xuất gạch ngói tại xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình) là vi phạm quy định tại Điểm đ, Khoản 8, Điều 33 Luật Đầu tư năm 2014.

Không thực hiện mục tiêu giảm dần sản xuất gạch nung theo Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ, cấp phép đầu tư vượt so với quy hoạch được duyệt.

Việc quản lý trật tự xây dựng tại một số huyện của chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã có biểu hiện buông lỏng quản lý dẫn đến một số doanh nghiệp tự ý đầu tư xây dựng dự án sản xuất gạch tuynel không nằm trong quy hoạch, không có chủ trương đầu tư, không có giấy phép xây dựng, xây dựng không đúng nội dung giấy phép xây dựng nhưng không phát hiện, xử lý kịp thời, không báo cáo UBND tỉnh.

Cụ thể, tại huyện Kim Bôi: Xây dựng không có chủ trương đầu tư, không có giấy phép xây dựng 02 nhà máy gạch tuynel công suất 50 triệu viên/năm/doanh nghiệp tại xã Đú Sáng và xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi. Vi phạm quy định tại Khoản 1, Điều 32 Luật Đầu tư năm 2014 và Khoản 1, Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014.

Tại huyện Lương Sơn: Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Thuận Hòa Phát xây dựng xong các hạng mục nhà xưởng, ống khói, nhà điều hành của dự án nhưng không có giấy phép xây dựng. (Ngày 27/7/2020, Sở Xây dựng mới cấp giấy phép xây dựng số 57/GPXD cho Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Thuận Hòa Phát sau khi xử phạt vi phạm hành chính ngày 19/6/2020).

Tại huyện Lạc Thủy: Công ty Cổ phần gốm Mỹ - HB tại xã Yên Bồng xây dựng hạng mục Nhà chế biến nhiên liệu xây dựng tăng diện tích 684m2 so với diện tích xây dựng được cấp giấy phép xây dựng. Vi phạm quy định tại Khoản 4, Điều 12 Luật Xây dựng năm năm 2014.

Về lĩnh vực vôi, UBND tỉnh đã quyết định chủ trương cho Công ty TNHH Xuân Thiện Hòa Bình đầu tư dự án Nhà máy sản xuất vôi, bột nhẹ Xuân Thiện Hòa Bình tại xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy theo Quyết định chủ trương đầu tư số 88/QĐ-UBND ngày 6/11/2017, công suất 2,16 triệu tấn sản phẩm. Dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, Thanh tra Bộ Xây dựng đã phát hiện một số vi phạm: Dự án quyết định chủ trương đầu tư trước khi Bộ Xây dựng cho ý kiến tham vấn; Nội dung quyết định chủ trương đầu tư không quy định về “công nghệ áp dụng”; Dự án triển khai chậm so với tiến độ quy định trong quyết đinh chủ trương đầu tư nhưng chưa được điều chỉnh cũng như xử lý vi phạm (nếu có); Công ty TNHH Xuân Thiện Hòa Bình đã xén chân tuyến, xay đá thành phẩm khi chưa được cấp giấy phép khai thác…

Đối với lĩnh vực cát nghiền: UBND tỉnh chưa ban hành văn bản chỉ đạo sử dụng cát nghiền nhân tạo cho bê tông và vữa thay thế cát tự nhiên, chưa có giải pháp để tăng cường đầu tư sản xuất cát nghiền theo đề nghị của Bộ Xây dựng.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay đang có 2 doanh nghiệp sản xuất cát nghiền đang hoạt động tại huyện Lương Sơn là Công ty TNHH MTV Ngọc Thảo Hòa Bình và Công ty TNHH MTV BMC Hòa Bình (Công ty TNHH MTV BMC Hòa Bình đã có giấy chứng nhận hợp quy được cấp ngày 18/10/2019, hiệu lực đến ngày 17/10/2022 nhưng chưa thực hiện được việc công bố hợp quy theo Văn bản số 155/SXD-KT&VLXD ngày 20/1/2020 của Sở Xây dựng).

Giai đoạn năm 2015 – 2019, UBND tỉnh Hòa Bình đã cấp mới 18 giấy phép khai thác đá, 2 giấy phép khai thác cát và 1 giấy phép khai thác sét làm vật liệu xây dựng thông thường. Tuy nhiên, theo Kết luận thanh tra Bộ Xây dựng việc cấp phép còn tồn tại một số vấn đề, cụ thể: Sở Xây dựng thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật của Công ty TNHH xây dựng thương mại Xuân Thành có vi phạm: Khu vực được cấp phép khai thác cát không phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản về vị trí, công suất; 12/18 mỏ khai thác đá được cấp phép không đạt công suất tối thiểu 100.000m3/năm.

Để xảy ra những sai phạm nêu trên, Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Hòa Bình và các cơ quan tham mưu có liên quan.

Trên cơ sở đó, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng kiến nghị UBND tỉnh Hòa Bình: Chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện rà soát các quy hoạch đã phê duyệt thuộc thẩm quyền đảm bảo các nội dung quy hoạch tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật làm nội dung vào Quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 và yêu cầu tại mục 5 Văn bản số 7192/VPCP-CN ngày 13/8/2019 của Văn phòng Chính phủ; có kế hoạch và giải pháp khắc phục tồn tại, vi phạm, thực hiện xử lý nghiêm các vi phạm của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đã nêu;

Chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, thực hiện xử lý nghiêm vi phạm theo đúng quy định pháp luật đối với toàn bộ các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ trên địa bàn tỉnh chưa có thiết kế bản vẽ thi công được thẩm định, phê duyệt theo quy định nhưng đang khai thác để đảm bảo tuân thủ quy định của Luật khoáng sản 2010;

Chỉ đạo Sở Công thương có kế hoạch rà soát toàn bộ các hồ sơ thiết kế, đảm bảo an toàn sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với người, công trình, thiết bị trong hoạt động khai thác đá trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với khoảng cách an toàn theo bán kính đá văng;

Chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại các tọa độ đã cấp phép thăm dò, khai thác cho Công ty TNHH xây dựng Thương mại Xuân Thành để đảm bảo phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở đó đề xuất UBND tỉnh hướng giải quyết theo quy định pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;

Đối với dự án Nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện Hòa Bình, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát để phê duyệt điều chỉnh lại quyết định chủ trương đầu tư đảm bảo theo đúng quy định Luật Đầu tư, xử lý các vi phạm theo quy định.

Đồng thời, UBND tỉnh Hòa Bình cần kiểm điểm trách nhiệm trong việc ban bành, thực hiện chủ trương đầu tư đối với các dự án nhà máy sản xuất gạch nung không đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ đạo kiểm tra, xác định rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định trong việc đầu tư mới 2 nhà máy gạch tuynel tại huyện Kim Bôi và xây dựng lò tuynel thành lò vòng của Công ty TNHH MTV Tiến Trung Hòa Bình tại huyện Tân Lạc, việc khai thác đất hạ cốt nền không có giấy phép khai thác tại mặt bằng dự án Nhà máy gạch tuynel công nghệ cao do Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Đất Việt làm chủ đầu tư tại xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy.

Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện Kết luận thanh tra.

Khánh An

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load