Thứ tư 15/01/2025 12:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Phát hiện nhiều sai phạm về công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản tại tỉnh Hòa Bình

10:47 | 09/03/2021

(Xây dựng) - Qua kiểm tra trực tiếp tại 17 dự án khai thác khoáng sản tại tỉnh Hòa Bình, Thanh tra Chính phủ cho biết vẫn còn một số chủ đầu tư dự án chưa thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, như: Chưa có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn vận hành nhưng vẫn khai thác; chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ kết quả giám sát môi trường; khu vực lưu giữ chất thải nguy hại chưa đảm bảo…

phat hien nhieu sai pham ve cong tac bao ve moi truong trong khai thac khoang san tai tinh hoa binh
Nhiều dự án đã hoạt động khai thác khi chưa được phê duyệt phương án/đề án cải tạo phục hồi môi trường theo quy định (Ảnh minh họa).

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã Thông báo Kết luận Thanh tra số 356/TB-TTCP về công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường và việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi tại tỉnh Hòa Bình; thời kỳ thanh tra từ 2011-2018. Theo đó, đối với công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình còn tồn tại nhiều sai phạm.

Cụ thể, đối với công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản: Giai đoạn 2008-2018, UBND tỉnh Hòa Bình không ban hành quyết định quy định về tỷ lệ quy đổi khoáng sản thành phẩm sang khoáng sản nguyên khai để tính phí bảo vệ môi trường, vi phạm quy định tại Thông tư số 67/2008/TT-BTC ngày 21/7/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 63/2008/NĐ-CP ngày 13/5/2008 của Chính phủ; Thông tư số 158/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định 74/2011/NĐ-CP; Thông tư số 66/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định 12/2016/NĐ-CP và Nghị định số 164/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Ngày 17/7/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1521/QĐ-UBND quy định về khối lượng riêng, hệ số nở rời từ thể tự nhiên sang thể nguyên khai, tỷ lệ quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng nguyên khai của một số loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh; tuy nhiên tại quyết định này có một số nội dung còn nhầm lẫn, không phù hợp với thực tế. Trách nhiệm thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế tỉnh, trách nhiệm chung thuộc UBND tỉnh Hòa Bình.

Cũng theo Kết luận thanh tra, hầu hết các điểm mỏ trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt phương án/đề án cải tạo phục hồi môi trường theo quy định. Tuy nhiên theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, vẫn còn 07/93 điểm mỏ chưa được phê duyệt, trong đó có: 3 dự án đang trình UBND tỉnh phê duyệt, 02 dự án chưa được phê duyệt (chưa khai thác), 02 dự án đã thực hiện hoạt động khai thác nhưng chưa được phê duyệt, gồm: Dự án khai thác mỏ sét của Công ty Cổ phần tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép số 2439/GP-BTNMT ngày 21/12/2009 và Mỏ đá của Công ty TNHH MTV Thiên Hà - Hòa Bình được UBND tỉnh cấp Giấy phép số 98/QĐ-UBND ngày 10/12/2009.

Bên cạnh đó, công tác hướng dẫn, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường vẫn còn hạn chế, một số doanh nghiệp thực hiện việc quy đổi khối lượng khoáng sản thành phẩm sang khoáng sản nguyên khai để nộp phí bảo vệ môi trường chưa thống nhất về hệ số, chưa nhận với hệ số khai thác lộ thiên (K) theo quy định tại Điều 4, Nghị định số 12/2016/NĐ-CP và Điều 5 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP của Chính phủ; vẫn còn tình trạng nợ phí bảo vệ môi trường.

Qua kiểm tra trực tiếp tại 17 dự án khai thác khoáng sản, Thanh tra Chính phủ phát hiện, vẫn còn một số chủ đầu tư dự án chưa thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như: Chưa có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn vận hành nhưng vẫn khai thác; việc quan trắc, giám sát môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất chưa đầy đủ về tần suất, vị trí; chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ kết quả giám sát môi trường; số lượng cây trồng nhằm ngăn ngừa, phát tán bụi tại khu vực khai thác, chế biến khoáng sản chưa đảm bảo về mật độ; chưa làm sân công nghiệp; không xây dựng hệ thống mương dẫn đều khắp tường bao khu vực nhà điều hành và khu vực chế biến đá để thu gom nước mưa chảy tràn trên bề mặt; khu vực lưu giữ chất thải nguy hại chưa đảm bảo; chưa lắp đặt trạm cân tại khu vực khai thác, hoặc có lắp đặt nhưng không sử dụng được...vi phạm Khoản 1, Điều 26 và Điều 27 Luật Bảo vệ môi trường.

Trong số 17 dự án được thanh tra, có 07 dự án chưa được cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn vận hành; cá biệt có 02/07 dự án chưa được cấp nhưng vẫn hoạt động khai thác, gồm: Dự án khai thác và chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại xóm Rụt, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn của Công ty Cổ phần Vinh Quang Hòa Bình và Dự án Khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại núi Trúng Đô (KV5), xã Cao Dương, huyện Lương Sơn của Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Hiền Lương. Vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 27 Luật Bảo vệ môi trường và Khoản 6, Điều 16 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

Một số dự án khai thác khoáng sản đã được cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành, hiện đang hoạt động khai thác, tuy nhiên sau khi được cấp Giấy xác nhận chủ đầu tư không duy trì thực hiện các biện pháp, không bảo dưỡng, bảo trì các công trình bảo vệ môi trường, dẫn đến các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường đã thực hiện trước đó không phát huy tối đa hiệu quả, tác dụng.

Dự án khai thác và chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại xóm Rụt, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn của Công ty Cổ phần Vinh Quang Hòa Bình, chưa lắp đặt chạm cân tại khu vực khai thác, dẫn đến không quản lý được khối lượng khoáng sản khai thác, không quản lý được trọng tải xe trước khi ra khỏi mỏ theo yêu cầu của Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 42 Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ.

Ngoài ra, qua kiểm tra cho thấy vẫn còn một số phương tiện vận tải trong khu vực khai thác, chế biến khoáng sản của một số dự án đã hết hạn kiểm định nhưng vẫn hoạt động, tiềm ẩn mất an toàn giao thông, an toàn lao động trong quá trình vận chuyển khoáng sản.

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư dự án; trách nhiệm liên quan thuộc Sở Tài nguyên Môi trường, Cục thuế tỉnh (liên quan việc thu phí phí bảo vệ môi trường); trách nhiệm chung thuộc UBND tỉnh Hòa Bình.

Trên cơ sở kết luận thanh tra nêu trên, Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình:

Kiểm tra, xác định lại hệ số nở rời từ thể tự nhiên sang thể nguyên khai, tỷ lệ quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng nguyên khai của một số loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với thực tế, tránh gây thất thu ngân sách nhà nước; kiểm tra, rà soát việc thực hiện quy định về quy đổi khối lượng, nhân hệ số khai thác lộ thiên, kê khai khối lượng nộp phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên để truy thu đối với các chủ đầu tư dự án khai thác khoáng sản chưa thực hiện đúng quy định trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Kiểm tra, rà soát toàn bộ các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh và tiến hành xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với các chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, về khoáng sản theo đúng quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác tài nguyên nước và khoáng sản (trong đó có các dự án đã được nêu trong Kết luận thanh tra này); xử lý theo quy định đối với chủ đầu tư 37 dự án còn nợ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, với tổng số tiền 6.833.603.000 đồng; các dự án khai thác khoáng sản còn nợ phí bảo vệ môi trường theo quy định.

Khánh Hòa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load