(Xây dựng) - Tại cuộc họp với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh tuần qua, Chủ tịch Uỷ ban hợp đồng Hiệp hội quốc tế các kỹ sư tư vấn (FIDIC), ông Zoltán Záhonyi đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý trong lĩnh vực tư vấn.
Cuộc họp với Hiệp hội quốc tế các kỹ sư tư vấn (FIDIC) được chủ trì bởi Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh, đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ Xây dựng và Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam. |
Hợp đồng FIDIC có những ưu điểm nào?
FIDIC được thành lập năm 1913 bởi các kỹ sư người Pháp, Bỉ và Thụy Sĩ, hiện là Tổ chức đại diện cho gần 4,5 triệu kỹ sư tư vấn trên toàn thế giới (đến từ các Hiệp hội kỹ sư tư vấn quốc gia của 102 nước).
Kể từ khi thành lập, FIDIC đã nỗ lực phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để cải thiện môi trường kinh doanh và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn để sống cả trong hiện tại lẫn tương lai.
Nhiệm vụ chính của FIDIC là thúc đẩy và thực hiện các mục tiêu chiến lược của ngành tư vấn, bao gồm quản lý toàn vẹn kinh doanh, tính bền vững, chất lượng và rủi ro của dự án. Các tổ chức tài trợ vốn quốc tế đều công nhận các mẫu Thỏa thuận và Hợp đồng FIDIC, sử dụng các mẫu hợp đồng FIDIC như là một phần của Hồ sơ mời thầu chuẩn của họ.
Trong số các ấn bản FIDIC phát hành, hợp đồng FIDIC được sử dụng phổ biến nhất với 5 ưu điểm nổi bật: Trước hết, mỗi hợp đồng FIDIC đều rõ ràng, mạch lạc với các điều khoản cần thiết, định nghĩa chi tiết và cấu trúc nhất quán giữa các hợp đồng, tạo điều kiện cho việc sử dụng dễ dàng.
Thứ hai, hợp đồng FIDIC luôn đảm bảo công bằng, hợp lý khi phân bổ rủi ro cho bên có khả năng kiểm soát, gánh chịu và giải quyết tốt nhất. Bên cạnh đó, hợp đồng FIDIC còn sở hữu tính hoàn thiện, linh hoạt với nhiều mẫu hợp đồng khác nhau, đáp ứng hầu hết các nhu cầu và có thể điều chỉnh phù hợp với yêu cầu riêng của từng quốc gia.
Hợp đồng FIDIC được soạn thảo bởi bên thứ 3 là các kỹ sư tư vấn có kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế và quản lý dự án. Chính nhờ các đặc điểm kể trên mà các mẫu hợp đồng FIDIC đã được công nhận và sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới trong hơn 60 năm qua.
Các mẫu hợp đồng FIDIC được phân biệt bởi màu sắc của cuốn sổ hợp đồng. Trong đó, những hợp đồng quan trọng nhất phải kể đến: Hợp đồng Rút gọn/Nạo vét (màu xanh), Hợp đồng Xây dựng (màu đỏ), Hợp đồng Thiết bị công trình và Thiết kế - Xây dựng (màu vàng kim), Hợp đồng EPC/Chìa khóa trao tay (màu bạc), Hợp đồng Thiết kế, Xây dựng và Vận hành (màu vàng) và mới nhất là Điều kiện hợp đồng cho các công trình Ngầm (màu đen).
Hợp đồng
Tại cuộc họp với Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh và đại diện các Cục, Vụ của Bộ Xây dựng, Chủ tịch Zoltán Záhonyi đã trực tiếp trao đổi cụ thể một số nội dung.
Chủ tịch Ủy ban hợp đồng của FIDIC, Zoltán Záhonyi chia sẻ kinh nghiệm tư vấn xây dựng của FIDIC và quốc tế. |
Về sự phù hợp của Hợp đồng FIDIC với hệ thống pháp luật riêng của mỗi quốc gia, ông Zoltán Záhonyi khẳng định: Bất kỳ hợp đồng nào cũng phải tuân thủ luật pháp quốc gia được áp dụng và hợp đồng FIDIC cũng không ngoại lệ. Dù hợp đồng FIDIC được xây dựng linh hoạt tương đối, nhưng các điều khoản chung cũng không thể áp dụng cho mọi quốc gia.
Chính vì vậy, mỗi hợp đồng sẽ có thêm các điều khoản riêng nhằm điều chỉnh hợp đồng phù hợp với pháp luật ở mỗi quốc gia. Các điều khoản riêng thường ngắn gọn, súc tích, hài hòa với những hệ thống luật pháp riêng và chỉ tập trung vào những đặc trưng của từng dự án tại mỗi quốc gia.
Trả lời câu hỏi về việc xu hướng của thế giới là hợp đồng 3 bên (chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết và nhà thầu thi công độc lập), nhưng các hợp đồng FIDIC vẫn là hợp đồng 2 bên (nhà thầu và chủ đầu tư), vậy FIDIC có kế hoạch thay đổi? Chủ tịch Zoltán Záhonyi cho biết, bên thứ 3 soạn thảo hợp đồng FIDIC là những kỹ sư có nhiều kinh nghiệm trong ngành tư vấn xây dựng, hoạt động độc lập với nhà thầu và chủ đầu tư. Chính vì vậy, hợp đồng sẽ được xây dựng trên các thông lệ quốc tế tốt nhất đã được chấp thuận rộng rãi trong ngành tư vấn chứ không dựa vào ý muốn của nhà thầu, chủ đầu tư, hay các công ty tư vấn.
Trong hợp đồng FIDIC, bên thứ 3 là những kỹ sư tư vấn không tham gia ký kết hợp đồng mà chủ yếu được thuê bởi chủ đầu tư. Chính vì vậy, các kỹ sư tư vấn rất khó giữ được vai trò độc lập và FIDIC phải xây dựng thêm Ban phân xử tranh chấp từ năm 1999. Đây là phương án xử lý tranh chấp nhanh nhất và ít tốn kém nhất. Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng nhất của Ban phân xử tranh chấp vẫn là tránh được tranh chấp.
Hiện tại, các hợp đồng FIDIC vẫn là hợp đồng 2 bên truyền thống, tách riêng vai trò của kỹ sư tư vấn. Nhưng FIDIC rất hoan nghênh các ý tưởng mới tốt hơn và không loại trừ khả năng có thể sẽ xuất bản các hình thức hợp đồng mới trong tương lai như gợi ý của Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh.
Giải thích thêm về sự khác nhau giữa Hợp đồng EPC/Chìa khóa trao tay (màu bạc) và Hợp đồng Thiết kế, Xây dựng và Vận hành (màu vàng), Chủ tịch Zoltán Záhonyi cho biết, loại 2 hợp đồng đều có tính chất phức tạp, bao gồm các yêu cầu thiết kế, vận hành đối với nhà thầu. Điểm khác biệt giữa loại 2 hợp đồng là cơ chế chia sẻ rủi ro. Nhà thầu chịu nhiều rủi ro hơn trong hợp đồng EPC/Chìa khóa trao tay.
Nhân dịp này, Chủ tịch Zoltán Záhonyi cũng khuyến nghị Bộ Xây dựng tham khảo tài liệu hướng dẫn thủ tục, quy trình đấu thầu của FIDIC ban hành năm 2011, bao gồm các thông lệ tốt nhất trên thế giới hiện nay. Tài liệu này sẽ trả lời cho câu hỏi về phân biệt giai đoạn tiền thiết kết và thiết kế.
Giai đoạn chuẩn bị cho dự án sẽ phải thực hiện rất nhiều nghiên cứu khác nhau, bao gồm cả nghiên cứu tiền khả thi để nắm bắt tình hình cơ bản của dự án và xác định chiến lược đầu thầu, loại hợp đồng phù hợp. Trên cơ sở đó, chủ đầu tư sẽ quyết định hình thức thực hiện dự án và thể thức ký kết hợp đồng.
Chủ đầu tư sẽ chịu trách nhiệm cho hầu hết các thiết kế và nhà thầu chỉ tham gia vào thiết kế cuối cùng trong hợp đồng truyền thống. Nhưng đối với hợp đồng Thiết kế - Xây dựng, chủ đầu tư sẽ chỉ đưa ra thiết kế cơ bản (gọi là yêu cầu của chủ đầu tư) và nhà thầu sẽ thực hiện tất cả những thiết kế còn lại. Đây là cách làm tốt nhất theo đánh giá của ông Zoltán Záhonyi.
Hữu Mạnh
Theo