(Xây dựng) - Ngày 18/7, HĐND thành phố Hải Phòng khai mạc Kỳ họp thứ 6 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2022) HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.
Kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026. |
Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp đầu tiên HĐND thành phố ứng dụng kỳ họp số để nâng cao chất lượng, hiệu quả, của kỳ họp, đồng thời góp phần thực hiện chương trình Chuyển đổi số của thành phố. Kỳ họp diễn ra trong 2,5 ngày 18, 19 và sáng 20/7/2022 với nội dung chủ yếu: UBND thành phố báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm; mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022.
UBND thành phố Hải Phòng trình các Tờ trình về: Điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn thành phố giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch đầu tư công thành phố năm 2022; Dự kiến Kế hoạch đầu tư công thành phố năm 2023; thông qua bổ sung, điều chỉnh danh mục các dự án đầu tư có sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ; danh mục các dự án phải thu hồi đất; mức vốn ngân sách Nhà nước dự kiến cấp cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố năm 2022.
Sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố. Sửa đổi, bổ sung Điều 3, Quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hải Phòng ban hành kèm theo Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 12/7/2018 của HĐND thành phố. Mức chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan chính quyền, Đảng, đoàn thể do thành phố quản lý.
Quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thành phố; quyết định nội dung, mức chi cho việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng; quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn thành phố Hải Phòng; phát triển thanh niên thành phố Hải Phòng giai đoạn 2022-2030...; chất vấn và xem xét trả lời chất vấn, cùng một số nội dung quan trọng khác.
HĐND thành phố Hải Phòng xem xét các báo cáo công tác 6 tháng đầu năm của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND thành phố, UBND thành phố, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự thành phố; báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 4 và báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố; nghe thông báo của Ủy ban MTTQ Việt Nam. Các vị đại biểu HĐND thành phố xem xét, thông qua các báo cáo chuyên đề của Thường trực HĐND, UBND thành phố và 28 hồ sơ dự thảo Nghị quyết là những nội dung cần thiết liên quan đến những vấn đề trọng yếu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân thành phố cần được HĐND thành phố xem xét quyết nghị để triển khai.
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, ông Trần Lưu Quang - Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng đề nghị HĐND thành phố quan tâm, thảo luận sau một số vấn đề: Nghiên cứu, thảo luận rõ, làm sâu sắc hơn và toàn diện hơn tình hình kinh tế, kết quả đạt được và những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và những nhiệm vụ khác 6 tháng đầu năm 2022; đồng thời chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại hạn chế đó, nhất là các nguyên nhân chủ quan và rút ra các bài học kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện trong 6 tháng cuối năm.
Đối với các nghị quyết quan trọng liên quan đến chủ trương, chính sách lớn, làm cơ sở trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ thường xuyên của thành phố, cần phát huy sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm để thảo luận, phân tích, đánh giá, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, làm rõ tính hiệu quả, các giải pháp đột phá, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để các cấp, các ngành triển khai thực hiện, góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế to lớn của thành phố, giải quyết các nút thắt, đồng thời phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ của cơ sở.
Hiện nay, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố mới được thành lập cần phối hợp với HĐND thành phố ban hành chương trình, kế hoạch theo chức danh, nhiệm vụ được giao và theo hướng dẫn của Trung ương, góp phần triển khai thực hiện hiệu quả, thường xuyên giám sát về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương nói riêng và tích cực phối hợp chặt chẽ với Đoàn ĐBQH thành phố, các cơ quan của Quốc hội khi tổ chức Đoàn giám sát tình hình thi hành pháp luật nói chung tại địa phương.
Đăng Hùng
Theo