(Xây dựng) - Đây là vấn đề được đặt ra tại hội thảo Đánh giá tổng quan 7 hệ thống cấp chứng nhận công trình xanh (CTX) do Bộ Xây dựng phối hợp với Quỹ USAID (Mỹ) phối hợp tổ chức tại Hà Nội, ngày 23/7. Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án Thúc đẩy hiệu quả năng luợng trong ngành Xây dựng, thuộc Chương trình Năng luợng sạch USAID Việt Nam.
Có sự tương đồng nhất định
Tại hội thảo, ông Douglou Snyder – Chuyên gia CTX của Chương trình Năng luợng sạch USAID Việt Nam đã phân tích 7 hệ thống chứng nhận CTX trên thế giới, gồm hệ thống Đánh giá Năng lượng của Viện Nghiên cứu Công trình Anh quốc (BREEAM); Hệ thống đánh giá Công trình đứng đầu về thiết kế Năng lượng và Môi trường của Mỹ (LEED); Công trình xếp hạng Ngôi sao Xanh của Úc (Green Star); Công trình xếp hạng Nhãn Xanh của Singapore (Green Mark); Nhãn CTX – 3 sao của Trung quốc (Three Star); Tiêu chuẩn Xanh cho thiết kế Năng lượng và môi trường của Hàn Quốc (G-SEED) và hệ thống LOTUS của Hội đồng CTX Việt Nam (VGBC).
Theo đó, hệ thống chứng nhận CTX tại Mỹ, Anh, Úc và Việt Nam do các tổ chức phi lợi nhuận thực hiện. 3 nước còn lại, chứng nhận CTX là các tổ chức nhà nước cộng tác với các tổ chức phi lợi nhuận.
Về cơ bản, 7 hệ thống chứng nhận CTX tương tự nhau ở các nhóm tiêu chí đánh giá chính gồm phương thức quản lý; chất lượng môi trường trong nhà; sử dụng năng luợng; hạ tầng, phương tiện giao thông trong địa bàn; sử dụng nước; sử dụng VLXD; sử dụng đất và hệ sinh thái; mức độ ô nhiễm môi trường…
Tuy nhiên trọng số của các nhóm tiêu chí trong các hệ thống chứng nhận CTX khác nhau khá nhiều. Cụ thể, trọng số nhóm tiêu chí quản lý công trình (gồm các tiêu chí quản lý môi trường, nghiệm thu công trình, chi phí vòng đời dự án…) trong hệ thống BREEAM của Anh là 15% thì hệ thống LEED của Mỹ chỉ có 6%, thậm chí trong hệ thống Green Mark của Singapore là 0%.
Đặc biệt, ở nhóm tiêu chí về năng lượng (gồm các tiêu chí về hiệu quả năng luợng, sản xuất năng luợng tái tạo, công nghệ và kế hoạch chiếu sáng, hệ thống vận chuyển trong công trình…), trọng số trong hệ thống Green Mark lên đến 64%, LOTUS 28% và LEED 25%, trong khi ở hệ thống Three Star (Trung Quốc) chỉ có 16%...
Riêng hệ thống LOTUS có 2 tiêu chí thiết kế riêng cho Việt Nam là tiêu chí thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, trọng số là 5%, trong khi ở các hệ thống chứng nhận CTX của Hàn Quốc, Úc, Singapore và Trung Quốc trọng số của nhóm tiêu chí này là 0%, Anh1% và Mỹ 2%.
Ông Douglou Snyder cho rằng: Tất cả 7 hệ thống nói trên đều có thể áp dụng cho Việt Nam nếu được điều chỉnh phù hợp.
Những khuyến nghị cho hệ thống công nhận CTX Việt Nam
PGS.TS Phạm Đức Nguyên (Phó Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam), chủ nhiệm đề tài Hệ thống tiêu chí CTX Việt Nam (Bản 1.0/2014) lại có đánh giá hơi khác.
Việc lựa chọn địa điểm xây dựng công trình bảo vệ thiên nhiên, môi trường cũng là một tiêu chí xem xét công nhận CTX
Ông cho biết: Hai hệ thống đã được Hội lựa chọn để phát triển trong đề tài là hệ thống LEED của Mỹ với 5 nhóm tiêu chí chính và tiêu chí quản lý công trình; hệ thống Green Mark của Singapore với các tiêu chí đòi hỏi nhiều hơn về năng luợng và có các tiêu chí phù hợp với khí hậu nhiệt đới ẩm của Việt Nam…
Từ nghiên cứu tổng quan về 7 hệ thống chứng nhận CTX trên thế giới nói trên, ông Douglou Snyder khuyến nghị: Việc cấp chứng nhận CTX được áp dụng cho tất cả các công trình xây mới hoặc cải tạo nâng cấp. Nhà nước có các cơ chế khuyến khích tài chính như miễn giảm thuế, trợ cấp theo m2 sàn CTX và giảm lãi suất vay…
Về quy trình cấp chứng nhận, ông Douglou Snyder khuyến nghị: Không cấp chứng nhận chính thức CTX cho giai đoạn thiết kế. Quy trình nộp và nhận hồ sơ trực tuyến. Các quy trình nộp và thẩm định hồ sơ tường minh, nhất quán và chỉ có một cơ quan thẩm định cấp Trung ương (song công tác thẩm định có thể được hợp đồng cho bên thứ ba). Trong quá trình thẩm định và phê duyệt, thông tin phải minh bạch. Các thủ tục thẩm định thống nhất cho tất cả các dự án mà không dựa trên các quan hệ đặc biệt nào…
PGS Phạm Đức Nguyên thì đề xuất: Chứng chỉ CTX Việt Nam sẽ gồm 2 loại. Đó là chứng chỉ CTX chính thức được cấp sau khi tiến hành đánh giá tòa nhà đã hoàn thành xây dựng hoặc cải tạo và đưa vào ít nhất 50% tổng diện tích sàn... Khi có yêu cầu đánh giá hồ sơ thiết kế công trình, có thể cấp chứng chỉ CTX thiết kế (chưa chính thức). Sau khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, chủ công trình phải đăng ký lại hồ sơ để nhận chứng chỉ chính thức.
Chứng chỉ CTX chỉ có giá trị trong 5 năm. Sau 5 năm, công trình muốn nhận chứng chỉ mới phải đệ trình hồ sơ để được đánh giá lại.
Bộ Xây dựng sẽ cấp chứng nhận CTX tại Việt Nam
Ông Nguyễn Trung Hòa – Vụ trưởng Vụ KHCN&MT, Bộ Xây dựng, đơn vị chủ trì hội thảo và là đơn vị triển khai dự án Thúc đẩy hiệu quả năng luợng trong ngành Xây dựng cho biết: Năng lực của chuyên gia Việt Nam trong việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá CTX từ thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành còn hạn chế. Do vậy, hội thảo là cơ hội tham kiến sự đóng góp của các chuyên gia trong nước và chuyên gia nước ngoài trong việc xem xét, rà soát các tiêu chí Hệ thống đánh giá công nhận CTX phù hợp với điều kiện xây dựng, kinh tế, năng lượng, vật liệu, công nghệ và khí hậu nhiệt đới ẩm của Việt Nam.
Ông Hòa cho biết: Cuối năm 2014, Bộ Xây dựng sẽ ban hành thông tư hướng dẫn quy trình chứng nhận và hệ thống tiêu chí chứng nhận CTX, với các trọng số cụ thể. Dự kiến, Bộ Xây dựng sẽ là cơ quan cấp chứng nhận CTX. Trước đó một đơn vị tư vấn sẽ được chọn để xem xét sự phù hợp của công trình đối với hệ thống tiêu chí được quy định trong thông tư. Sau đó, hội đồng khoa học của Bộ Xây dựng sẽ xem xét, thẩm định lại lần cuối trước khi cấp chứng nhận CTX chính thức.
Cũng theo ông Nguyễn Trung Hòa, Việt Nam mới ở giai đoạn đầu phát triển CTX do đó rất cần tạo điều kiện về cơ chế chính sách khuyến khích.
Hòa Bình
Theo