(Xây dựng) - Ông Nguyễn Văn Toàn (Bắc Giang) có câu hỏi liên quan đến hạn mức chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, gửi tới cơ quan có thẩm quyền nhờ hướng dẫn giải đáp.
Hạn mức chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh. |
Nội dung câu hỏi như sau:
Ông Toàn hiện đang công tác tại Phòng Kinh tế và Hạ tầng của huyện. Phòng được huyện giao khoán kinh phí sự nghiệp đầu năm với 2 công trình sự nghiệp giao thông (1 công trình 400 triệu đồng sửa chữa hư hỏng đường huyện và 1 công trình 600 triệu đồng làm mới đèn tín hiệu giao thông).
Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án sự nghiệp giao thông đơn vị ông Toàn xác định đây là dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư nên không lập chủ trương đầu tư mà tiến hành lập phê duyệt dự toán, bản vẽ thi công hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật luôn, nhưng đến bước lựa chọn nhà thầu xuất hiện 2 quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất, căn cứ Điều 1 (đối tượng áp dụng), Điều 2 (phạm vi điều chỉnh) và Điều 19 (quy trình chào hàng cạnh tranh) Thông tư số 58/2016/TT-BCT (được sửa đổi tại Thông tư 68/20022/TT-BTC), 2 gói thầu thuộc nguồn kinh phí sự nghiệp giao thông có giá trị > 200 triệu đồng phải thực hiện hình thức lựa chọn nhà thầu là chào hàng cạnh tranh.
Quan điểm thứ hai, căn cứ Điều 8a (hồ sơ tạm ứng, thanh toán vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư) Thông tư số 39/2016/TT-BTC, Điều 54 (hạn mức chỉ định thầu) Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, 2 gói thầu thuộc nguồn kinh phí sự nghiệp giao thông là dự án nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư nên thực hiện lựa chọn nhà thầu theo Luật Đấu thầu là chỉ định thầu.
Do 2 quan điểm trên đang trái ngược nhau về hình thức lựa chọn nhà thầu nên đơn vị ông Toàn gặp nhiều khó khăn. Ông đề nghị cho biết, việc lựa chọn nhà thầu theo quan điểm thứ 1 hay thứ 2 là đúng quy định pháp luật?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, hạn mức chỉ định thầu là không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 57 Nghị định này, chào hàng cạnh tranh theo quy trình rút gọn áp dụng đối với gói thầu mua sắm thường xuyên có giá trị không quá 200 triệu đồng.
Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 58/2016/TT-BTC (được sửa đổi tại Thông tư số 68/2022/TT-BTC) quy định về nguồn kinh phí mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên, trong đó có nguồn kinh phí từ thu hoạt động sự nghiệp, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ hợp pháp khác theo quy định của pháp luật tại đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, trường hợp gói thầu không thuộc dự án đầu tư phát triển và sử dụng nguồn kinh phí quy định tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC thì áp dụng hạn mức chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh đối với mua sắm thường xuyên.
Ngoài ra, liên quan đến nội dung Thông tư số 39/2016/TT-BTC, đề nghị ông liên hệ với Bộ Tài chính để được hướng dẫn cụ thể.
Đỗ Quang
Theo