Thứ ba 19/11/2024 17:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia tại Kon Tum

14:22 | 19/11/2024

(Xây dựng) - Để tạo sinh kế cho hộ nghèo nói chung và hộ nghèo dân tộc thiểu số nói riêng, tỉnh Kon Tum đã triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, nhờ đó công tác giảm nghèo đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia tại Kon Tum
Cán bộ xã Sa Loong hướng dẫn chăm sóc bò sinh sản cho hộ gia đình bà Bùi Thị Phen.

Huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum là địa phương nằm tại vị trí Ngã ba Đông Dương, giáp hai nước bạn Lào và Campuchia. Là huyện vùng biên giới, với điều kiện kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn, song trong những năm qua, nhờ triển khai thực hiện tốt các chương trình, chính sách dân tộc của Trung ương cùng với sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum; sự nỗ lực, phấn đấu của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện Ngọc Hồi, đã thực hiện có hiệu quả nhiều đề án, dự án, chương trình qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, nâng cao.

Tham gia vào Tiểu dự án chăn nuôi bò cái sinh sản thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 tại xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, chị Y Xê được hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản. Là hộ nghèo nên chị Y Xê rất vui mừng khi nhận được bò cái sinh sản để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Chị Y Xê cho biết, khi nhận được bò cái, chị được cán bộ hỗ trợ tập huấn kỹ thuật xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc phòng trị bệnh, hướng dẫn các kiến thức về lĩnh vực chăn nuôi bò cái sinh sản… rất tận tình nên chị rất yên tâm khi chăn nuôi con bò mình được hỗ trợ. “Hiện nay, bò của mình đang phát triển rất tốt, mình đang cố gắng chăm sóc để bò sớm đẻ ra bê, giúp mình nộp lại tiền hỗ trợ cho Nhà nước và vươn lên thoát nghèo”, chị Y Xê tâm sự.

Hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia tại Kon Tum
Cựu chiến binh Sa Văn Đoàn, thôn Cao Sơn, xã Sa Loong chăm sóc bò sinh sản được hỗ trợ.

Thời gian qua, bộ mặt nông thôn của huyện Ngọc Hồi được đổi mới. Kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số đã có bước phát triển; tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm dần (đến nay, toàn huyện còn 481 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,95%; 384 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,36%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 86,21%). Cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể, đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân trên địa bàn góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân.

Đến nay, 100% xã có đường nhựa đến Ủy ban nhân dân, 100% số thôn có đường ô tô đi đến được; 100% xã cơ bản có hệ thống thủy lợi đáp ứng đủ nhu cầu về tưới tiêu trong sản xuất. 100% các thôn làng trên địa bàn đều có điện lưới để sử dụng sinh hoạt. Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 97%. Bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của người đồng bào dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát triển. Trên địa bàn huyện có 7/7 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới; 4 thôn đạt chuẩn khu dân cư kiểu mẫu; thị trấn Plei Kần đạt 6/9 tiêu chí đạt chuẩn đô thị văn minh; 2 xã nông thôn mới nâng cao (các xã Đăk Nông, Đăk Kan). Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Trên địa bàn huyện Ngọc Hồi hiện triển khai thực hiện một số mô hình kinh tế hỗ trợ người dân, ví dụ như các dự án về hỗ trợ chăn nuôi bò cái sinh sản thuộc nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại địa bàn các xã Sa Loong, Đăk Xú, Đăk Dục, Đăk Nông. Tạo điều kiên cho các hộ dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và từng bước thoát nghèo.

Là hộ khó khăn trên địa bàn huyện, chị Bùi Thị Thu (dân tộc Mường), trú tại thôn Hào Lý, xã Sa Loong tâm sự, khi được hỗ trợ con bò cái sinh sản vào năm 2023 mình rất vui. Sau một thời gian chăm sóc, bò mẹ đã đẻ ra bê, mình cảm thấy cực kỳ phấn khởi. Nhờ được hỗ trợ bò, mình có thêm phân bón để chăm sóc cho vườn cây của gia đình, tăng gia sản xuất để hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn.

Hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia tại Kon Tum
Cựu chiến binh Sa Văn Đoàn, thôn Cao Sơn, xã Sa Loong chăm sóc bò sinh sản được hỗ trợ.

Ông Bùi Văn Hiến, Bí thư kiêm Trưởng thôn Hào Lý cho biết, năm 2024, thôn có 143 hộ, 583 nhân khẩu trong đó có 5 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo. Năm 2023, thôn Hào Lý được hỗ trợ 8 con bò sinh sản cho 8 hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn. Đến nay, các hộ nuôi bò sinh sản phát triển tốt, 1 hộ đã đẻ được bê. Sau khi nhận bò, chính quyền tổ chức lớp tập huấn cho các hộ, các hộ rất phấn khởi chú trọng trong việc nuôi và phát triển thành đàn. Ban Quản lý thôn, chi bộ, các tổ chức hội rất quan tâm, thường xuyên đến thăm hỏi xem bò có bị dịch bệnh gì không để có hướng xử lý cho phù hợp, nếu có bệnh thì báo thú y xã để xử lý kịp thời, không để dịch lây lan. Bà con có đất vườn, bờ mương rộng đã biết tận dụng trồng cỏ làm thức ăn cho bò.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Hồi Y Lan, việc triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới tại huyện Ngọc Hồi gặp các thuận lợi như các chương trình, chính sách được triển khai trên địa bàn, luôn được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, sự chủ động của các cấp chính quyền trong công tác điều hành, vào cuộc của các ngành, đoàn thể và đồng tình hưởng ứng, phối hợp thực hiện của nhân dân trên địa bàn.

Thời gian qua cấp ủy, chính quyền địa phương trên toàn tỉnh Kon Tum đã chủ động ban hành theo thẩm quyền các văn bản chỉ đạo, điều hành, hệ thống cơ chế, chính sách, chủ động trong công tác tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Ban Chỉ đạo các cấp được thành lập, kiện toàn kịp thời, thực hiện tốt nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành, điều phối, bảo đảm chương trình được triển khai thực hiện có hiệu quả. Việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo tại các địa phương đã tạo điều kiện, cơ hội cho người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đạt kế hoạch đề ra.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum A Kang cho biết, các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 về giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất của đời sống nhân dân, được cấp ủy, chính quyền và người dân trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện các chương trình đã góp phần từng bước giải quyết có trọng tâm, trọng điểm những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội.

Kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa đã có bước phát triển; tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm dần; trình độ dân trí, chất lượng nguồn lao động được nâng cao; chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cơ sở hạ tầng các huyện, xã nghèo, khó khăn được cải thiện đáng kể, các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường lớp học đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân trên địa bàn các huyện nghèo, các xã khó khăn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân.

Thời gian tới, tỉnh Kon Tum tích cực, chủ động huy động, lồng ghép các nguồn lực Nhà nước, xã hội và nhân dân để đầu tư thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững phù hợp với các đặc điểm của từng địa phương. Trong đó, chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng và các công trình xây dựng cơ bản phục vụ nhu cầu thiếu yếu cho người dân; hỗ trợ triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả, gắn với Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới trên cơ sở liên kết theo chuỗi giá trị với cơ sở chế biến để bảo đảm ổn định nguồn tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Mộc Miên

Theo

Cùng chuyên mục
  • Bắc Kạn: Khẩn trương thi công khu tái định cư Tà Han

    (Xây dựng) - Khu tái định cư thôn Tà Han, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) đang được thi công khẩn trương nhằm khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, đáp ứng nhu cầu ổn định cuộc sống cho 25 hộ dân buộc phải di dời khẩn cấp.

  • Bình Dương: Sẽ ban hành quy định mức phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong tháng 12

    (Xây dựng) - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã cơ bản thống nhất với dự thảo Quyết định do Sở Xây dựng báo cáo. Đồng thời, đề nghị Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường cần tiếp thu các ý kiến góp ý, chủ trì và phối hợp với các Sở, ngành liên quan để nhanh chóng hoàn thiện nội dung, sớm trình UBND tỉnh ban hành Quyết định trong tháng 12/2024.

  • Kon Tum: Hiệu quả công tác thoát nghèo tại huyện vùng biên Ia H’Drai

    (Xây dựng) - Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện biên giới Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum là hơn 40%. Thế nhưng chỉ sau 3 năm, đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm xuống còn 7,93%. Để có được kết quả giảm nghèo “thần tốc” trên là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của huyện cùng với sự tin tưởng, đồng lòng của người dân nơi đây.

  • Vĩnh Phúc: Góp phần nâng cao chất lượng nước sạch đến người dân

    (Xây dựng) – Quan tâm đến công tác an sinh xã hội, tỉnh Vĩnh Phúc đã dành sự quan tâm đặc biệt đến đầu tư xây dựng các công trình nước sạch tập trung nhằm từng bước cải thiện, nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống dân cư nông thôn, giảm nghèo bền vững và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load