(Xây dựng) - Không lạ là vì pháp luật Việt Nam cho phép. Không lạ nữa là vì rất nhiều quốc gia chấp nhận chính sách này. Và cũng không lạ, vì đây là sự tôn trọng quyền tự do của công dân tại những quốc gia theo xu hướng tiến bộ, trong đó có Việt Nam.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Tuy nhiên, những ngày gần đây, nhờ những thông tin của báo chí nước ngoài mà nhiều người biết rằng, vị đại biểu Quốc hội được hàng trăm ngàn cử tri ở TP.HCM gửi gắm niềm tin và hy vọng có tên là Phạm Phú Quốc đã bỏ ra khoảng 57 tỷ đồng để “mua” quốc tịch nước ngoài. Đau và có phần hoang mang.
Đau là vì lòng tin đã bị phản bội. Hoang mang là liệu còn có bao nhiêu kẻ khác tương tự như thế?
Rồi những nghi ngờ nảy sinh, liệu những đồng tiền “mua” quốc tịch kia có sạch sẽ không? Liệu trong hàng chục năm đứng đầu nhiều DNNN to đùng kia có những khuất tất, bòn mót, đục khoét tài sản công không? Liệu có những thế lực đằng sau bảo kê cho ông ta không?...
Thật ra, những câu hỏi này chỉ xảy ra với những công chức Nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý tài sản công để kinh doanh thôi, chứ còn với DN tư nhân, với những đồng tiền làm ăn hợp pháp thì việc họ có vài ba quốc tịch thì cũng chẳng mấy ai quan tâm.
Chẳng hạn như doanh nhân Trịnh Thành Nhơn, chủ của thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan thành danh một thời, đã có quốc tịch thứ hai từ lâu rồi.
Ngày mới bán toàn bộ cơ ngơi và thương hiệu Dạ Lan cho hãng Colgate của Mỹ với giá ngót chục triệu USD hồi năm 1996, hai ông bà đã có ý định như bao người khác là nghỉ ngơi, dành thời gian chăm con cái ăn học, khôn lớn. Vợ chồng ông sang Canada, tìm đến một vùng thôn quê yên ả nhưng phong cảnh thì đẹp vô ngần, mua một ngôi biệt thự và sống ở đó.
Nhưng rồi chỉ ít lâu sau, hai ông bà lại đóng cửa ngôi biệt thự yên bình ấy, mang toàn bộ số tiền chính đáng kiếm được về nước xây dựng một nhà máy sản xuất hóa mỹ phẩm và hoạt động cho đến tận bây giờ.
Việc mang tiền từ nước ngoài về nước mình đầu tư như doanh nhân Trịnh Thành Nhơn không hề hiếm. Nhiều tập đoàn tư nhân nổi tiếng ở Việt Nam hiện nay như Vingroup, Sun Group, Masan… đều được hình thành bởi những doanh nhân như vậy. Lòng yêu nước của họ được thể hiện bằng hành động, bằng “tiền tươi thóc thật”, bằng trí tuệ và lòng quả cảm, bằng những sản phẩm có đẳng cấp quốc tế, bằng tạo ra hàng trăm ngàn việc làm cho người lao động… Vậy nếu họ có 2 quốc tịch thì đâu có cần sự ồn ào?
Mặc dù với quốc tịch thứ hai kia sẽ mang lại rất nhiều lợi ích nhưng họ vẫn về sống ở Việt Nam say sưa sáng tạo và phát triển những thương hiệu Việt, đóng góp cho sự phát triển một Việt Nam hùng cường trong tương lai.
Còn với ông Phạm Phú Quốc, tôi cũng không dám chắc ông là một doanh nhân và có những tố chất của một doanh nhân thực thụ. Bởi ông vốn là công chức Nhà nước, hưởng lương theo quy định của Nhà nước, làm việc trong khuôn khổ các quy định của Nhà nước… Ông chỉ được làm những việc mà Nhà nước cho phép.
Chính vì thế, việc ông có 2 quốc tịch mới ồn ào như vậy!
Nguyễn Hoàng Linh
Theo