(Xây dựng) - Yên Trung là một hồ nước lớn ở thành phố Uông Bí, mới đây hồ được tỉnh Quảng Ninh đưa vào danh mục Khu du lịch cấp tỉnh. Dư luận có những ý kiến khác nhau, người cho rằng hồ Yên Trung là một công trình thủy lợi có luật bảo vệ riêng; người lại nói công trình xây dựng đạt đa mục đích đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế, an sinh xã hội là rất quý.
Ngày 30/12/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định số 5538 công nhận Yên Trung là Khu du lịch cấp tỉnh với diện tích 566,04ha. |
Báo điện tử Xây dựng đã phản ánh nội dung này được bạn đọc hưởng ứng và cho biết, việc tận dụng cảnh quan công trình thủy lợi làm dịch vụ du lịch là một vấn đề lớn, không chỉ ở Uông Bí mà các địa phương toàn quốc đang quan tâm.
Quảng Ninh có 179 hồ đập chứa nước ngọt (27 hồ đa chức năng), 7 hồ có dung tích trên 10.000.000m3 nước, 2 hồ dung tích trên 5.000.000m3, 16 hồ dung tích trên 1.000.000m3, còn lại là các hồ nước nhỏ quy mô 500.000m3 đến 1.000.000m3.
Hầu hết các hồ nước ở Quảng Ninh xây dựng trên độ cao trong thung lũng rừng (cánh cung Đông Triều), lưu vực đồi núi trập trùng, ngút ngàn cây xanh. Một số địa phương đã tận dụng hồ nước đẹp làm công viên, dịch vụ du lịch, như hồ Khe Chè (Đông Triều), hồ Yên Trung (Uông Bí), hồ Mắt Rồng (Vân Đồn), hồ Yên Lập (Quảng Yên) một con đường vãn cảnh chùa Lôi Âm trong lòng hồ. Sự khai thác tiềm năng kinh tế công trình thủy lợi ngoài nguồn nước có nhiều ý kiến khác nhau và mỗi ý kiến đều có lý.
Các hồ đập ở Quảng Ninh đa phần bắt nguồn từ suối rừng trong sạch. |
Theo Luật Thủy lợi, Chính phủ có Nghị định 67 quy định về an ninh nguồn nước, nhưng cũng có những quy định khai thác tối ưu công trình xây dựng từ ngân sách Nhà nước, phục vụ phát triểu kinh tế địa phương vì lợi ích dân sinh. Các hồ nước lớn như: Biển hồ Pleiku (Gia Lai), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc)... địa phương đã khai thác tiềm năng du lịch đưa lại lợi ích kinh tế, an sinh xã hội và còn là thương hiệu du lịch hồ của địa phương.
Trở lại vấn đề của hồ Yên Trung, hồ này là một công trình thủy lợi, xây dựng năm 1980, lưu vực 3,7km2, dung tích 3.500.000m3 nước, thuần phục vụ nước cho 227ha đất nông nghiệp (nay đô thị hóa ruộng chỉ còn 40ha).
Hồ Yên Trung, Uông Bí dung tích 3.500.000m3 nước, lưu vực là rừng thông có nét giống phong cảnh Đà Lạt. |
Hồ Yên Trung nước trong xanh, lưu vực là rừng thông gió ngàn đưa hương trầm ngan ngát, khí hậu trong lành. Đáy hồ có trầm tích thương gia Bạch Thái Bưởi (người được vinh danh doanh nhân tiêu biểu đầu tiên của Việt Nam), trên mặt nước có đảo núi đôi, tiên cảnh “hữu xạ tự nhiên hương”, du khách xa gần tự tìm đến. “Có cầu ắt có cung”, hàng quán và các dịch vụ du lịch nhỏ lẻ mọc lên theo chân người, khởi đầu là quán trà xanh ven đường, dần dà là quán ăn nhỏ giữa rừng.
Ngày 16/11/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh có Văn bản số 8588 cho phép thành phố Uông Bí khai thác mặt nước, mặt đất hồ Yên Trung làm dịch vụ du lịch. Địa phương đã tạm giao cho UBND phường Phương Đông quản lý an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy rừng, phòng chống tai nạn đuối nước ở đây.
Thành phố trích một phần ngân sách tôn tạo cảnh quan, xây dựng trạm bơm, mương máng dẫn nước từ hồ Baza cách đó 4km về tưới cho 40ha đồng ruộng, thay thế 50% lượng nước hồ Yên Trung dùng cho nông nghiệp, để luôn giữ mực nước cả làm đẹp mặt hồ.
Đồng thời, địa phương giao cho Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử trồng hoa, cây xanh cảnh quan ven bờ phía Nam hồ Yên Trung. Mép nước xình lầy, cỏ dại biến thành một cụm tiểu cảnh bắt mắt, gồm: Vườn Địa Đàng, cầu Tình Yêu, lầu Nghinh Phong Vọng Cảnh và Đại tự địa danh hồ Yên Trung.
Hồ Yên Trung, một công trình thủy lợi chuyên cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp được địa phương tôn tạo thành một điểm du lịch sinh thái, cảnh quan hấp dẫn. 6 tháng đầu năm 2019 (khi chưa có dịch Covid-19), đã đón trên 20 vạn lượt khách du lịch trong và ngoài nước.
Tháng 5/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh có Văn bản số 2957/UBND-QH1 chấp thuận cho Tập đoàn FLC nghiên cứu đầu tư, xây dựng Tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, đô thị cao cấp tại đây. Ngày 30/12/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định số 5538 công nhận Yên Trung là Khu du lịch cấp tỉnh với diện tích 566,04ha, tăng thêm cơ sở pháp lý đưa công trình thủy lợi hồ Yên Trung, phục vụ đa mục đích kinh tế - xã hội (có dịch vụ du lịch).
Nhìn rộng ra tỉnh bạn, Biển hồ Pleiku (Tây Nguyên) cũng đang phát triển dịch vụ, du lịch ven bờ hồ. |
Tuy nhiên, một hồ nước phục vụ đa mục đích vừa cấp nước tưới đồng ruộng, vừa cấp nước sinh hoạt cho dân lại vừa làm dịch vụ du lịch là rất khó, đương nhiên không phải khó mà cấm, mà cần có giải pháp quản lý thích hợp.
Việt Nam đã có những hình mẫu như Biển hồ Pleiku (Gia Lai), một con đường du lịch bao quanh hồ không đốn chặt cây rừng, nước thải không xả xuống lòng hồ. Hồ Ba Bể (Bắc Kạn) là khu du lịch quốc gia, hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) từng được chọn làm điểm tổ chức năm du lịch quốc gia.
Hồ Yên Lập, Hạ Long được ví như “Tiên cảnh thượng nguồn”. |
Hồ Bến Châu, Đông Triều nằm dưới chân danh sơn Ngọa Vân phong cảnh rất đẹp. |
Hồ Cao Vân, Cẩm Phả là nguồn cấp nước sạch cho Cẩm Phả và phía Đông vịnh Cửa Lục, Hạ Long. |
Hồ Cao Vân là một thung lũng rộng dưới chân núi Thiên Sơn cao 1.091m, rừng đầu nguồn 2.900ha gồm rừng quốc gia Đồng Sơn - Kỳ Thượng với thảm thực vật nguyên sinh. |
Hồ Đầm Hà Động có kiến trúc đập tràn hình phím đàn piano, nước chảy róc rách hòa trong gió núi du dương và tiếng chim rừng hót nghe vui tai, trông đẹp mắt. |
Hồ Mắt Rồng là công trình thủy lợi vừa là nguồn nước ăn vừa là nguồn nước tưới, huyện Vân Đồn tận dụng cảnh quan của hồ làm công viên tôn thêm nét đẹp đô thị. |
Nỗi lo làm du lịch nguy cơ ảnh hưởng đến thảm thực vật sinh thủy thì còn nhiều tranh luận. Thực tế dịch vụ du lịch rất cần cảnh quan làm cho cây cối tốt tươi lên. Ở Quảng Ninh, một số hồ không có dịch vụ du lịch còn nhiều đất trống như: Hồ Yên Lập còn 1.016,5ha đất trống, hồ Đầm Hà Động còn 241,6ha đất trống, hồ Bến Châu còn 141,9ha đất trống... Hồ Yên Trung từ khi UBND tỉnh cho phép làm du lịch hiển hiện một thực tế đất trống được phủ xanh, cây cối được bảo vệ, hoa lá tốt tươi hơn.
Thực tế, những ngọn khe, thác nước, hồ đập đẹp tự hình thành các điểm du lịch nhỏ lẻ đáp ứng cộng đồng dân cư (các doanh nghiệp lớn không bao thầu được và các resort không thay thế được) rất cần tồn tại, Nhà nước cũng đang khuyến khích.
Trong quy hoạch sử dụng đất, phát triển kinh tế - xã hội, không chỉ ở Quảng Ninh mà các địa phương trong toàn quốc nên chăng có những quy hoạch pháp lý rõ ràng về những cụm du lịch sinh thái nhỏ lẻ và nghiên cứu đến dịch vụ du lịch hồ trên núi, hồ Yên Trung của thành phố Uông Bí là một ví dụ điển hình.
Vũ Phong Cầm
Theo