Thứ năm 25/04/2024 00:50 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hệ thống quy chuẩn xây dựng: Tinh gọn, điều tiết đầy đủ các lĩnh vực

15:50 | 29/04/2023

(Xây dựng) - Một trong những thành quả nổi bật mà Đề án “Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng” đạt được là Bộ Xây dựng quy hoạch lại hệ thống quy chuẩn thành 12 bộ quy chuẩn, đảm bảo tinh gọn nhưng vẫn đủ điều tiết các lĩnh vực quản lý của ngành, góp phần đắc lực cho quản lý nhà nước về an toàn xây dựng, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tài nguyên, môi trường, phù hợp với các công nghệ xây dựng tiên tiến trong nước và quốc tế.

Hệ thống quy chuẩn xây dựng: Tinh gọn, điều tiết đầy đủ các lĩnh vực
Quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình là một trong những sản phẩm của Đề án 198.

Hoàn thành các nhiệm vụ thuộc Đề án

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng” (tại Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 09/02/2018) và giao cho Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì, phối hợp cùng với các Bộ, ngành và địa phương liên quan thực hiện.

Đề án có 5 mục tiêu. Một là, hoàn thành quy hoạch “Bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ngành xây dựng”; biên soạn, công bố các chuẩn quốc gia (QCVN) và quy chuẩn địa phương (QCĐP) phù hợp điều kiện đặc thù về địa hình, địa chất, khí hậu của các địa phương.

Hai là, hoàn thành quy hoạch và định hướng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia theo lĩnh vực; lập danh mục và biên soạn “Bộ tiêu chuẩn cốt lõi ngành Xây dựng” chiếm khoảng 15 - 20% tổng số lượng tiêu chuẩn theo định hướng mới, đảm bảo tính đồng bộ, tiên tiến, phục vụ hiệu quả các hoạt động xây dựng.

Ba là, hoàn thiện khung pháp lý về biên soạn, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; định hướng cho việc áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài (TCNN), tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) trong hoạt động xây dựng. Bốn là, xây dựng cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn, quy chuẩn. Năm là, đổi mới hệ thống tài liệu giảng dạy trong các trường đào tạo nguồn nhân lực ngành Xây dựng.

Đề án “Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng” có 11 nhiệm vụ chính, gồm: Quy hoạch hệ thống quy chuẩn kỹ thuật xây dựng; Biên soạn, soát xét, sửa đổi hệ thống quy chuẩn kỹ thuật xây dựng; Quy hoạch hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng; biên soạn hệ thống tiêu chuẩn quốc gia theo quy hoạch định hướng mới; Tăng cường quản lý chất lượng tiêu chuẩn cơ sở trong hoạt động xây dựng; tăng cường quản lý việc áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực trong hoạt động xây dựng…; Xây dựng cơ sở dữ liệu, đổi mới công tác thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng; Nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch, biên soạn, thẩm tra, thẩm định, công bố hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng; Nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát sự tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, áp dụng tiêu chuẩn trong hoạt động xây dựng; Đổi mới giáo trình trong hệ thống giáo dục đào tạo nguồn nhân lực của ngành Xây dựng; hoàn thiện, đổi mới cơ chế chính sách, kinh phí biên soạn về biên soạn và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng.

Tính hết năm 2022, các nhiệm vụ của Đề án cơ bản hoàn thành đáp ứng mục tiêu theo tiến độ đề ra. Nội dung của các nhiệm vụ đã được nghiệm thu, tổng kết. Các sản phẩm từng bước đi vào cuộc sống, thúc đẩy công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng và phát triển bền vững trong lĩnh vực xây dựng.

12 quy chuẩn tinh gọn, đầy đủ và hiệu quả

Thực hiện Đề án, Bộ Xây dựng đã tập trung rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật xây dựng; đồng thời khảo sát hệ thống quy chuẩn kỹ thuật tương đương của các nước trên thế giới. Bộ quy chuẩn kỹ thuật lĩnh vực xây dựng trước đây gồm 29 quy chuẩn (của các bộ quản lý công trình xây dựng) sau khi được sắp xếp, tích hợp và quy hoạch lại còn 12 bộ quy chuẩn, thể hiện quan điểm kế thừa những thành tựu của hệ thống quy chuẩn hiện hành đã được kiểm chứng qua thực tế, đổi mới, phát triển hệ thống phủ kín các lĩnh vực xây dựng, đáp ứng được nhu cầu phát triển trong giai đoạn hội nhập sâu và rộng hiện nay.

Trong đó, các quy chuẩn chuyên ngành được các Bộ, ngành chủ động sắp xếp, quy hoạch theo lĩnh vực quản lý. Các quy chuẩn địa phương giao cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất, xây dựng căn cứ vào đặc thù của địa phương.

Trong 12 quy chuẩn, Bộ Xây dựng chủ trì 9 quy chuẩn, với 6 quy chuẩn đã ban hành, và 3 quy chuẩn sẽ ban hành trong năm 2023 và 2024. Hiện nay, các Bộ, ngành khác cũng đang tích cực triển khai và sẽ sớm ban hành đồng bộ các quy chuẩn trong thời gian tới. Nhiệm vụ đổi mới hệ thống quy chuẩn và biên soạn quy chuẩn mới đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng mục tiêu đề ra, trong đó có những quy chuẩn tác động lớn đến xã hội và hoạt động xây dựng như: Quy chuẩn về Quy hoạch xây dựng quy định về các yêu cầu kỹ thuật, các chỉ tiêu quy hoạch quan trọng trong việc lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng; quy chuẩn về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng; quy chuẩn về an toàn cháy cho nhà và công trình...

Đối với nhiệm vụ quy hoạch hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng, các tiêu chuẩn liên quan đến lĩnh vực xây dựng có khoảng 1.350 tiêu chuẩn quốc gia. Bộ Xây dựng chủ trì biên soạn 836 TCVN (chiếm 62%). Trong quá trình thực hiện, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng định hướng để biên soạn các tiêu chuẩn, lên danh mục các tiêu chuẩn cần biên soạn và lộ trình thực hiện theo nhiệm vụ của Đề án.

Thực hiện nhiệm vụ biên soạn hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng theo quy hoạch định hướng mới, Bộ Xây dựng đã hoàn thành kế hoạch giao 128 TCVN cốt lõi theo định hướng mới cho các đơn vị, trường Đại học, Hiệp hội tư vấn biên soạn, dự kiến sẽ được ban hành đồng bộ vào năm 2025.

Cùng với kế hoạch hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn mới, Bộ Xây dựng đang phấn đấu sẽ ban hành khoảng 900 tiêu chuẩn mới vào năm 2030. Ngoài ra, các Bộ Công an, Công Thương, NN&PTNT, VH,TT&DL đã công bố nhiều TCVN chuyên ngành và dự kiến ban hành thêm một số TCVN khác trong thời gian tới.

Ở nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu, đổi mới công tác thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, Cổng thông tin tra cứu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng đã đi vào hoạt động. Hệ thống có khả năng liên kết giữa các cơ sở dữ liệu tiêu chuẩn quốc tế khác nhau với 8 phân nhóm lĩnh vực chuyên ngành xây dựng theo hệ thống phân loại quốc tế (ICS).

Một nhiệm vụ quan trọng khác là tăng cường quản lý việc áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn khu vực trong hoạt động xây dựng. Kết quả của nhiệm vụ này đã được chuyển hóa đưa vào nội dung quy định chi tiết tại Điều 8 Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ.

Đối với nhiệm vụ đổi mới giáo trình trong hệ thống giáo dục đào tạo nguồn nhân lực, ngành Xây dựng đã hoàn thành Khung chương trình đào tạo trình độ đại học và cao đẳng. Ban chỉ đạo Đề án đã gửi tài liệu cho Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ liên quan để chỉ đạo các cơ sở giáo dục bậc đại học, cao đẳng trực thuộc tham khảo, biên soạn tài liệu giảng dạy các bậc học tương ứng.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ khác trong Đề án như tăng cường quản lý chất lượng tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) trong hoạt động xây dựng; nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch, biên soạn, thẩm tra, thẩm định, công bố hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng; nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát sự tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, áp dụng tiêu chuẩn trong hoạt động xây dựng; hoàn thiện, đổi mới cơ chế chính sách về công tác biên soạn và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng. Kết quả của các nhiệm vụ đã được đưa vào áp dụng trong thực tiễn quản lý, sản xuất và một số đề xuất đã được chuyển hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Đề xuất thực hiện đồng bộ 5 giải pháp

Để phát huy các kết quả đạt được của Đề án, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện một số giải pháp đồng bộ. Một là, kiến nghị sửa Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nâng cao vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành chuyên môn trong việc lên kế hoạch, biên soạn, thẩm định nội dung, ban hành tiêu chuẩn, thông tin tiêu chuẩn, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn. Bộ KH&CN có trách nhiệm thẩm định hồ sơ công bố và cấp mã số tiêu chuẩn.

Hai là, giao các Bộ, ngành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, phân định trách nhiệm biên soạn tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, để không chồng chéo, trùng lặp và đảm bảo phủ kín các lĩnh vực.

Ba là, chỉ đạo các Bộ, ngành chủ động xây dựng và quản lý hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn; giao nhiệm vụ, kinh phí tiếp tục thực hiện biên soạn tiêu chuẩn theo kế hoạch đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ.

Bốn là, chỉ đạo các địa phương chủ động, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất ban hành quy chuẩn địa phương (nếu cần thiết) để khai thác tiềm năng khu vực, lợi thế vùng, nhằm phát triển kinh tế địa phương.

Năm là, chỉ đạo các Bộ, ngành đầu tư cơ sở vật chất cho các Viện, cơ sở nghiên cứu; tập trung xây dựng đội ngũ chuyên gia; đổi mới cơ chế quản lý tài chính, nâng cao chất lượng biên soạn các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại, an toàn, tiết kiệm.

Hữu Mạnh - Vân Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load